Dự án phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long đã quay xong và đang trong giai đoạn làm hậu kỳ, dự kiến sẽ lên sóng tháng 9-2010. Có lẽ đây là bộ phim duy nhất đúng hẹn với Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Những người làm phim hy vọng, với sự nghiêm túc, cẩn trọng và tính chuyên nghiệp cao, bộ phim sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả.
Cẩn trọng, nghiêm túc
Theo nhà sản xuất, bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long sẽ kéo dài trên dưới 20 tập, dung lượng khoảng 45 phút mỗi tập. Phim do hai đạo diễn, ông Cận Đức Mậu (Trung Quốc) - nguyên là đạo diễn bộ phim truyền hình Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên và Tạ Huy Cường (Việt Nam) thực hiện. Toàn bộ 45 nhân vật đều do các diễn viên Việt Nam đảm nhận. Diễn viên Tiến Lộc và Á hậu Thụy Vân được chọn vào vai chính: Vua Lý Công Uẩn và Lê Thị Thanh Liên - hồng nhan tri kỷ của Lý Công Uẩn. Diễn viên, NSƯT Trung Hiếu (Nhà hát kịch Hà Nội) được chọn vào vai Đinh Bộ Lĩnh, diễn viên Hoàng Hải đảm nhận vai Lê Hoàn...
Nội dung phim xoay quanh cuộc đời, sự nghiệp của vua Lý Thái Tổ, người gắn kết đời mình với 3 triều đại lịch sử: triều Đinh, Tiền Lê và triều Lý, cũng là người khai sinh ra Kinh thành Thăng Long. Bộ phim đã truyền tải và tô đậm ý nghĩa việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của Đại Cồ Việt thành một quốc gia hùng cường. Hình tượng Thái Tổ Lý Công Uẩn được khắc họa qua hai thời kỳ, từ lúc nhỏ được Thiền sư Vạn Hạnh nuôi dưỡng và dạy dỗ, đến khi lớn lên trở thành vị tướng tài ba trong thời Tiền Lê rồi lên ngôi vua và dời đô về Thăng Long. Để bộ phim gần gũi với lịch sử Việt Nam, các nhà làm phim đã đặc biệt chú trọng đến bối cảnh, phục trang để có thể làm nổi bật văn hóa Đại Việt thời nhà Lý. Nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng, nghệ sỹ, TS Đoàn Thị Tình cùng họa sỹ Phạm Xuân Hải chịu trách nhiệm thiết kế bối cảnh và chuẩn bị trang phục cho diễn viên. Tuy nhiên, đã có vô số ý kiến trái chiều chung quanh bộ phim cổ trang vào loại hoành tráng, công phu nhất này. Giải tỏa những e ngại về việc bộ phim lịch sử Việt Nam được quay tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi phim dã sử Trung Quốc, ông Trịnh Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Trường Thành, chủ đầu tư dự án phim, khẳng định: - Chúng tôi hoàn toàn tự tin là bộ phim vẫn mang đậm hồn Việt. Dự án đã được chúng tôi ấp ủ từ rất lâu. Đây là bộ phim lịch sử, lại như một món quà kỷ niệm Thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi nên tôi rất cẩn trọng từ việc tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu lịch sử, tham vấn các chuyên gia sử học... Trung Quốc có kinh nghiệm lâu năm về làm phim cổ trang, dù chi phí cao hơn nhiều ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đạo diễn Cận Đức Mậu cũng chỉ đóng vai trò là một "giám đốc nghệ thuật", tức là chỉ tham gia vào các yếu tố mang tính kỹ thuật của một bộ phim cổ trang. Các khâu từ bối cảnh, phục trang, hóa trang, đạo cụ... được chuyên môn hóa ở trình độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phim với mục tiêu cao nhất là ra mắt đúng dịp đại lễ.
Riêng khâu chuẩn bị phục trang cho đúng giai đoạn lịch sử này cũng đã "tiêu tốn" vô số thời gian, công sức của nhà sản xuất. Tham gia thiết kế trang phục là họa sỹ Đoàn Thị Tình, một trong những chuyên gia có kinh nghiệm về trang phục phim lịch sử Việt Nam. Họa sỹ Đoàn Thị Tình đã nghiên cứu kỹ lưỡng về các họa tiết, hoa văn thời Đinh, Tiền Lê dựa theo các mẫu tượng cổ thờ vua Lê Đại Hành. Các loại giáp phục thời Lý cũng được tạo dựng dựa trên những pho tượng lịch sử trong các đền chùa cổ của Việt Nam.
Không dễ làm khó bỏ
Làm phim lịch sử luôn gặp rất nhiều khó khăn, từ kinh phí sản xuất - thường rất lớn đến kịch bản phải trung thành với lịch sử, cảnh quay, trang phục, diễn viên… Diễn xuất của diễn viên cũng phải được thể hiện sao cho ra chất sử, đặc biệt là "hồn cốt" Việt Nam. Ông Trịnh Văn Sơn tâm sự: - Làm phim lịch sử không thể dễ làm, khó bỏ. Tôi đã dồn hết tâm huyết vào bộ phim này. Trong quá trình làm phim, chúng tôi gặp không ít khó khăn từ việc sửa kịch bản sao cho sát nhất với lịch sử Việt Nam, nhưng lại phải nâng lên tầm một tác phẩm điện ảnh chứ không thể là một bộ phim kể lể lại lịch sử một cách đơn giản, tùy tiện hay cứng nhắc, các chi tiết phim phải không bị mang chất... kịch, lời thoại phải tái hiện đúng không khí, văn phong của thời kỳ đó... Khâu tuyển chọn diễn viên cũng làm chúng tôi đau đầu. Do việc chọn diễn viên rất gấp gáp, hầu hết gương mặt đều là diễn viên kịch mà chúng tôi lại muốn diễn xuất toát lên được chất điện ảnh. Việc Á hậu Thụy Vân, vốn không phải diễn viên chuyên nghiệp, đảm nhận một trong hai vai chính làm chúng tôi khá lo lắng. Lúc đầu, Vân không quen nên chưa nhập vai, thậm chí có cảnh cần phải khóc, dù dùng cả thuốc kích thích cô vẫn không chảy nước mắt được... Nhưng sau đó chúng tôi đánh giá rất cao sự cố gắng học hỏi của Vân. Đạo diễn Cận Đức Mậu cho rằng Thụy Vân đã thể hiện khá tốt nhân vật Thanh Liên, một nhân vật gặp nhiều sóng gió và biến cố trong cuộc sống.
Đến thời điểm này, trong khi một số dự án phim kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có kinh phí do Nhà nước đầu tư đã âm thầm… đổ bể vì nhiều tranh cãi quanh vấn đề kịch bản và kinh phí, thì "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" đang chuẩn bị "về đích". Phần hậu kỳ đang được thực hiện gấp rút nhưng cẩn trọng. Những người làm phim chưa biết bộ phim sẽ được khán giả đón nhận ra sao nhưng hẳn có thể tự tin rằng đây là bộ phim lịch sử đã được đầu tư hết sức nghiêm túc. Ông Sơn thì mong muốn nhiều hơn thế khi kỳ vọng rằng sau những "viên gạch" đầu tiên này, Việt Nam sẽ có thêm nhiều tác phẩm có giá trị để xứng tầm với lịch sử của cha ông cũng như góp phần truyền tải, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới./.
(Theo: Minh Anh/HNM)