Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 19/5/2013 8:43'(GMT+7)

Học Bác tình yêu thương bao la

Đến Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh), ai cũng biết cô gái trẻ Trần Thị Phương Thúy, đảng viên, Phó Bí thư Đoàn cơ sở, Trưởng khoa F của Trung tâm, bởi sự tận tâm, nhiệt tình với bệnh nhân của cô. Không ngại khó, không ngại vất vả, cô chọn cho mình công việc chăm sóc những bệnh nhân tâm thần lang thang, không nơi nương tựa, những người khuyết tật về trí não. Bởi với cô, đó là công việc tốt để cô thể hiện trách nhiệm với xã hội và san sẻ tình yêu thương.

Cô chia sẻ: “Những người bệnh nhân hình như đang dần bị lãng quên, tưởng như vô thức và mất đi cảm nhận với cuộc sống. Nhưng tôi thấy không phải thế. Họ cũng biết khóc, biết cười, biết xúc động, biết yêu thương”. Không chỉ cho bệnh nhân uống thuốc hàng ngày, cô còn đút từng miếng cơm, thìa cháo cho bệnh nhân, đêm đến khi đi tuần tra thì đắp lại chăn cho họ. Quan trọng hơn, cô lắng nghe họ nói. Nhưng công việc đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có lúc bệnh nhân lên cơn kích động, không ngần ngại đánh vào mặt người chăm sóc. “Những lúc bệnh nhân làm như vậy, tôi và đồng nghiệp tự nhủ, họ là người tâm thần, cần thương yêu” -  Và cô vẫn cố gắng chăm sóc bệnh nhân chỉ với mong ước có thể phần nào đưa họ về với cuộc sống đời thường. Để làm được điều này, điều đau đáu trong tâm trí cô gái trẻ là phải coi bệnh nhân như người thân trong gia đình.

Cô nhớ nhất kỷ niệm về một bệnh nhân nam sinh năm 1978. Sau hai năm tiếp xúc, hỗ trợ điều trị, bệnh nhân có chuyển biến tích cực, cô đã giúp anh liên lạc và về với gia đình. Khi bệnh nhân bị kích động và có chiều hướng tái phát, cô và đồng nghiệp đã đến tận nhà đúng lúc anh đang gây sự với gia đình.  Do điều kiện không thể tự đưa bệnh nhân về điều trị, trong lòng cô lúc nào cũng day dứt không yên. Khi nhận được tin bệnh nhân được điều trị ở Biên Hòa và bình phục, cô vui lắm.

Cô gái Trần Thị Phương Thúy luôn học hỏi, nghiên cứu tài liệu để tìm ra những phương pháp điều trị mới nhằm giảm cơn đau cho bệnh nhân, như kết hợp tiêm thuốc B1 với vật lý trị liệu, giúp bệnh nhân tập vận động, kích thích não bộ nhận tín hiệu tích cực từ cuộc sống lành mạnh, vui vẻ. Cô đề nghị trung tâm nấu cháo gạo lứt cho bệnh nhân ăn. Đây cũng là biện pháp hỗ trợ bệnh nhân rất nhiều. Nhờ chăm sóc và điều trị, đã có 87 bệnh nhân có chuyển biến tốt, đẩy lùi bệnh tê phù. Đầu tháng 12/2012, bệnh nhân bị cúm hàng loạt, cô đã phòng dịch cúm bằng cách phối hợp các biện pháp Đông y và Tây y. Cuối tháng 12/2012, đã có 68 bệnh nhân giảm rõ các triệu chứng và chấm dứt bệnh cúm lây lan rộng. Thật khó có thể tả hết được sự yêu thương, chăm sóc bệnh nhân tận tình của cô gái  Trần Thị Phương Thúy.

Qua tấm gương của cô, trong mỗi người lại càng thấm thía hơn lời dạy của Bác “Yêu ai yêu bằng cả tấm lòng”. Cô tâm sự: “Sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, tôi được hưởng những thành quả mà Bác và các vị anh hùng dân tộc đã đổi bằng xương, bằng máu. Trong tôi luôn dấy lên một niềm tự hào dân tộc, nguyện học tập và làm theo Bác. Bác dạy nhiều lắm, từ việc bình thường như ăn cơm, học hành cho đến việc làm cách mạng, đâu đâu cũng thể hiện tình yêu thương, quan tâm chia sẻ của Bác với những người xung quanh. Học tập theo gương Bác, bản thân tôi đã tự nhắc nhở phải luôn cố gắng, sống tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội”.

“Từ các câu chuyện kể về Bác, tôi thấy tình yêu thương trong Bác thật bao la, rộng lớn. Những phẩm chất ấy, tôi học suốt đời cũng không hết. Tôi nghĩ rằng hay biết “cho” đi và cần biết chia sẻ nhiều hơn nữa, thương yêu bệnh nhân như người thân trong gia đình, những người tâm thần, không biết cả bản thân mình. Nhiều người trong số họ bị bỏ rơi, đến lúc chết đi, họ cũng không được ai nhớ đến. Đến với bệnh nhân, tôi cảm nhận được giá trị cuộc sống, của một người được sống bình thường. Tôi muốn chăm sóc và nuôi dưỡng những bệnh nhân tâm thần đơn giản vì tôi muốn tất cả những người thân đang ở xung quanh tôi được sống vui, hạnh phúc và được góp một phần nhỏ chăm sóc cho họ ở điểm cuối cuộc đời”.

Khiêm tốn nhận mình kiến thức còn hạn chế, cô gái trẻ Trần Thị Phương Thúy đã quyết định tham gia học khóa Xét nghiệm, siêu âm để hỗ trợ thêm cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh nhân tại đơn vị.  Xin chúc  cho những mơ ước bình dị và cao quý của cô gái Trần Thị Phương Thúy sẽ sớm trở thành hiện thực. Mong rằng tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ và phong cách của Bác mãi soi sáng đường cho cô gái Trần Thị Phương Thúy cũng thư thế hệ trẻ Việt Nam, là nguồn động viên, cổ vũ cho họ tiếp tục phấn đấu, tận tụy với công việc, xây dựng Việt Nam ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong đợi.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất