Dư luận từng không ít lần lên tiếng về một bộ phận học sinh ngại, chán, thậm chí thờ ơ với môn học Lịch sử. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do hình thức, phương pháp giảng dạy của nhiều thầy cô giáo ở trường phổ thông còn khô cứng, áp đặt, bắt buộc học sinh ghi nhớ sự kiện lịch sử một cách máy móc.
Trước tình hình đó, việc đổi mới cách thức truyền đạt, giáo dục cũng như đa dạng hóa hình thức học tập môn Lịch sử được coi là một trong những biện pháp quan trọng để học sinh ngày càng yêu thích, hứng thú với môn học quan trọng này.
Một trong những sáng tạo mới về phương pháp học tập môn Lịch sử được học sinh đón nhận, đó là sản phẩm fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” của một nhóm giáo viên Trường THCS Trương Hán Siêu, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Nội dung fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” được chắt lọc từ nguồn tư liệu trong sách giáo khoa và các nguồn trên mạng, nhưng được các thầy cô kiểm duyệt chặt chẽ, bảo đảm thông tin chính xác. Qua 2 năm hoạt động, fanpage này đã cập nhật hơn 600 bức ảnh và các kiến thức lịch sử có liên quan tới các bức ảnh đó; 49 video phim tài liệu lịch sử; 24 video phim hoạt hình lịch sử; đố vui lịch sử; thơ lịch sử gồm cả sưu tầm lẫn tự sáng tác và 35 audio. Cùng với phát huy fanpage này, Trường THCS Trương Hán Siêu thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương và đất nước; đồng thời kết hợp sử dụng fanpage trong các giờ dạy Lịch sử và sinh hoạt ngoại khóa để lôi cuốn học sinh tham gia.
Ngoài sản phẩm fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ”, một hình thức giáo dục lịch sử mới được học sinh quan tâm chú ý là chương trình “Học Lịch sử thật tuyệt” phát trên Kênh truyền hình giáo dục VTV7 (Đài Truyền hình Việt Nam) từ đầu năm 2016. Chương trình đã chọn âm nhạc để “kể lại”, truyền tải những câu chuyện lịch sử vốn nhiều số liệu và sự kiện không dễ nhớ đối với học sinh từ lớp 4 đến lớp 9. Chương trình đã sử dụng các loại nhạc Rap, Hip hop, Beatbox rất hợp “gu” với tuổi “teen” để sáng tác các bài hát về lịch sử, qua đó giúp các em có thể vừa nghe những bản nhạc sôi động, vừa hứng thú với những sự kiện liên quan đến những mốc son lịch sử của dân tộc và những anh hùng, danh nhân đất Việt qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước như: Hùng Vương, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Lý Bí, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung...
Sản phẩm fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” và chương trình “Học Lịch sử thật tuyệt” tuy khác nhau về hình thức chuyển tải kiến thức lịch sử, nhưng đều hướng tới mục đích là làm cho môn học Lịch sử trở nên gần gũi, thân thiện, đáng yêu hơn với học sinh, qua đó giúp các em càng thêm say sưa, hứng thú với môn học. Hơn thế, các hình thức giáo dục này phù hợp với lứa tuổi, nhận thức, tâm lý học sinh mà vẫn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bồi đắp tình yêu lịch sử truyền thống và niềm tự hào dân tộc cho các em.
“Học lịch sử không khó đâu”. Câu hát ấy luôn được lặp đi lặp lại sau mỗi bài hát của chương trình “Học lịch sử thật tuyệt”, cũng hàm ý gửi tới các bạn học sinh rằng, học lịch sử cũng dễ dàng, hứng thú như học một bài hát có tiết tấu sôi nổi, giai điệu tươi vui.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, bất cứ hình thức giáo dục nào mới ra đời cũng có sức hút ban đầu của nó, nhưng không phải là nhất thành bất biến. Do đó, muốn môn học Lịch sử thật sự có sức cuốn hút bền bỉ, lâu dài đối với học sinh, đòi hỏi các thầy cô giáo, các nhà giáo dục cũng như các trường phổ thông phải không ngừng nghiên cứu, đổi mới hình thức, phương pháp dạy học; đồng thời tiếp tục tìm tòi, sáng tạo ra những cách thức chuyển tải giáo dục lịch sử mới, hay, hiệu quả hơn, làm sao để học sinh coi mỗi giờ học và cả môn học Lịch sử như một nhu cầu thiết thân để góp phần tự làm giàu tâm hồn, kiến thức của mình./.
Thiện Văn (Báo QĐND)