Thứ Ba, 1/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 3/8/2011 16:20'(GMT+7)

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đổi mới toàn diện chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học

Ngày 3/8, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2010 – 2011 và triển khai nhiệm vụ năm học 2011 – 2012. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị xác định phương hướng chung năm học 2011 – 2012 là “đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện các mặt công tác, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học”. Học viện đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng tất cả các hệ đào tạo, thực hiện tốt hơn quyền chủ động của các Học viện trực thuộc trong phân cấp quản lý đào tạo. Nâng cao chất lượng hoạt động khoa học, đóng góp những sản phẩm khoa học có giá trị phục vụ tốt nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo, góp phần giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước. Học viện đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, triển khai rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực công tác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiệu quả hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ... Học viện đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và công tác nghiên cứu Lịch sử Đảng trên cơ sở tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam...

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tô Huy Rứa đã nhiệt liệt biểu dương những thành tích to lớn mà Học viện và hệ thống các trường chính trị cả nước đã đạt được trong năm học 2010 – 2011.

Đề cập về nhiệm vụ năm học mới, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh: Để xây dựng Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, hoàn thành trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Học viện cần nhận thức đúng và rõ vai trò, vị thế của Học viện; nhận thức sâu sắc hơn và quán triệt trong toàn bộ hoạt động của Học viện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Học viện cần rà soát lại toàn diện các hoạt động để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn chức năng cực kỳ quan trọng “là trung tâm quốc gia đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trung, cao cấp, cán bộ khoa học, lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu về khoa học chính trị”; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính, doanh nghiệp, cán bộ khoa học hành chính và nghiên cứu khoa học lĩnh vực hành chính. 

Đồng chí Tô Huy Rứa nêu rõ: Học viện là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao nhất, quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị cũng như hệ thống các cơ quan sự nghiệp, doanh nghiệp lớn của đất nước. Do vậy, việc hoàn thành trách nhiệm của Học viện có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Học viện cần tập trung nghiên cứu, đổi mới toàn diện chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; xác định đối tượng, xây dựng nội dung chương trình phù hợp và đáp ứng với yêu cầu mới, xác định những vấn đề cần nghiên cứu phục vụ cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của thực tiễn.

Đồng chí Tô Huy Rứa chỉ rõ, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa sống còn, khẳng định vị thế, sự hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Học viện chính là đào tạo, bồi dưỡng theo các chức danh cán bộ trong hệ thống chính trị. Học viện cần nhanh chóng xây dựng các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho từng loại cán bộ theo yêu cầu, trình độ, tính chất công việc; đồng thời phải sớm hình thành những chương trình đào tạo tiền bổ nhiệm, hậu bổ nhiệm, đào tạo lại, nâng cao cho từng chức danh cán bộ trong tổ chức bộ máy của Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. Học viện cần phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, các ban, ngành Trung ương, các địa phương xây dựng các chế độ, chính sách, từng bước đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng vào nề nếp.

Việc xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần quán triệt sâu sắc quan điểm đổi mới và hiện đại, phải trang bị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt một cách có hệ thống những tri thức lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực chủ yếu, những vấn đề lớn của thời đại và thế giới đương đại, chủ động rèn luyện tư duy chiến lược, khoa học và phương pháp lãnh đạo, quản lý, tu dưỡng tính đảng, lý tưởng cách mạng và đạo đức, lối sống của cán bộ, học viên. Trong công tác giảng dạy, Học viện cần chú trọng kết hợp giữa nâng cao trình độ kiến thức với rèn luyện năng lực tư duy khoa học, thực hành các kỹ năng xử lý tình huống trong hoạt động thực tiễn.

Đề cập đến công tác nghiên cứu khoa học của Học viện, đồng chí Tô Huy Rứa đề nghị, phải tập trung làm sáng tỏ những vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra, coi trọng tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, kịp thời cung cấp những luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời phục vụ cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trọng tâm của công tác nghiên cứu ở Học viện cần tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm làm sáng tỏ bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, của di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; tiếp tục những tìm tòi sáng tạo về mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; những vấn đề về phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, thực hiện công bằng xã hội; những vấn đề đang đặt ra đối với quốc tế và khu vực,v.v..

Học viện cần đặc biệt quan tâm việc xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có trình độ cao về chuyên môn, khoa học lý luận chính trị - hành chính, có vốn sống thực tế, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực sáng tạo, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của các chuyên gia, các nhà giáo, các nhà khoa học đầu đàn có kinh nghiệm và có uy tín; khuyến khích các tài năng trẻ, tạo môi trường, cơ hội và động lực cho họ phát triển. Học viện cần có chủ trương, kế hoạch và các giải pháp cụ thể nhằm khai thác sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cao cấp trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà khoa học đầu đàn, có uy tín của các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu khoa học trong cả nước làm giảng viên thỉnh giảng, góp phần nâng cao hiệu quả của các chương trình đào tạo.

Hội nghị làm việc đến ngày 5/8/2011./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất