Thứ Năm, 28/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 18/9/2014 17:46'(GMT+7)

Tình cảm của Bác Hồ với Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 tại Đền Hùng, ngày 19/9/1954. Ảnh tư liệu.

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 tại Đền Hùng, ngày 19/9/1954. Ảnh tư liệu.

Phú Thọ là tỉnh có lịch sử xây dựng và phát triển từ lâu đời, theo suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; là đất của các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh và nền văn hóa dân gian đặc sắc. Đồng thời, Phú Thọ có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ nối liền vùng Tây Bắc của Tổ quốc với thủ đô Hà Nội và các vùng châu thổ sông Hồng, có các đường giao thông thủy, bộ thuận tiện. Tỉnh Phú Thọ vinh dự được đón Bác dừng chân trên đường ra chiến dịch và cũng rất tự hào được đón Người sau chiến thắng Điện Biên Phủ trở về. Sinh thời, với cương vị là Chủ tịch nước, dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ sự quan tâm đặc biệt. Người đã đi thăm, làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường, hợp tác xã, đơn vị vũ trang…và viết nhiều bài báo, gửi thư khen, biểu dương thành tích trong các phong trào thi đua cách mạng của địa phương. 

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới thành lập đã phải đương đầu với nhiều khó khăn thử thách. Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Vì có cơ sở Đảng tin cậy, phong trào cách mạng của quần chúng vững vàng, vị trí gần thủ đô, Phú Thọ được Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ đến tản cư và đi liền cùng đó là nhiều kho tàng, trường học cùng hàng vạn đồng bào các tỉnh bạn bị địch tạm chiến cũng tụ về. 

Một vinh dự lớn của Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ là được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc trên đường Người từ Hà Nội lên Việt Bắc cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Ngày 4/3/1947, trên đường di chuyển lên căn cứ Việt Bắc theo hướng Hà Đông- Sơn Tây- Phú Thọ- Tuyên Quang- Thái Nguyên- Bắc Cạn, Người đã đến và ở Phú Thọ gần một tháng với ba lần thay đổi địa điểm để đảm bảo bí mật tại các xã: Cổ Tiết (huyện Tam Nông), Chu Hóa (huyện Lâm Thao) và Yên Kiện (huyện Đoan Hùng). Khi lưu lại đây, Người đã dành thời gian đọc lịch sử Việt Nam (cuốn Việt Nam sử lược), nghiên cứu cách đánh giặc của các vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng  Đạo, Lê Lợi,… Khi ấy, Người thường xuyên nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo của Đảng cần nghiên cứu kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của các thế hệ cha anh đi trước để vận dụng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hiện tại. Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sửa chữa, hoàn thiện nhiều văn bản được chuẩn bị trên đường di chuyển và soạn thêm nhiều văn kiện như: Thư gửi “Đồng bào toàn quốc”, “Đồng bào hậu phương”, “Quốc hội và nhân dân Pháp”; ký Sắc lệnh số 28/SL, số 29/SL, 30/SL,…; “Mười vấn đề cần thiết trong kháng chiến”; “Đời sống mới”;… Từ cuối tháng 3/1947 trở đi, chiến sự ngày càng lan rộng, thực dân Pháp gấp rút chuẩn bị mở đợt tấn công quy mô lớn hòng chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Trước tình hình đó, tối ngày 1/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan Trung ương Đảng lên đường đi Tuyên Quang, chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Chỉ hơn một tháng sau khi Bác chuyển lên Việt Bắc, chiến sự đã lan đến tỉnh Phú Thọ. 

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác còn về Phú Thọ một số lần nữa để thăm các đơn vị đóng quân trên điạ bàn. Tháng 3/1951, Đại đoàn 312 mở hội nghị ở xóm Cúng, xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa quán triệt nhiệm vụ trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Một vinh dự lớn đến với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm đơn vị. Nói chuyện thân mật với các cán bộ Đại đoàn, Người căn dặn: “Muốn đánh thắng, trước hết phải đoàn kết chặt chẽ và có quyết tâm cao”(1). Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại qua đất Phú Thọ, thăm Đền Hùng. Khoảng 10 giờ ngày 19/9/1954, Bác đã gặp và nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại Đoàn quân tiên phong tại Đền Giếng. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong khi vào thành phố phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, tránh sa ngã, cám dỗ trước những “viên đạn bọc đường”. Người nhấn mạnh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (2). Đây là lời dặn dò tâm huyết của Bác, không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô, mà còn xác định ý thức, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 

Hòa bình lập lại, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ phát triển Khu Công nghiệp Việt Trì và nối liền hệ thống giao thông đường bộ quốc gia ở khu vực phía Bắc, Chính phủ cho xây dựng lại cầu Việt Trì tại địa điểm cây cầu cũ đã bị bom đánh sập ngày 9/5/1942. Trên công trường khôi phục cầu Việt Trì, hàng trăm công nhân, gồm bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc và chuyên gia Trung Quốc đã lao động ngày đêm quên mình, gấp rút thông cầu, sớm nối liền huyết mạch giao thông cho khu công nghiệp. 13 giờ ngày 12/2/1956 (tức ngày mùng Một Tết Bính Thân), Bác đã về thăm và chúc Tết toàn thể cán bộ, công nhân Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc (3). Sau khi đi thăm chỗ ăn, nghỉ của chuyên gia, công nhân, Người ra thăm công trường đang chuẩn bị gấp rút nối các nhịp cầu hai bờ sông Lô. Người căn dặn anh chị em công nhân ra sức thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch; thi đua làm mau, làm tốt, làm rẻ; kết hợp chống tham ô, lãng phí… Chỉ hơn một tháng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, ngày 23/3/1956, cầu Việt Trì đã được xây dựng xong, thông suốt giao thông đường sắt và đường bộ, nối liền các tỉnh phía Bắc với các tỉnh đồng bằng và Thủ đô Hà Nội, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh lên một bước mới. 

Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đang ra sức thực hiện kế hoạch 3 năm (1958- 1960) “cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội” thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ sự quan tâm đặc biệt. Ngày 20/7/1958, Người về thăm tỉnh Phú Thọ. Người dự “Hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ” và nói chuyện với hơn 2000 cán bộ từ tỉnh đến xã. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng huy hiệu của Người cho đại biểu xã Vân Phú (huyện Hạc Trì), là xã làm được nhiều phân bón nhất tỉnh Phú Thọ và trao cho Ủy ban Hành chính tỉnh thêm 10 huy hiệu để làm giải thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích khá nhất trong vụ mùa này. Đồng thời, Bác nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh: “Kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm, ra sức thi đua sản xuất, đảm bảo vụ mùa thắng lợi. Muốn được như thế phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn bộ cán bộ và toàn thể nhân dân, phải đánh tan tư tưởng tiêu cực, bi quan, ngại khó, cán bộ từ tỉnh đến xã phải đi sát với quần chúng, phải nắm lấy một số nơi, tham gia lao động với quần chúng, học tập kinh nghiệm và sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng một cách thiết thực và toàn diện; các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng nhân dân định kế hoạch cụ thể”(4). Tình cảm Bác dành cho đồng chí, đồng bào trong tỉnh là nguồn động viên mạnh mẽ để Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. 

Thực hiện quyết định của Trung ương về việc xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì, ngày 28/11/1958, công trình được khởi công. Đến năm 1959, tổng số cán bộ công nhân thuộc khu công nghiệp quản lý lên tới trên 4000 người. Trong khi toàn thể cán bộ, công nhân viên công trường xây dựng Khu công nghiệp đang sôi nổi, khẩn trương thi công với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “vì sự nghiệp công nghiệp hóa nước nhà, thi đua cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, tiết kiệm vật tư”, một vinh dự lớn đã đến, ngày 13/4/1959, Bác Hồ về thăm công trường. Không vào nơi đã được bố trí sẵn để đón tiếp Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thẳng vào thăm khu vực nhà ăn của Công ty Kiến trúc. Người ân cần hỏi thăm điều kiện làm việc, ăn ở của công nhân và khen ngợi tinh thần lao động hăng say, nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân Khu công nghiệp. Người nói: “Đây là khu công nghiệp đầu tiên của nước ta. Xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước. Nay ta xây dựng Đất Tổ thành một khu công nghiệp to lớn, cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của cả nước…Bác mong các cô, các chú cùng thi đua xây dựng sao cho các nhà máy được ra đời để hoạt động càng sớm càng tốt, để ta có thể được những sản phẩm tự lực cánh sinh mà xưa nay vẫn phải mua của nước ngoài” (5)… Đáp lại lời căn dặn và sự mong mỏi của Bác, sau hơn 3 năm khẩn trương xây dựng, ngày 18/3/1962, Khu công nghiệp Việt Trì được khánh thành đưa Việt Trì trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Vĩnh Phú và Phú Thọ sau này. 

năm đầu nhân dân miền Bắc phấn khởi bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Hợp tác xã Đồng Tâm – xã Đồng Tâm (nay là thị trấn Đoan Hùng) là điểm sáng nông nghiệp của miền Bắc, đi đầu trong phong trào “phá xiềng 3 sào” và có thành tích bước đầu về tổ chức sản xuất, khai phá đồi trọc,… Ngày 20/3/1961, cán bộ và xã viên hợp tác xã Đồng Tâm đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Trong buổi nói chuyện với hơn 200 cán bộ, xã viên hợp tác xã, Bác đã khen ngợi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và bà con xã viên đã tích cực khai hoang, mở rộng diện tích và nỗ lực đẩy mạnh sản xuất. Người căn dặn: “Đồng Tâm là cùng một lòng, mọi người cùng một lòng là rất tốt. Muốn hợp tác xã vững mạnh cán bộ phải gương mẫu, liêm khiết, không được tham ô, không được làm việc xấu; tổ chức và quản lý cho tốt; phân phối sản phẩm cho công bằng. Còn bà con xã viên muốn hợp tác xã vững mạnh phải đoàn kết chặt chẽ, phải có tinh thần làm chủ và hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, không vì lợi ích riêng mà sao nhãng việc công” (6). Thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân Đồng Tâm đã khắc phục khó khăn, đầu tư cải tiến công cụ, khai phá đất hoang… Hợp tác xã Đồng Tâm trở thành lá cờ đầu về sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ, được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng Huân chương hạng Nhất, Nhì, 63 lá cờ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh. 

Với những thành tích đã đạt được trong thời kỳ thực hiện kế hoạch 3 năm “Cải tạo bước đầu phát triển kinh tế- xã hội (1958- 1960)” và năm đầu của kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Phú Thọ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua khá nhất, Chính phủ thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất về thành tích “Tỉnh dẫn đầu miền Bắc”. Do có nhiều thành tích trong sản xuất, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 18 và 19/8/1962, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Đây là lần thứ hai sau hòa bình lập lại, Bác lên thăm tỉnh Phú Thọ. Đúng 6 giờ sáng ngày 19/8/1962, hơn 3 vạn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc từ khắp nơi trong tỉnh đã có mặt tại sân vận động thị xã để đón chào Người trong niềm vui sướng và phấn khởi. Bác đã thay mặt Trung Ương Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân, anh hùng lao động và chiến sĩ thi đua trong toàn tỉnh. Người căn dặn: “Bác tin rằng Đảng bộ Phú Thọ sẽ cố gắng lãnh đạo nhân dân tỉnh ta tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ Đảng đã giao phó, trở nên tỉnh tiên tiến để góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm nền tảng vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà” (7).

Sau đó Người đi thăm hợp tác xã Nam Tiến (nay là thị trấn Lâm Thao- huyện Lâm Thao)- đơn vị điển hình tiên tiến về năng suất lúa cao sản của tỉnh. Người khen ngợi những thành tích đã đạt được của các xã viên, cán bộ và đảng viên đồng thời nhắc nhở: Cán bộ phải làm đầy tớ phục vụ nhân dân, không phải như thời Tây làm quan đâu; phải đoàn kết cùng nhân dân xây dựng hợp tác xã. Trên đường về, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tranh thủ vào thăm một số gia đình xã viên và hỏi thăm đời sống của bà con. Cuối năm 1962, hợp tác xã Nam Tiến trồng được một quả dừa 2 mầm, đã cử đồng chí Ngô Thiên Tuế - Chủ nhiệm hợp tác xã và chị Vũ Thị Thinh- Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Nam Tiến đem về Phủ Chủ tịch biếu Bác Hồ. Hiện nay, cây dừa 2 mầm vẫn vươn cao xanh tốt, sai quả trong vườn cây của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ngày 2/3/1966, với những thành tích đạt được trong sản xuất nông nghiệp, Bác đã viết thư khen gửi hợp tác xã Nam Tiến. 

Sau khi thăm cán bộ, xã viên hợp tác xã Nam Tiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao (nay là Công ty Suupe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao), là một trong những cơ sở công nghiệp đầu tiên của nền công nghiệp Việt Nam nói chung, của ngành hóa chất và phân bón Việt Nam nói riêng. Nhà máy đi vào sản xuất chưa đầy 2 tháng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nền nông nghiệp thâm canh của miền Bắc nói chung và nhất là tỉnh Phú Thọ. Khu tập thể công nhân là địa điểm đầu tiên Người đến thăm, sau đó, Người đến thăm khu chuyên gia Liên Xô. Cảm ơn Đảng cộng sản, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã giúp ta xây dựng nhà máy, Người nhấn mạnh: Mọi người phải học tập chuyên gia, chống lãng phí nguyên vật liệu, phải xây dựng khối đại đoàn kết giữa công nhân và nông dân. Người cũng căn dặn cán bộ, công nhân nhà máy phải có tinh thần làm chủ, tích cực sản xuất hoàn thành vượt mức kế hoạch; làm tốt công tác quản lý, tích cực học tập,… Trên đường về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vào thăm Đền Hùng và Lữ đoàn Pháo binh 374- một trong 4 Lữ đoàn được thành lập theo hướng chiến lược để bảo vệ Tây Bắc. 

Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua thực hiện “Tết trồng cây” năm 1960 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) đã phát động nhân dân toàn xã trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc, đưa nhiệm vụ trồng cây thành một chỉ tiêu phấn đấu hàng năm. Nhờ tinh thần ấy, xã Vinh Quang đã trở thành đơn vị trồng cây khá nhất, là điển hình để các địa phương học tập và vinh dự được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba,…Từ năm 1962 đến năm 1964, xã Vinh Quang luôn là đơn vị trồng cây điển hình của miền Bắc. Vì vậy, ngày 26/1/1964, đảng bộ và nhân dân xã Vinh Quang vinh dự được Bác Hồ về thăm. Điều làm cho tất cả mọi người bất ngờ là Người đã không vào nơi đón tiếp được chuẩn bị sẵn mà Người đi thăm những khu trồng cây, khu trang trại chăn nuôi, trường học và nhà dân. Tận mắt chứng kiến thành tích trồng cây của xã, Bác rất hài lòng và mong muốn Vinh Quang phát huy tốt hơn nữa việc trồng cây. Trong Báo Nhân dân số 3600 ra ngày 5/2/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài biểu dương xã Vinh Quang trồng và chăm sóc cây tốt, trong đó Người viết: “Có được kết quả đó là do chi bộ khéo lãnh đạo, do cán bộ, đảng viên và đoàn viên hăng hái xung phong. Vì vậy mà từ các cụ bô lão đến các em nhi đồng ai cũng phấn khởi, hăng hái trồng cây và chăm sóc cho cây tốt…. Nếu bà con xã Vinh Quang cố gắng tiến lên mà không tự mãn với kết quả hiện nay thì vài ba năm nữa, các đồi trọc sẽ biến thành vườn cây tươi tốt, thành kho vàng vô tận của hợp tác xã và xã viên”. Đây là lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Phú Thọ.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Phú Thọ vinh dự và tự hào được tham gia bảo quản thi hài Bác. Năm 1971, nhận thấy việc bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K84 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Tây) không đảm bảo được những yêu cầu về an toàn. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung Ương, một hang đá được xây dựng dành làm căn cứ dự phòng cho cơ quan chỉ huy của Bộ Quốc phòng trong những tình huống đặc biệt ở xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đã được chọn để xây dựng căn cứ mới để bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Căn cứ này được mang mật danh H21. Đúng 21 giờ ngày 11/7/1972, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được di chuyển từ K84 qua sông Đà đến căn cứ H21 vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 12/7/1972. Trung tuần tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 đánh phá Hà Nội và nhiều thành phố khác. Quân và dân ta đã làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” khiến cho “canh bạc” cuối cùng của đế quốc Mỹ bị vô hiệu hóa. Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1/1973 đã mở ra những điều kiện thuận lợi để có thể đưa thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại căn cứ K84 để tiếp tục được giữ gìn lâu dài. 21h ngày 8/2/1973, đoàn xe hộ tống thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn cứ H21 trở lại căn cứ K84 cho đến ngày 18/7/1975...

Trong bao năm qua, hình ảnh, lời căn dặn của của vị cha già dân tộc trong những lần về thăm đã ghi sâu trong tâm khảm của các thế hệ cán bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Những địa phương năm xưa Bác đến nay trở thành địa danh lịch sử, gắn với tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Người, trở thành niềm vinh dự và tự hào to lớn, làm điểm tựa để Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ vững bước phấn đấu đi lên theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Lịch sử truyền thống dựng nước và giữ nước của tổ tiên ta từ thuở Vua Hùng, nguồn gốc của sức mạnh dựng nước và giữ nước như lời Người căn dặn cách đây 60 năm (19/9/1954-19/9/2014) về lòng yêu nước và sự đoàn kết toàn dân một lòng, toàn dân một ý chí trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Nối tiếp tinh thần ấy của tổ tiên, sức mạnh của dân tộc được nhân lên trong thời đại Hồ Chí Minh đã góp phần đánh bại kẻ thù thực dân, đế quốc, giải phóng Miền Nam,thống nhất đất nước, và ngày càng được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trên đường đổi mới và hội nhập quốc tế.

Trên mỗi chặng đường cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ như được tiếp thêm sức mạnh từ tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng của Người trong công cuộc bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ những giải pháp chủ yếu nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phát động phong trào thi đua, khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thông tin, thể thao, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình... gắn với việc thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Đặc biệt, trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, tỉnh Phú Thọ đã thu được nhiều kết quả tích cực. 
Sau 3 năm thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã có những cách làm hay, sáng tạo, đưa việc học tập và làm theo lời Bác ngày càng đi vào chiều sâu; đưa việc khắc phục khuyết điểm của cán bộ, đảng viên sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 vào chương trình hành động cụ thể… Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đồng thời xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được các cấp tuyên dương, khen thưởng…tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, lao động sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ luôn hướng về Bác Hồ kính yêu, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đưa quê hương đất Tổ phát triển nhanh, bền vững, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm thỏa lòng mong ước của Người./.

 

Ths. Nguyễn Thị Bình

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

-------------

  1. Bác Hồ với Phú Thọ, Phú Thọ làm theo lời Bác, Nxb. CTQG, H, 2005, tr.33.
  2.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, t.9, tr.59.
  3.  Báo Nhân dân số 711, ngày 14-4-1956.
  4.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.502-503.
  5.  Tài liệu lưu trữ tại Văn phòng Tỉnh ủy Phú Thọ.
  6.   Bác Hồ với Phú Thọ, Phú Thọ làm theo lời Bác, Sđd, tr.51.
  7.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.448.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất