Thứ Sáu, 29/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 26/1/2016 8:42'(GMT+7)

Hội chữ Xuân Bính Thân 2016: Khẳng định nét văn hoá của Thủ đô

Phố ông đồ tại Hồ Văn- Văn Miếu- Quốc Tử Giám. (Ảnh M. Hà)

Phố ông đồ tại Hồ Văn- Văn Miếu- Quốc Tử Giám. (Ảnh M. Hà)

Chiều ngày 25/1 tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã tổ chức cuộc họp báo giới thiệu Hội chữ Xuân Bính Thân 2016 sẽ diễn ra từ ngày 02 - 15/02 ( tức ngày 24 tháng Chạp đến ngày 8 tháng Giêng năm Bính Thân) trong khuôn viên Hồ Văn (Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội).

Theo BTC họp báo cho biết: Để góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ thư pháp của công chúng đồng thời tăng tính chuyên nghiệp hơn trong công tác tổ chức, năm nay, các ông đồ tiếp tục phải trải qua quá trình khảo hạch nghiêm túc trước khi được cấp thẻ của BTC để tham gia Hội chữ. Với 44 thí sinh tham dự (37 người thi thư pháp chữ Hán Nôm và 7 người thi thư pháp chữ Quốc ngữ), thì chỉ có 12 người được lựa chọn viết thư pháp Hán Nôm và 3 người viết thư pháp Quốc ngữ sẽ cùng với những “ông đồ” của mùa cũ cùng tham dự Hội chữ Bính Thân.

Điểm mới của Triển lãm lần này đó là hoạt động tương tác, du khách có thể thực hành viết chữ thư pháp một cách dễ dàng theo các chữ đã BTC chuẩn bị sẵn. Rút kinh nghiệm sau lần đầu tiên tổ chức theo phương thức mới vào năm 2015, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám triển khai kế hoạch phối hợp với Ban Liên lạc các Câu lạc bộ thư pháp tại Hà Nội tổ chức Hội chữ xuân Bính Thân một cách khoa học và ngày càng hấp dẫn, thu hút sự tham gia của người dân đến với Hội chữ, góp phần định hình một sản phẩm V, tạo cho du khách đến Văn hoá của Hà Nội.

Đồng chí Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, trong số 15 ông đồ trải qua kỳ khảo hạch nói trên, cũng có những người ở diện đỗ “vớt”. Vì thế, những thí sinh đỗ chính thức được cấp “thẻ hành nghề” 3 năm, còn những thí sinh đỗ vớt chỉ được hoạt động trong năm 2016, năm sau sẽ phải sát hạch lại. Điều này nhằm góp phần phân loại, không để “vàng thau” lẫn lộn như trước, nhiều người cho chữ sai, chữ xấu vẫn chễm chệ ngồi phố ông đồ trong khi người đi xin chữ không phải ai cũng hiểu được chữ Hán Nôm, cũng như không “thẩm” hết được cái đẹp của thư pháp Việt.

Để tăng cường phục vụ du khách đến với Hội chữ xuân Bính Thân, hoạt động viết chữ sẽ diễn ra từ ngày 24 tháng Chạp đến hết ngày 08 tháng Giêng năm Bính Thân (02/02/2016 - 15/02/2016), hàng ngày từ 8h30 đến 20h00. Riêng đêm Giao thừa sẽ tổ chức viết đến 2h00 sáng ngày mùng 1 Tết; ngày mùng 1, mùng 2 tổ chức viết đến 22h00. Đối với Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thay vì chỉ mở cửa đến 17h00 như thường lệ, thời gian này cũng sẽ mở cửa từ 8h00 đến 20h00 hàng ngày để phục vụ nhân dân và du khách du xuân.

Bên cạnh những Đại lão Thư pháp gia như cụ: Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu… Hội chữ xuân Bính Thân có sự tham gia của các ông đồ trẻ thế hệ 8X, 9X tuy còn khiêm tốn so với thế hệ trước, nhưng đã có những nhân tố tiêu biểu, trong tương lai, có thể đóng góp tích cực cho một nền thư pháp Việt Nam; có bản sắc, hướng tới cộng đồng và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của Văn hóa dân tộc… Đây cũng là điều đáng mừng vì ngày càng có nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên theo học thư pháp với niềm đam mê thực thụ để góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống trong dòng chảy của cuộc sống đương đại.

Với nhiều nét đổi mới về phương thức tổ chức cũng như những nỗ lực nhằm mang tới một nét văn hoá độc đáo cho nhân dân Thủ đô trong dịp Tết đến Xuân về, Hội chữ xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hứa hẹn sẽ góp phần định hình một sản phẩm văn hoá của Hà Nội./.

Thanh Xuân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất