Thứ Sáu, 11/10/2024
Thế giới
Thứ Hai, 31/10/2011 15:50'(GMT+7)

Hôm nay, dân số thế giới đạt mốc 7 tỷ người

 

Chọn cách thay đổi

Ngày 12-10-1999, LHQ hân hoan chào đón thành viên thứ 6 tỷ là bé trai Adnan Mevic người Bosnia. Tổng Thư ký LHQ lúc bấy giờ, ông Kofi Annan đã ẵm Mevic trên tay, chụp hình lưu niệm cùng gia đình cậu bé tại Bệnh viện Sarajevo. 12 năm sau, gia đình Mevic đang đối mặt với đói nghèo ngay trên chính thủ đô Sarajevo.

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Time, Tổng Thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon cho rằng đứa bé được chọn là công dân thứ 7 tỷ sẽ sinh ra trong thế giới đầy bất trắc và mâu thuẫn. Ở nhiều nơi, người ta hưởng thụ những điều xa hoa, đắt tiền nhất nhưng song song đó là những người cùng khổ, trong đó có 1 tỷ người nhịn đói để qua ngày. Vì thế, ngày 31-10-2011 là thời điểm để tất cả thay đổi và hành động. Thay đổi theo hướng tốt hơn hay tồi tệ hơn, tùy thuộc mỗi người.

“Đây không phải câu chuyện về con số. Đây là câu chuyện về 7 tỷ người cần đủ lương thực, nguồn năng lượng, điều kiện giáo dục và cơ hội nghề nghiệp”, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh. Tuần này, ông Ban Ki-moon sẽ gửi thông điệp đến các lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 (Nhóm các quốc gia có nền kinh tế lớn) diễn ra ở Pháp vào ngày 3 và 4-11.

Nội dung thông điệp sẽ nhấn mạnh yêu cầu vai trò của lãnh đạo các quốc gia để tránh lặp lại “Mùa xuân Arập” ở các nước Arập hay “Chiếm lấy phố Wall” ở Mỹ. Theo ông Ban Ki-moon, biểu tình lan rộng là điều tất yếu nếu tình trạng kinh tế bấp bênh, thị trường không ổn định, bất công tràn lan dẫn đến khủng hoảng xã hội nghiêm trọng.

Không bi quan vào tương lai?

Con số 7 tỷ người được Cục Dân số thuộc LHQ chọn chỉ mang tính tượng trưng vì khó có thể xác định chính xác con số thực tế. Ngoài em bé được LHQ chọn là công dân thứ 7 tỷ thì mỗi quốc gia cũng sẽ chọn những em bé tượng trưng để đánh dấu sự kiện quan trọng này.

Tờ City Wire của Anh có bài Hành tinh 7 tỷ người: Góc nhìn của người lạc quan thuần lý nhắc lại quyển sách của tác giả, nhà báo người Anh Matt Ridley xuất bản năm 2010. Quyển sách có tựa The Rational Optimist: How Prosperity Evolves (Người lạc quan thuần lý: Sự thịnh vượng tiến hóa ra sao) giới thiệu yếu tố quan trọng nhất đưa tới sự tiến bộ của loài người. Theo Ridley, chúng ta tiến bộ là nhờ trao đổi, thương mại và nhờ những sáng tạo không ngừng. Ông cho rằng không nên quá bi quan về tương lai khi dân số ngày một đông. Điều quan trọng là phải nhận thức được việc đầu tư đúng cho công nghệ mang lại chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân ở từng quốc gia.

Cứ mỗi một giây trôi qua, thế giới chào đón thêm 2 trẻ chào đời. Nếu không có thay đổi trong chính sách của từng quốc gia hoặc những thay đổi tiêu cực thì khó có thể lạc quan khi dân số thế giới dự kiến đạt mốc 9 tỷ vào năm 2050 và 10 tỷ người vào năm 2100. Tốc độ tăng dân số của thế giới quá nhanh nếu nhìn lại con số 1 tỷ người năm 1805. 

*** Đất nước Philippines ngày 31-10 đã chào đón công dân biểu tượng thứ bảy tỉ của trái đất ở một bệnh viện nhà nước chật chội tại Manila.Cân nặng 2,5 kg, bé gái Danica May Camacho được hạ sinh ngay trước nửa đêm ngày 30-10 trong sự chú ý của giới truyền thông tại bệnh viện Jose Fabella Memorial.

“Bé con nhìn thật đáng yêu”, AFP dẫn lời bà mẹ Camille khi bà bế bé lên. “Tôi không thể tin cháu là người thứ 7 tỉ của trái đất”.

Danica là con gái thứ hai của Dalura và người yêu cô, Florante Camacho, người đứng im lặng trong góc phòng mặc bộ đồ bệnh viện màu trắng trong khi các phóng viên truyền hình và báo chí xúm quanh cô con gái của anh.

Những quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc tại Philippines cũng đã đến thăm bé Danica và tặng em một chiếc bánh kem nhỏ. Các nhà tài trợ khác tặng bé một suất học bổng và hỗ trợ tài chính để cha mẹ Danica có thể mở một cửa hàng tạp hóa.

Cũng có mặt tại buổi lễ giản dị là Lorrize Mae Guevarra, đã 12 tuổi, là đứa bé thứ sáu tỉ, ra đời năm 1999 và hiện đang học lớp sáu. Danica là một trong vài em bé sơ sinh trên thế giới được tuyên bố là công dân biểu tượng thứ bảy tỉ của hành tinh. Em ra đời chỉ hai phút trước nửa đêm.


10 quốc gia đông dân nhất thế giới:

1. Trung Quốc: 1,33 tỷ người.

2. Ấn Độ: 1,19 tỷ người.

3. Mỹ: 313 triệu người.

4. Indonesia: 246 triệu người.

5. Brazil: 203 triệu người.

6. Pakistan: 187 triệu người.

7. Bangladesh: 158 triệu người.

8. Nigeria: 155 triệu người.

9. Nga: 139 triệu người.

10. Nhật Bản: 126 triệu người.

(Theo SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất