Thứ Tư, 3/7/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 14/3/2010 15:50'(GMT+7)

Hứa hẹn Cánh diều vàng 2010

Lễ trao giải Cánh diều vàng 2008 (Ảnh minh hoạ)

Lễ trao giải Cánh diều vàng 2008 (Ảnh minh hoạ)

Thêm nhiều giải mới

Theo công bố của Ban tổ chức, năm nay có 5 phim tài liệu nhựa, 36 phim tài liệu video, 6 phim tài liệu khoa học nhựa, 12 phim truyền hình dài tập, 10 phim hoạt hình, 3 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình và 8 phim truyện nhựa dự tranh các hạng mục khác nhau của giải Cánh diều Vàng.

Năm nay, có 8 phim truyện nhựa tranh giải, nhiều hơn 2 phim so với Cánh diều vàng 2009 và cũng phong phú hơn về thể tài, cân bằng về phim nhà nước - tư nhân. Bên cạnh những bộ phim thị trường như Bẫy rồng, Công chúa teen và Ngũ hổ tướng, Những nụ hôn rực rỡ, 14 ngày phép, là những bộ phim được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như Chơi vơi, Đừng đốt, Được sống. Phần lớn phim đã quen thuộc với khán giả. Chỉ có Không cân sức của Hãng phim Giải phóng là phim mới, khởi chiếu ngày 5/3/2010.

Điểm mới của Cánh diều Vàng 2010 là nếu mọi năm chỉ trao giải Nam - Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho thể loại phim truyện nhựa thì năm nay sẽ trao cả cho thể loại phim truyện video và phim truyền hình dài tập. Đồng thời, sẽ có cả giải Diễn viên triển vọng cho thể loại phim truyện nhựa và thêm hạng mục phim hợp tác quốc tế.

Phong phú các hoạt động nhân Ngày điện ảnh Việt Nam

Hội Điện ảnh Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng và báo chí - truyền thông, tổ chức các hoạt động của Ngày điện ảnh Việt Nam năm nay với qui mô rộng khắp trong cả nước, kể cả ở một số vùng sâu, vùng xa.

Ngoài điểm nhấn là Lễ trao giải Cánh diều Vàng, đáng chú ý là Hội thảo Điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế diễn ra chiều 13/3. Hội thảo do Cục điện ảnh, Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức, đã thu hút sự tham gia của đông đảo các đạo diễn, các nhà biên kịch, các nhà quản lý.

Trong bài đề dẫn Hội thảo, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng: Để điện ảnh Việt Nam hội nhập tốt hơn, hiệu quả hơn các nhà hoạt động điện ảnh nước nhà cần khắc phục căn bệnh trầm kha là lười suy nghĩ, ít sáng tạo đổi mới, lối mòn, nhiều giáo huấn mà ít chú trọng tới khai thác nội tâm.

Đồng thời, các nhà làm phim nên dựa vào thế mạnh để bồi đắp thêm bản sắc dân tộc của điện ảnh nước nhà; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xã hội hoá điện ảnh với các tác phẩm thực sự hướng tới khán giả để có thể lấy điện ảnh nuôi điện ảnh, giảm dần sự trông chờ vào ngân sách nhà nước...

Đáng chú ý là những góp ý tại cuộc hội thảo của NSND - Đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ông nhấn mạnh, trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế như hiện nay, khâu tiếp thị, quảng bá cho bộ phim là hết sức cần thiết và phải có kinh phí dành riêng cho khâu quảng bá. Về mặt này, các hãng phim nhà nước cần học tập rất nhiều ở các hãng phim tư nhân. Các hãng phim Nhà nước cũng cần đề ra chỉ tiêu doanh thu, có chế độ thưởng cho phim có doanh thu cao, như thế mới khuyến khích việc thu hồi vốn và có lãi để đầu tư làm các phim khác.

Trước đó, một cuộc gặp gỡ, giao lưu đầy xúc động giữa các nữ nghệ sĩ điện ảnh với khán giả yêu phim của Việt Nam đã được Viện phim Việt Nam và Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 12/3.

Cuộc gặp có sự tham gia của nhiều gương mặt nữ nghệ sĩ điện ảnh được công chúng yêu mến như: NSND - Đạo diễn Bạch Diệp, NSND Trà Giang, NSND Lê Khanh, các nghệ sĩ ưu tú: Thanh Quý, Minh Châu, các diễn viên trẻ: Hải Yến, Ngô Thanh Vân. Cùng với các nữ nghệ sĩ còn có các đạo diễn nam đạt nhiều thành công như các NSND: Hải Ninh, Đặng Nhật Minh...

Tại cuộc gặp gỡ, công chúng đã được xem lại nhiều trích đoạn của các bộ phim nổi tiếng, tuy nhiên, những lời tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề của các nữ đạo diễn, diễn viên điện ảnh mới được khán giả đón đợi và hoan nghênh nhiều nhất. NSND Bạch Diệp- nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh nước nhà năm nay đã hơn 80 tuổi hóm hỉnh kể lại những kỷ niệm của bà khi đến với điện ảnh, những câu chuyện vui của các nữ đạo diễn. Với đạo diễn Bạch Diệp, gắn bó với điện ảnh từ nhỏ tới giờ, điều bà tâm đắc nhất với nghề là được đối thoại với cuộc đời.

NSND Trà Giang tâm sự về những vai diễn để đời của bà, những chuyến đi thực tế. Bà cho rằng tình yêu của khán giả dành cho mỗi người diễn viên là phần thưởng quí giá nhất, bởi thiếu điều này người diễn viên không được động viên, khích lệ để dành sự tâm huyết để tìm hiểu, khám phá những nhân vật mới…/.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất