Thứ Sáu, 29/11/2024
Hướng dẫn - chỉ đạo
Thứ Tư, 16/7/2008 21:59'(GMT+7)

Hướng dẫn nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư "tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về công tác văn học nghệ thuật trong tình hình mới"

Ngày 24/1/2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị "Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về công tác văn học - nghệ thuật trong tình hình mới.

Đây là một Chỉ thị rất quan trọng của Đảng về công tác văn học nghệ thuật nhằm đánh giá tình hình phát triển văn học nghệ thuật của nước ta sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đồng thời định hướng, chỉ đạo công tác văn học nghệ thuật đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương hướng dẫn việc nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị trên như sau:

I- Mục đích và yêu cầu về việc ra chỉ thị

1-Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (7/1998) đến nay đã thực hiện được hơn 4 năm và bước đầu thâm nhập vào cuộc sống. Trong sự phát triển chung, với không khí cởi mở và dân chủ, sự nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật nước ta đã có những chuyển biến tích cực, phát triển rộng rãi, đa dạng cả trong sáng tác, nghiên cứu và biểu diễn. Các Hội Văn học - Nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương với tính chất là "tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp" xác định rõ vai trò, vị trí trong công tác tư tưởng - văn hóa, từng bước được củng cố về tổ chức và hoạt động. Mỗi năm hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật mới xuất hiện; một số tác phẩm được giải thưởng quốc gia và quốc tế... Tuy nhiên, vẫn còn quá ít tác phẩm đạt đỉnh cao, có tầm khái quát như bạn đọc, người xem mong muốn.

2-Từ thực tế trên đây, đòi hỏi cần có một sự động viên, thúc đẩy của Đảng, các cơ quan nhà nước, sự nỗ lực của các Hội Văn học - Nghệ thuật chuyên ngành từ Trung ương đến tới địa phương và của văn nghệ sĩ để có được những sáng tác, các công trình nghiên cứu, lý luận có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật trong thời gian tới.

3- Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đề ra nhiều giải pháp lớn có ý nghĩa thực tiễn cho công tác văn học nghệ thuật. Kiểm điểm lại, nhiều giải pháp đến nay chưa được thể chế hóa thành những chính sách cụ thể. Như chủ trương cho văn nghệ sĩ được học tập, nghiên cứu nâng cao nhận thức chính trị, đưa văn nghệ sĩ đi thực tế, đầu tư hỗ trợ cho tác giả có uy tín, có vốn sống; đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ; sửa đổi chế độ nhuận bút, chính sách bảo hộ quyền tác giả; chế độ đãi ngộ với văn nghệ sĩ biểu diễn cho phù hợp với ngành nghề, thành lập quỹ văn hóa quốc gia, quỹ sáng tác cho các Hội, chính sách hợp tác quốc tế trong khối văn học nghệ thuật cho phù hợp với tình hình mới...

Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và xây dựng các chính sách của Đảng và Nhà nước ở các cấp, các ngành đối với công tác văn học nghệ thuật chưa thống nhất, toàn diện, không đồng đều, nẩy sinh nhiều mặt bất cập, cần phải được chấn chỉnh kịp thời, tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển.

3- Đời sống văn học nghệ thuật của nước ta cũng đang đứng trước những thách thức không thể xem thường. Các thế lực thù địch vẫn thường xuyên chống phá chúng ta trên mặt trận văn hóa, văn nghệ bằng nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Ngoài sách báo, văn hóa phẩm độc hại chúng còn sử dụng hệ thống thông tin trên mạng Internet để truyền bá văn nghệ phản động, tập hợp lực lượng, chống phá kích động xuyên tạc, lôi kéo văn nghệ sĩ. Trong xu thế hội nhập kinh tế, mở rộng giao lưu văn hóa, một mặt chúng ta có dịp giới thiệu những giá trị của nền văn học nghệ thuật nước ta ra nước ngoài, tiếp thu những tinh hoa của thế giới nhưng mặt khác những xu hướng văn nghệ không lành mạnh cũng tràn vào tác động xấu môi trường văn nghệ của nước ta.
Sự phân hóa giàu nghèo trong đời sống nhân dân ta cùng với những tệ nạn xã hội chưa được giải quyết triệt để đã có những tác động tâm lý không tốt đến mọi người trong đó có văn nghệ sĩ. Từ đó, nảy sinh tư tưởng hoài nghi, bế tắc, phai nhạt lý tưởng cách mạng. Điều này cũng đã thể hiện ít nhiều trong một số tác phẩm văn học nghệ thuật.

Văn học nghệ thuật phát triển trong cơ chế thị trường, từng bước được "xã hội hóa", bên cạnh mặt tích cực, cũng đang đương đầu với xu hướng "thương mại hóa" hạ thấp chất lượng nghệ thuật, lẫn lộn thật giả. Thị trường văn nghệ ở một số lĩnh vực như ca nhạc, sân khấu, xuất bản sách văn nghệ, băng đĩa đã bị tư nhân thao túng ở những mức độ khác nhau. Trong khi đó, công tác lý luận, phê bình văn nghệ chậm và yếu, chưa nhạy bén để định hướng cho công chúng, độc giả. Đời sống văn học nghệ thuật cũng chưa có được nhiều tác phẩm hay để đáp ứng với nhu cầu mới của bạn đọc, người xem. Đây thực sự là mối lo cho cả người làm công tác quản lý và người sáng tạo.
4- Tăng cường sự chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác văn học - nghệ thuật hiện nay là một yêu cầu cấp bách nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), trong đó việc củng cố kiện toán bộ máy tham mưu của Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước trên mặt trận văn nghệ, Đảng đoàn các Hội Văn học - Nghệ thuật cho phù hợp với tình hình mới, nhiệm vụ mới, phát huy hiệu lực lãnh đạo, tổ chức và kiểm tra, nâng cao tính Đảng trong công tác văn nghệ là những vấn đề đặt ra bức xúc.

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác văn nghệ lần này được xuất phát từ thực tiễn khách quan của xã hội và của chính đời sống văn học nghệ thuật, xác định những định hướng cho công tác văn nghệ trong thời gian tới, một bước chuẩn bị cho việc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về công tác văn hóa, văn nghệ do Trung ương chỉ đạo vào năm tới.
5- Việc tổ chức, nghiên cứu, quán triệt chỉ thị của Ban Bí thư về công tác văn học nghệ thuật trong tình hình mới cần tập trung vào các vấn đề sau đây:

a- Làm cho các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhất trí cao với những đánh giá về tình hình văn học nghệ thuật, những chủ trương, giải pháp cần tập trung thực hiện đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ trong tình hình mới, nhiệm vụ mới.

b- Các ban, ngành chức năng của Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các Hội Văn học - Nghệ thuật trong cả nước cần tổ chức học tập, nghiên cứu kỹ Chỉ thị làm chuyển biến nhận thức; căn cứ vào từng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được xác định có chương trình công tác, trong thời gian sớm nhất tổ chức và thực hiện.

c- Phát huy những ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm trong công tác văn nghệ thông qua việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác văn học nghệ thuật trong tình hình mới; các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, Đảng đoàn và lãnh đạo các Hội Văn học - Nghệ thuật trong cả nước cần chủ động, sáng tạo, phối kết hợp chặt chẽ để thể chế hóa và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác văn học nghệ thuật; tăng cường công tác quản lý và tổ chức thực hiện.

II- Kế hoạch tổ chức thực hiện:

1- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt chỉ thị của Ban Bí thư về công tác văn học nghệ thuật.

a-Ở Trung ương: Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương sẽ tổ chức quán triệt chỉ thị về công tác văn học nghệ thuật trong tình hình mới cho ban, ngành Trung ương, địa phương tại Hội nghị triển khai công tác tư tưởng - văn hóa năm 2003, tại thành phố Hồ Chí Minh (2/2003); phối hợp với Đảng đoàn ủy ban toàn quốc Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Đảng đoàn các Hội Văn học - Nghệ thuật Trung ương tổ chức 2 lớp dành cho văn nghệ sĩ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong quý 2/2003.

b- Ở các tỉnh, thành phố: Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phối hợp với Đảng đoàn và lãnh đạo các Hội Văn học - Nghệ thuật tổ chức quán triệt, phổ biến chỉ thị của Ban Bí thư tới các ban, ngành có liên quan và văn nghệ sĩ.

2- Căn cứ vào các giải pháp và nhiệm vụ của Ban Bí thư giao cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ ngành chức năng, Đảng đoàn ủy ban toàn quốc Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và Đảng đoàn các Hội chuyên ngành Trung ương cần sớm có chương trình công tác triển khai việc tổ chức thực hiện chỉ thị, thông qua các đề án cụ thể.

3- Đề nghị từ nay đến 9/2003, các đơn vị đã được Ban Bí thư giao nhiệm vụ cần có các đề án về chính sách đối với công tác văn nghệ và văn nghệ sĩ phải hoàn tất trình Chính phủ và báo cáo Ban Bí thư để chuẩn bị cho việc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về công tác văn hóa - văn nghệ vào năm 2004.

4- Các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình cần tuyên truyền rộng rãi chỉ thị về công tác văn nghệ trong tình hình mới tới mọi tầng lớp nhân dân. Cần có nhiều bài phân tích làm rõ hơn những kết luận, phương hướng, giải pháp về công tác văn nghệ; nâng cao chất lượng các trang văn học nghệ thuật trên đài, báo./.

K/T Trưởng ban
Phó trưởng ban thường trực
Đã ký

Hồng Vinh

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất