Thứ Tư, 25/9/2024
Hướng dẫn - chỉ đạo
Thứ Năm, 17/7/2008 22:4'(GMT+7)

Hướng dẫn số 49- HD/BCSĐ- BKGTW thực hiện Nghị quyết 46-CT/TW của Bộ Chính trị “về công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới” , ban hành ngày 23/02/2005

Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cũng như các nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thiện và phát triển hệ thống y tế nước ta, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết của Bộ Chính trị là một văn kiện quan trọng của Đảng, định hướng cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong 10-15 năm tới, khi mà thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang được hình thành. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết phải được tiến hành trong nhiều năm liên tục theo một chương trình hành động thống nhất và đồng bộ phù hợp với từng cấp từng ngành, đoàn thể.

Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Y tế hướng dẫn một số yêu cầu và nội dung chính trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị như sau:

YÊU CẦU CHUNG

- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các nội dung chủ yếu đã được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm và hoạt động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

- Xây dựng các văn bản chỉ đạo cụ thể của từng cấp uỷ và chính quyền, từng ngành và từng địa phương, cơ sở.

- Định kỳ kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện để rút kinh nghiệm, phát hiện và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh.

I. TỔ CHỨC PHỔ BIẾN, QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT

- Các cấp uỷ đảng, ban cán sự đảng và đảng đoàn các bộ, ngành, đoàn thể tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị đến từng chi bộ, đảng viên và nhân dân, phù hợp với từng cấp và từng đối tượng.

- Ban Khoa giáo trung ương tổ chức phổ biến và quán triệt Nghị quyết tới lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể ở trung ương, các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố.

- Ban Cán sự đảng Bộ y tế tổ chức phổ biến và quán triệt Nghị quyết tới các đồng chí lãnh đạo ngành Y tế cấp tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ và y tế các bộ, ngành.

- Ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ chủ trì việc phổ biến và quán triệt Nghị quyết tới cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, thành phố và cán bộ lãnh đạo cấp huyện; chỉ đạo việc phổ biến và quán triệt Nghị quyết tới cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện; chỉ đạo các huyện uỷ, thị uỷ phổ biến quán triệt Nghị quyết ở cấp xã phường và trong nhân dân.

- Lãnh đạo Sở y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ y tế tổ chức phổ biến và quán triệt Nghị quyết cho tất cả cán bộ, đảng viên và nhân viên các cơ quan và tổ chức của mình.

- Các cấp uỷ đảng và chính quyền ở xã, phường, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cần tổ chức nghiên cứu những nội dung cơ bản của Nghị quyết, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm, coi việc lãnh đạo và tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của địa phương, ngành, đoàn thể để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, đồng thời để đoàn kết, tập hợp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

- Đối với các cơ sở y tế (kể cả y tế tư nhân) tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị theo một số chuyên đề cần thiết và phù hợp, có liên hệ tới tình hình của đơn vị. Tuỳ theo đặc điểm của từng địa phương, ngành và từng đối tượng, có thể tổ chức quán triệt sâu về một số chuyên đề như: đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển (quan điểm 2); vị trí và trách nhiệm của nghề y; của cán bộ , nhân viên y tế; việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn (quan điểm 5); về hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng, mạng lưới khám chữa bệnh ở các tuyến, về phát triển ngành y dược và trang thiết bị y tế, vấn đề từng bước đưa nền y học nước ta đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới; kinh tế trong y tế; phương hướng đổi mới chính sách tài chính y tế, việc công khai minh bạch thu, chi viện phí; vấn đề đổi mới toàn diện cơ chế quản lý, điều hành, tài chính, nhân lực tại các bệnh viện, nhà trường, viện nghiên cứu...

Thông qua việc học tập, quán triệt Nghị quyết, có thể đề xuất với các cấp, các ngành về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết

Đối với đông đảo nhân dân, cần thông qua các phượng tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền, vận động thích hợp để: (1) phổ biến một số chuyên đề liên quan đến nội dung cơ bản của Nghị quyết, đặc biệt là các quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; (2) trang bị kiến thức và kỹ năng để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng có thể chủ động phòng bệnh, xây dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, hạn chế những lối sống và thói quen có hại đối với sức khoẻ, tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng; (3) thực hiện xã hội hoá công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ ở cơ sở, như xây dựng làng văn hoá - sức khoẻ, phong trào vệ sinh, phòng bệnh, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường... việc chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo, vùng thuộc diện chính sách ưu tiên.

II. XÂY DỰNG CÁC VĂN BẢN ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

Đề nghị các cấp uỷ đảng, ban cán sự đảng và đảng đoàn các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo (nghị quyết, chương trình hành động...) để thực hiện Nghị quyết, phù hợp với ngành, đoàn thể.

Đề nghị các tỉnh, thành uỷ ban hành nghị quyết Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành chương trình hành động để lãnh đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn Đảng bộ và trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố. Nghị quyết và chương trình hành động của cấp tỉnh, thành phố phải bám sát tinh thần và nội dung nghị quyết của Bộ Chính trị, gắn với tình hình thực tế của địa phương và nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể (kèm theo các chỉ số đánh giá), thời gian hoàn thành, điều kiện bảo đảm và phân công cụ thể cho các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống y tê của tỉnh, thành phố đến 2010. Phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng; củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; quy hoạch và nâng cấp các bệnh viện đa khoa, bệnh viện điều dưỡng, khoa phục hồi chức năng, bệnh viện y học cổ truyền và các khoa đông y; khuyến khích và hướng dẫn nhân dân nuôi, trồng và sử dụng các cây, con làm thuốc; kết hợp quân - dân y; phát triển ngành dược, công nghiệp trang thiết bị y tế (nếu có), nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao trình độ y học; mở rộng hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.

2. Tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn đầu tư. Sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả các nguồn đầu tư của Nhà nước tích cực huy động các nguồn lực trong cộng đồng và xã hội cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ.

Phát triển nhanh bảo hiểm y tế trong các đối tượng; trợ giúp cho người nghèo, người sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tham gia các loại hình bảo hiểm y tế phù hợp. Thực hiện công khai minh bạch việc thu, chi viện phí cho người dân biết và dân kiểm ra.

3. Kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế của địa phương. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết chấn chỉnh và khắc phục những biểu hiện tiêu cực tại các cơ sở y tế. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y tế.

Thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên y tế khi được Nhà nước ban hành. Có chính sách thu hút, khuyến khích thầy thuốc công tác ở những nơi có nhiều khó khăn.

4. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền. Đưa các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sóc khoẻ nhân dân vào văn kiện của đại hội Đảng các cấp, các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

5. Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế. Kiện toàn hệ thống thanh tra y tế. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở y tế kể cả công lập và tư nhân. Đổi mới cả chế quản lý điều hành về tài chính, nhân lực tại các cơ sở y tế theo sự chỉ đạo chung. Thực hiện việc quản lý thuận lợi để phát triển các ca sở y tế ngoài công lập.

III. KIỂM TRA VÀ ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

Các cấp uỷ đảng có kế hoạch theo dõi, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, định kỳ hoặc đột xuất, báo cáo cấp uỷ cấp trên. Việc kiểm tra, đánh giá cần được đổi mới cả về nội dung, phương pháp, coi trọng việc phát hiện, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.

Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Y tế thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để định kỳ kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị tại các địa phương và cơ sở. Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tham mưu, giúp cấp uỷ triển khai các nội dung hướng dẫn; tổ chức theo dõi thường xuyên và lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện; xây dựng báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết trình tỉnh, thành uỷ báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời gửi Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Y tế để tổng hợp.

Trưởng ban Khoa giáo TW

Đã ký
Đỗ Nguyên Phương
 
TM.Ban cán sự Đảng bộ Y tế
Bí thư

Đã ký
Trần Thị Trung Chiến

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất