Thứ Tư, 25/9/2024
Hướng dẫn - chỉ đạo
Thứ Ba, 15/7/2008 21:59'(GMT+7)

Hướng dẫn số 2726-HD/TTVH của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về việc nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 27/1/2003 của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới”.

Ngày 27 tháng 1 năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới".

Đây là Chỉ thị rất quan trọng của Đảng về công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị nhằm đánh giá công tác này sau mười năm thực hiện chỉ thị số 08, ngày 31/03/1992 của Ban Bí thư (khóa VII) về "Tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản", đồng thời định hướng chỉ đạo và xác định những nhiệm vụ cơ bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương hướng dẫn việc nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị trên như sau:

I- Mục đích yêu cầu:

1- Làm cho các cấp ủy đảng, các cơ quan chủ quản xuất bản và các nhà xuất bản, các cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ biên tập, phát hành nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của sách lý luận, chính trị cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới.

2- Trên cơ sở nội dung chỉ thị, với tinh thần tự phê bình nghiêm túc, các cấp ủy đảng, các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản, các cơ quan phát hành sách đánh giá đúng thực trạng, thành tích và những khuyết điểm, yếu kém của công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị ở ngành, cơ quan và nhà xuất bản của mình; trên cơ sở đó, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong lãnh đạo, quản lý và thực hiện nhằm nâng cao chất lượng toàn diện công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị.

3- Các cấp ủy đảng, các ngành, các cơ quan hữu quan, các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản xây dựng được chương trình hành động, đề án hàng năm, từ nay đến 2005 và 2010 thực hiện chỉ thị này, tập trung vào các nội dung quan trọng đã được xác định trong chỉ thị.

II- Những nội dung cơ bản của chỉ thị cần nắm vững:

1- Xác định vị trí, vai trò và nội hàm của sách lý luận, chính trị trong sự nghiệp cách mạng của nước ta thời kỳ mới.

2- Đánh giá thành tựu, khuyết điểm và yếu kém, thuận lợi và khó khăn của công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị từ năm 1992 đến nay với một số nhận định chủ yếu như:

a- Về thành tựu: Có bước phát triển mới về chất lượng và số lượng, nội dung và hình thức, cơ cấu và thể loại. Phương thức xuất bản, phát hành bước đầu được cải tiến và thích ứng dần với cơ chế thị trường. Đội ngũ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành có nhiều cố gắng, trình độ chính trị và nghiệp vụ chuyên môn được nâng cao...

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước được tăng cường và đổi mới; định hướng kịp thời, cụ thể cho các cơ quan chủ quản và các nhà xuất bản.

b- Về khuyết điểm, yếu kém. Chất lượng sách nhìn chung chưa cao. Tính chiến đấu, tính khoa học, tính thực tiễn, tính hấp dẫn còn hạn chế. Số sách hay, có giá trị lớn về lý luận, chính trị còn ít. Một số ấn phẩm có sai sót về chính trị. Cơ cấu sách chưa hợp lý, hình thức, nội dung sách chưa phong phú. Sách đấu tranh chống tiêu cực, bác bỏ các quan điểm sai trái chưa sắc bén và kịp thời...

Công tác phát hành sách lý luận, chính trị còn nhiều khó khăn, lúng túng. Mạng lưới phát hành phát triển chậm, có nơi suy giảm. Giá sách còn cao..., sách cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc và người Việt Nam ở nước ngoài còn ít.

3- Xác định rõ 4 nhiệm vụ cơ bản, một số chỉ tiêu, những giải pháp, cơ chế chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới:

- Xây dựng nền xuất bản Việt Nam độc lập, tự chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sách lý luận, chính trị thực sự là một công cụ sắc bén trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên và nhân dân...

- Nâng cao chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hấp dẫn của sách lý luận, chính trị; phấn đấu bảo đảm sách lý luận, chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức nhà nước với giá bán hợp lý. Chú trọng mảng sách chính trị phổ thông viết sinh động, dễ hiểu, sách đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, chống âm mưu "diễn biến hoà bình"...

- Xây dựng và hoàn thiện qui hoạch tổ chức các nhà xuất bản sách lý luận, chính trị; có sự phân công phối hợp chặt chẽ giữa các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành. Đẩy mạnh qui hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị...

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Cải tiến các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý đưa hoạt động này đi vào nề nếp... Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống phát hành sách lý luận chính trị từ Trung ương đến cơ sở...

Trên cơ sở nắm vững các nội dung trên, cần tổ chức liên hệ nghiêm túc, sâu sắc với thực tế ở cơ quan, ngành, nhà xuất bản của mình để xây dựng chương trình hành động thiết thực thực hiện chỉ thị.

III- Kế hoạch tổ chức thực hiện

1- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư "về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới":

a- Ở Trung ương, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương tổ chức quán triệt chỉ thị cho các ban ngành có liên quan. Phối hợp với Ban Cán sự đảng Bộ Văn hoá - Thông tin và đảng đoàn, đảng ủy các cơ quan chủ quản của các nhà xuất bản có xuất bản sách lý luận, chính trị tổ chức các lớp học tập chỉ thị cho cán bộ chủ chốt ngành xuất bản và phát hành sách trong quý I năm 2003.

b- Các cấp ủy đảng, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy và các cơ quan làm công tác lý luận, chính trị (học viện, viện nghiên cứu, nhà trường, các cơ quan nghiên cứu lý luận, chính trị của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và các ngành...) có trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này; đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học về chính trị, lý luận để có nhiều công trình tốt, tăng cường công tác tuyên truyền, học tập, phổ biến sách lý luận, chính trị trong đời sống xã hội.

c- Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, các cơ quan chủ quản các nhà xuất bản có xuất bản sách lý luận, chính trị, các đơn vị phát hành sách tổ chức quán triệt, phổ biến chỉ thị này cho các cơ quan và cán bộ làm công tác xuất bản và phát hành sách.

2- Các cấp ủy đảng của các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản có xuất bản sách lý luận, chính trị và các đơn vị phát hành khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm và dài hạn (đến 2005 và 2010) thực hiện những nhiệm vụ mà Ban Bí thư đã đề ra trong chỉ thị.

3- ở các tỉnh, thành phố chưa có Nhà xuất bản, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy tham mưu các cấp ủy kế hoạch tuyên truyền, học tập, phát hành sách lý luận chính trị, xây dựng kế hoạch xuất bản sách học tập lý luận chính trị dưới hình thức xuất bản nhất thời.

4- Theo nội dung của chỉ thị, từ nay đến hết quý III năm 2003, Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch dài hạn về xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị, chương trình đầu tư của Nhà nước cho từng loại sách, từng đối tượng, từng vùng, kế hoạch hoàn thiện tổ chức các nhà xuất bản sách lý luận, chính trị, kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản sách lý luận, chính trị, nghiên cứu, đề xuất về cải tiến cơ chế, chính sách xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này đi vào nề nếp, từng bước đổi mới công nghệ xuất bản... Chú ý xây dựng mảng sách chính trị đối ngoại giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, bác bỏ các luận điệu sai trái bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

5- Các cơ quan thông tin đại chúng cần tuyên truyền rộng rãi về Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư và có kế hoạch thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách lý luận, chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến các địa phương./.

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất