Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 16/2010/TT-BTTT, ngày 19/7 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí in, xuất bản số phụ, xuất bản phụ trương, xuất bản đặc san.
Các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội có đủ điều kiện được đứng tên xin phép hoạt động báo chí. Giấy phép hoạt động báo chí in có hiệu lực trong thời hạn 10 năm kể từ ngày ký.
Sau 90 ngày kể từ ngày giấy phép hoạt động báo chí in có hiệu lực, nếu cơ quan báo chí không xuất bản ấn phẩm báo chí thì giấy phép không còn giá trị.
Với đặc san, số phụ, phụ trương, thời gian hiệu lực của giấy phép được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí quy định trong từng giấy phép. Đến kỳ hạn xuất bản ghi trên giấy phép mà tổ chức không xuất bản đặc san thì giấy phép không còn giá trị.
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo in cũng được quy định trong Thông tư. Trước hết, việc cấp phép phải phù hợp với quy hoạch báo chí in đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Về nhân sự, phải có người đủ các điều kiện để bổ nhiệm tổng biên tập, phó tổng biên tập cơ quan báo chí theo quy định; có đủ số lượng người làm biên tập viên, phóng viên tùy theo cơ cấu tổ chức và bộ máy của cơ quan báo chí do cơ quan chủ quản quy định...
Về cơ sở vật chất, tài chính, cần phải có trụ sở hoặc hợp đồng thuê trụ sở đảm bảo diện tích hoạt động của cơ quan báo chí; có đủ trang thiết bị bảo đảm hoạt động của cơ quan báo chí; chứng minh đủ nguồn tài chính đảm bảo cho việc xuất bản ấn phẩm báo chí.
Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về hồ sơ và thủ tục cấp phép hoạt động báo chí in hoặc thay đổi nội dung giấy phép cũng như việc xin cấp lại giấy phép hoạt động; hồ sơ và thủ tục cấp phép xuất bản số phụ, phụ trương, đặc san. Các mẫu tờ khai xin cấp phép đều được ban hành kèm theo Thông tư.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2010./.
(TTXVN)