Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 13/8/2010 15:58'(GMT+7)

Tôi trưởng thành từ một cán bộ làm công tác tuyên giáo

Tác giả

Tác giả

Ngày 10 tháng 4 năm 2004, tôi tròn 24 tuổi, đó cũng là ngày tôi tình nguyện nộp đơn xin được vào công tác tại ngành tuyên giáo. Thấm thoát thế mà đã 6 năm trôi qua, đôi lúc tôi chợt nghĩ không hiểu sao mình đại từ bỏ ước mơ muốn trở thành cô giáo để giờ đây là một cán bộ tuyên giáo? Có phải đây là duyên số chăng?". Để rồi giờ đây tôi thấy mình yêu cái nghề này và mong muốn sẽ được gắn bó với ngành tuyên giáo suốt cả cuộc đời. Bởi lẽ tôi đã trưởng thành lên từ một cán bộ làm công tác tuyên giáo! Đó là cả một quá trình tôi luyện, rèn rũa trong môi trường của ngành tuyên giáo, tôi đã "lớn lên" từ những thất bại và thành công.

Giờ đây, mỗi khi có dịp nhớ lại, tôi vẫn không sao quên được những cảm xúc khi tôi được nhận vào công tác tại Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Cao Bằng. Lần đầu tiên đi xa, trải qua không biết bao nhiêu núi đồi, lúc lên, lúc xuống, đường đi khúc khau, quanh co, chỉ một màu xanh bạt ngàn của núi rừng Đông Bắc cuối cùng thì tôi cũng đã đặt chân đến với Cao Bằng. Sáng ngày 10 tháng 4/2006, tôi đến Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Bằng, với nguyện vọng muốn được vào công tác ở đây. Có lẽ vì thấy tôi là con gái, dáng có vẻ yếu ớt, còi cọc nên lãnh đạo Ban có ý không muốn nhận tôi vào làm việc. Vì làm cán bộ tuyên giáo là phải có tố chất là phải nhanh nhẹn, hoạt bát, khoẻ mạnh vì còn phải đi công tác cơ sở nhiều, với lại nhu cầu tuyển dụng thông báo phải là nam, là người biết tiếng dân tộc, am hiểu phong tục tập quán, văn hoá của đồng bào dân tộc Cao Bằng. Tôi thì lại là nữ, lại từ miền xuôi lên, thế thì làm sao công tác tốt được. Hết giờ tôi chờ gặp bằng được lãnh đạo Ban, lúc bấy giờ tôi thuyết phục đồng chí trưởng ban bằng ý chí, nghị lực và cả tâm huyết của mình khi quyết tâm lên vùng cao này. Có lẽ thấy tôi có vẻ quyết tâm gắn bó với vùng cao này, lại thấy tôi đi mấy trăm cây số lên tận Cao Bằng, đồng chí lãnh đạo Ban đã cho tôi một cơ hội. Sáng hôm sau, tôi đến phỏng vấn tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Bằng, hội đồng phỏng vấn thấy tôi trả lời có vẻ nhanh nhẹn, lại có vẻ hiểu biết khá nhiều về lịch sử và con người Cao Bằng (vì tôi 1à sinh viên khoa lịch sử mà, hơn nữa trước khi lên Cao Bằng tôi đã tìm hiểu khá kỹ về mảnh đất vùng cao này), nên đã quyết định nhận tôi vào làm việc. Thế là tôi đã bắt đầu gắn bó với cái nghề tuyên giáo ở vùng cao này từ đó.

Thấm thoát mới đó mà đã 6 năm trôi qua, 6 năm công tác so với một đời người thì không dài nhưng với tôi đó là khoảng thời gian tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất, từ niềm vui, nỗi buồn, từ những thành công cho đến những thất bại, những vấp váp lớn, nhỏ trong công việc và cuộc sống đối với một cô gái ở miền xuôi lên miền núi lập nghiệp. Những ngày đầu mới nhận công tác, không ai nghĩ tôi lại có thể bám trụ được ở mảnh đất này và càng không thể công tác tốt trong ngành tuyên giáo. Đã có lần tôi thầm nghĩ có lẽ tôi đã sai lầm khi đã lựa chọn công tác trong ngành tuyên giáo chăng? bởi tính tôi vốn trầm từ nhỏ, rất nhút nhát và kém cỏi trong vấn đề đối nhân xử thế, có lẽ vậy mà tôi đã gặp không ít khó khăn trong công việc. Suy nghĩ đó, khiến tôi đã không ít lần có ý nghĩ muốn từ bỏ cái nghề này.

Trong hoàn cảnh đó, thì tôi được lãnh đạo tin tưởng, giao một nhiệm vụ hết sức quan trọng, mà không ai nghĩ (kể cả bản thân tôi) tôi lại có thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Vào những ngày tháng 3 năm 2006, tại một bản thuộc huyện xa nhất của tỉnh Cao Bằng đột nhiên xuất hiện hiện tượng người dân nghe lời kẻ xấu xúi giục lần lượt "bay về trời", một số thì bỏ làng, bản đi tha phương cầu thực trong Tây Nguyên, với mong muốn sẽ tìm được một mảnh đất tốt để làm ăn, sinh sống. Nhận được thông tin khẩn do Thường trực huyện uỷ huyện Bảo Lâm báo ra, lãnh đạo Ban triệu tập cuộc họp khẩn cấp, gấp rút lên đường, đề nghị một đồng chí chuyên viên cùng đi. Bấy giờ tôi là cộng tác viên nắm dư luận xã hội của tỉnh, nên tôi tình nguyện xin đi cùng để có dịp tiếp xúc với thực tế, hơn nữa là cán bộ trẻ, tôi muốn có cơ hội được thâm nhập vào thực tế để học hỏi kinh nghiệm công tác. Các đồng chí trong Ban cho rằng đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, sợ tôi còn trẻ, không có kinh nghiệm, đường rừng núi, xa xôi vất vả, tôi sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, ảnh hưởng đến công việc. Thấy tôi có vẻ quyết tâm, đồng chí Trưởng ban đã quyết định cử tôi đi cùng, nhưng không quên nhắc nhở: "Lần này là thực hiện nhiệm vụ hết sức đặc biệt, nếu không hoàn thành, đồng chí phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước tỉnh uỷ".

Đoàn đi hôm đó gồm có 5 người gồm cả đồng chí lái xe. Đúng 3 giờ chiều ngày 27/3/2006, chúng tôi lên đường vào huyện Bảo Lâm. Quãng đường có hơn 100 cây số mà phải đi mất 10 tiếng đồng hồ. Hôm đó, trời mưa rất to, có đoạn đường đang mở, xe không sao qua được, mắc kẹt giữa rừng, một đồng chí nhanh nhẹn nhất đoàn, đi bộ vào trong bản mượn cuốc, xẻng để cả đoàn san đường xe mới đi được. Trời vẫn tiếp tục mưa, những đợt mưa ngày càng lớn, tầm tã đổ nước xuống tối mịt mù cả bầu trời, đồng chí lái xe vốn cừ thế mà lần này cũng phải đầu hàng. Không thể đi được, phải dừng xe ở giữa cánh rừng, đợi bớt hạt lại tiếp tục đi, cứ thế cho đến tận 5 giờ sáng mới vào đến trung tâm của huyện. Lúc đó trời cũng vừa bớt hạt mưa, các đồng chí trong đoàn ai cũng mệt, nhưng tranh thủ lúc trời tạnh chúng tôi lại tiếp tục lên đường. vì để vào đến bản còn phải đi bộ mất gần ngày trời, do không có đường ô tô. Chúng tôi dừng lại ở một cái quán bên đường, ăn vội bát mì tôm rồi vội vả lên đường. 30 cây số đường rừng, không phải là đơn giản, nhất là với một cô gái quá mảnh mai như tôi, lại không quen đi đường rừng núi, không biết sẽ thế nào? Các đồng chí lãnh đạo bắt đầu lo lắng cho tôi. Nhưng điều kỳ diệu thay, trong số những đồng chí cùng đi hôm đó, tôi lại là người giỏi leo đèo nhất. Phải mất 5 tiếng đồng hồ đi bộ, với 10 chặng nghỉ giải lao chúng tôi mới vào tới bản.

Đó 1à một bản làng xa xôi nhất của huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, trông rất tiêu điều, xơ xác, cả bản khoảng hơn 10 mái nhà vách đất, thấp lè tè nằm cách xa nhau. Chúng tôi dựng đều ở chân quả đồi gần với bản để phân công nhiệm vụ. Vì trước khi đi, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ căn dặn: "Lần này các đồng chí vào đó là phải hoàn thành nhiệm vụ mà tỉnh uỷ giao mới được trở về?"; Dựng xong trại, chuẩn bị tư trang cho "chiến dịch vận động" lâu dài có thể xảy ra, đồng chí trưởng đoàn giao nhiệm vụ cho từng thành viên đến các hộ gia đình động viên, giúp đỡ họ. Ai không hoàn thành phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh uỷ. Lần công tác này quả là rất khó khăn, nhất là với tôi, một cán bộ nữ trẻ nhất trong đoàn, chưa có kinh nghiệm trong công tác, lại không biết tiếng dân tộc. Tôi nghĩ lần này mình chết chắc rồi.

Nhận nhiệm vụ xong, mỗi người đi một ngã, tôi còn trẻ chưa có kinh nghiệm nên được giao nhiệm vụ vận động, tuyên truyền chỉ có 3 hộ gia đình nằm riêng một quả đồi. Nhận nhiệm vụ xong rồi, nhưng tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Tâm trạng tôi lúc này chẳng khác gì cái ngày đầu tiên tôi đến Cao Bằng nhận công tác vậy. Nhưng nghĩ đến lời đồng chí Bí thư căn dặn trước khi lên đường và lời căn dặn của đồng chí trưởng Ban, tôi đã hạ quyết tâm dù khó khăn đến mấy cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì thế, tôi đã mạnh dạn đến từng hộ gia đình, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ. Từ đó mới lên kế hoạch tuyên truyền, vận động.

Tiếp xúc trực tiếp với họ, tôi mới thấy cuộc sống của người dân nơi khổ cực vô cùng, không có manh áo để mặc, không có gì để ăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào các loại rau rừng, mà rau rừng hái mãi cũng cạn. Cái đói, cái nghèo, cuộc sống cùng quẩn đang bùa vây lấy họ, bản thân họ không thể tự tìm ra được lối thoát. Trong bối cảnh cùng cực đó, một số kẻ xấu đã lợi dụng, lôi kéo họ vào con đường chết, chúng đã vẽ ra một cuộc sống tươi đẹp rằng "về trời" sẽ được ăn sướng, mặc đẹp, thoát khỏi cuộc sống khổ cực . Thế là họ tin theo. Biết được nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "bay về trời” của đồng bào, tôi đã bình tĩnh tìm cách khuyên nhủ dần dần. Khác với những chuyến công tác trước đó, lần này khi lên đường nhận nhiệm vụ, tôi nghĩ chuyến đi này có sẽ sẽ rất dài, cuộc sống sẽ rất khó khăn, vất vả không biết sẽ thế nào, nên tôi đã chuẩn bị rất nhiều quần áo, lương thực, tư trang mang theo. Được chứng kiến cuộc sống đói, rách của bà con dân bản bấy giờ, tôi nghĩ mình chỉ nên để lại 2 bộ quần áo lấy cái thay đổi, số còn lại tôi đem tặng những người dân trong bản mỗi người một bộ, còn số thức ăn mang dự trữ tôi đem phân phát cho từng gia đình những cái bánh mì, gói mì tôm và bột ngũ cốc. Người dân trong bản bắt đầu quý mến tôi. Lúc này, thấy mọi việc có vẻ thuận lợi, tôi mới bắt đầu giới thiệu rằng tôi là cán bộ của Đảng, vào bản để giúp đỡ bà con thoát đói, thoát nghèo.

Không biết trời xui, đất khiến thế nào mà hôm đó trước khi đi tôi đã bỏ vội một cuốn sách về kỹ thuật trồng ngô và một túi ngô giống mà tôi đã mua từ lâu, với ấp ủ sẽ đem mô hình trồng ngô ở quê tôi nên vùng cao, giúp bà con cải thiện cuộc sống. Tôi đem cuốn sách có hình cây ngô trổ bắp rất to, những hạt ngô mẩy tròn, nhìn rất hấp dẫn cho đồng bào xem và giải thích cho họ hiểu vì sao có bắp ngô to như thế này. Sau đó, trực tiếp hướng dẫn bà con trồng ngô. Đồng thời động viên bà con kiên trì chờ đợi ngày cây ngô ra hoa, trổ bắp. Chuyến công tác được 5 ngày thì hết lương thực, lúc này cả đoàn cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ, bởi từ hôm chúng tôi vào làm công tác dân vận đã không có trường hợp nào “bay về trời", đồng thời hiện tượng bỏ bản đi cũng không xảy ra nữa. Đồng chí trưởng đoàn quyết định sẽ trở vê thị xã. Riêng tôi, xin phép sếp cho tôi được ở lại, lúc đầu đồng chí lãnh đạo lo lắng cho tôi nhất quyết không đồng ý, nhưng sau khi nghe tôi trình bầy về kế hoạch sẽ giúp bà con thôn bản trồng ngô cứu đói, đồng chí đã đồng ý.

Nhưng trước khi về đồng chí vẫn không yên tâm vì tôi là thân gái, lại không phải người dân tộc e rằng sẽ gặp bất trắc, đồng chí biết trả lời thế nào với Tỉnh uỷ. Vì không yên tâm, nên đồng chí đã quyết định sẽ ở lại cùng thực hiện kế hoạch trồng ngô với tôi. Thế là tôi và đồng chí trưởng đoàn ở lại.

Sáng hôm sau, tôi cùng đồng chí trưởng đoàn đi khảo sát thực tế, thấy đất đai ở bản không phải là khô cằn không trồng được cây gì, mà là đất xốp, rất tốt cho việc trồng các loại cây hương thực ngắn ngày, nhất là cây ngô, có điều đồng bào nơi đây chưa biết cách làm ăn, lại không có cán bộ nào vào bản hướng dẫn, nên bỏ đất hoang chịu đói, chịu nghèo. Hôm đấy, chúng tôi cùng đồng bào trong bản cuốc đất trồng ngô, sẵn đất đang ẩm do trời vừa mưa xong, chỉ 3 hôm sau cây ngô đã nảy mầm và xoè lá rất nhanh. Đây là loại đất đồi rất tốt, không cần phải chăm sóc gì, cây ngô vẫn sinh trưởng tốt. Nhìn thấy cây ngô thay đổi từng ngày, đồng bào nơi đây đã bắt đầu tin tưởng vào tương lai sẽ có cuộc sống ấm no. Lúc này vì nhiệm vụ, chúng tôi không thể ở lại để chờ ngày cây ngô ra bắp, nẩy hạt. Tôi và đồng chí trưởng đoàn ra về với một tâm trạng phấn khởi, nhưng cũng không khỏi trăn trở "liệu bà con nơi đây có kiên nhẫn chờ đợi đến ngày cây ngô cho bắp? hay họ lại tiếp tục bị kẻ xấu xúi giục "bay về trời", bỏ bản ra đi tìm cuộc sống mới?" Băn khoăn, trăn trở 1à vậy, nhưng biết làm thế nào được? đành chờ vào vận may vậy. Thế là chúng tôi trở về thị xã, tiếp tục công việc.

Đến một ngày, nhân chuyến công tác vào huyện, đồng chí Bí thư tỉnh uỷ có ghé vào thăm dân bản, xem tình hình "Vàng Chứ" đã dứt điểm chưa? Khi trở về thị xã, đồng chí đã mang theo những bắp ngô do chính chúng tôi vào công tác đã trồng nói là quà bà con dân bản gửi biếu chúng tôi đấy. Cầm trên tay những bắp ngô tròn trịa mập ú, tôi vô cung xúc động, nghẹn ngào không sao diễn tả nổi. Tôi mừng đến phát khóc, không phải vì tôi đã thực hiện được ước mơ của mình, mà mừng vì từ nay bà con dân bản sẽ bắt đầu có một cuộc sống mới, có bắp ngô để ăn, như thế là tốt lắm rồi.

Sau lần đó, tôi không có dịp được trở lại thăm bà con dân bản nữa) nhưng qua một bài báo, tôi được biết, đồng bào đã biết trồng ngô, những bãi ngô mọc lên ngày càng nhiều, bà con không chỉ có ngô ăn mà còn dư thừa đem đến vùng khác trong huyện đổi lấy gạo, lấy muối, mắm, lấy dầu thắp sáng. . . 6 năm đã trôi qua, tuy khoảng thời gian đó không dài, nhưng giờ đây bản làng đó đã đổi thay rất nhiều, có những ngôi nhà gỗ mọc lên thay cho nhà tre, vách nứa lụp xụp, đồng bào có cơm ăn, áo mặc, trẻ em có trường học tại bản. Nghe vậy tôi cũng mừng.

Với tôi, chuyến công tác vào bản năm xưa không chỉ là kí niệm khó quên mà còn là một bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác tuyên truyền. Sau cần được tiếp xúc trực tiếp với đồng bào, những người hết sức mộc mạc và có tâm hồn lương thiện, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của họ đã giúp tôi nhận ra và buôn khắc ghi một điều rằng: người cán bộ tuyên giáo muốn thành công trong công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng giao không chỉ ở lời nói hay, cách tuyên truyền giỏi mà quan trọng hết thảy là ở những việc làm cụ thể, thiết thực và ý nghĩa. Cái gốc của công tác tuyên truyền là phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng của đối tượng mà chúng ta đang hướng tới. Chúng ta phải làm cho đồng bào tin theo Đảng bằng chính những hành động cụ thể, Muốn vậy, thì chúng ta phải hiểu họ, biết được họ đang cần gì, nghĩ gì, nguyên nhân nào khiến họ rơi vào hoàn cảnh đó? Chúng ta muốn hiểu được điều đó, không có biện pháp nào hiệu quả nhất bằng việc tiếp xúc với họ, gần gũi, giúp đỡ họ tìm ra con đường thoát đói, thoát nghèo bằng chính bàn tay lao động của họ. Tôi luôn ấp ủ một mong muốn là đem ước mơ của mình giúp đồng bào dân tộc thoát khỏi cảnh đói, nghèo và mong rằng sẽ có dịp được thăm lại bản làng năm xưa để được ngắm những đồi ngô xanh bát ngát mọc lên xung quanh bản làng.

Còn tôi, sau một thời gian công tác, được lãnh đạo tạo điều kiện cho tôi tiếp tục hoàn thiện chương trình cao học. Tốt nghiệp cao học tôi có nhiều cơ hội để trở về miền xuôi công tác, nhưng tôi đã chọn con đường tiếp tục trở lại công tác tại Ban Tuyên giáo của tỉnh Cao Bằng và có ý định sẽ gắn bó mãi với vùng cao này. Nhưng có lẽ đây chỉ là ý định mà tôi sẽ không thực hiện được. Tôi không biết mình còn có cơ hội được tiếp tục công tác trong ngành tuyên giáo ở vùng cao này bao lâu? Vì chồng tôi hiện đang công tác ở một trường quân sự ở Hà Nội, quê anh cũng ở Thanh Hoá. Là con gái đã có gia đình, tôi không thể chỉ biết theo đuổi và chăm lo cho sự nghiệp của riêng mình. Giờ đây tôi chỉ có một ước mơ duy nhất đó là được tiếp tục công tác trong ngành tuyên giáo, tiếp tục được cống hiến, học tập nhiều hơn nữa. Với ai đó, thì tôi cũng chỉ và một cán bộ tuyên giáo hết sức bình thường, nhưng với riêng tôi, tôi lúc nào cũng tự hào về cái nghề nghiệp của mình, bởi nhờ được công tác trong ngành tuyên giáo mà tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Từ một cô gái yếu ớt, nhút nhát đến nay tôi đã trở thành một cán bộ tuyên giáo, một đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn xung kích trên mặt trận tư tưởng và vững vàng hơn trong cuộc sống. 6 năm công tác trong ngành Tuyên giáo cũng và khoảng "thời gian vàng" để tôi được tôi luyện với nhiều thử thách trong công việc cũng như trong cuộc sống, để rồi sau nhiều lần thất bại trong công việc, tôi lại được trưởng thành lên một chút và trở thành một cán bộ tuyên giáo năng động, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo Ban giao.

Tôi muốn gửi tới các bạn trẻ như tôi đang công tác trong ngành tuyên giáo một thông điệp rằng: Các bạn hãy học tập, nghiên cứu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp tuyên giáo, bởi đó và một nghề rất cao quý đấy và đó cũng là môi trường tốt để thế hệ trẻ được học tập được rèn luyện, tu dưỡng và trưởng thành.

Ngô Trinh – Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Bằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất