Nhà quân sự lỗi lạc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người từng làm báo từ rất sớm, có những trải nghiệm nghề nghiệp sâu sắc.
Trong thời gian hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp làm báo với các bút danh: Vân Đình, Hải Thanh… Năm 1929, với bút danh Hải Thanh, ông đã viết bài “Vũ trụ và tân hóa” đăng trên Báo Tiếng dân-tờ báo lớn nhất xứ Trung Kỳ lúc đó do nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút.
Nhân sự việc giám đốc Trường Quốc học Huế đuổi một số học sinh của trường do tham gia phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, Võ Nguyên Giáp viết một bài báo tiếng Pháp “Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học” gửi đăng Báo L’annau ở Sài Gòn. Lúc ấy luật sư Phan Văn Trường đang làm chủ bút tờ báo này đã phải thốt lên: “Một cây bút mới xuất hiện lần đầu ở bản xứ này mà có giọng văn sắc sảo như giọng văn Nguyễn Ái Quốc bên Pa-ri”.
Hàng loạt bài viết của Võ Nguyên Giáp nhằm tố cáo sự bóc lột dã man của chủ nghĩa thực dân Pháp với nhân dân Việt Nam đã gây tiếng vang lớn trong đông đảo người đọc lúc bấy giờ. Ông được kết nạp vào Tân Việt cách mạng Đảng khi 18 tuổi. Võ Nguyên Giáp cùng với Nguyễn Chí Diểu tổ chức nhóm hạt nhân cộng sản trong tổng bộ đảng Tân Việt. Sau này khi ra Bắc tham gia giảng dạy ở trường Thăng Long - Hà Nội, ông vẫn tích cực tham gia viết bài cho các Báo: Tin Tức, Thế Giới, Hà Thành, Thời Báo, Đời Nay, Ngày Mới… và một số tờ báo tiếng Pháp. Cùng với Trần Huy Liệu, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp đã xây dựng Báo Hồn Trẻ. Ngày 6-6-1936, Báo Hồn Trẻ ra số đầu tiên, công nhiên chống chính quyền thực dân Pháp. Tại Đại hội báo giới Bắc Kỳ lần thứ nhất họp ngày 24-4-1937, nhà báo Võ Nguyên Giáp được bầu làm Chủ tịch, nhà báo Trần Huy Liệu làm Phó chủ tịch.
Những năm đất nước đổi mới, những bài báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn được công chúng đón đợi.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp luôn luôn gắn mình với hoạt động báo chí. Nét nổi bật ở ông là ông đã trực tiếp làm tất cả các khâu, các công việc của một người làm báo. Từ lãnh đạo báo giới, viết bài, tổ chức tòa soạn đến cả phát hành báo chí… Ở vị trí nào Võ Nguyên Giáp cũng đều tận tâm, tận lực. Có thể nói, ông là người văn võ song toàn - một nhà quân sự lỗi lạc đồng thời là nhà văn hóa nổi tiếng. Ở Võ Nguyên Giáp, có một mối quan hệ đặc biệt giữa nghề văn và nghề võ, giữa nghệ thuật báo chí và nghệ thuật quân sự, giữa “nghệ thuật tổ chức thông tin” trong làm báo với “nghệ thuật bày binh bố trận” trong đánh giặc.
Năm 1991, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Nhân dịp này, ông tâm sự:
“Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là công việc luôn luôn khẩn trương. Phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị, yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân để biết mình phải làm gì?
Tính thời gian rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng đã khó, nhưng khó hơn là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc. Tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội. Nội dung đương nhiên phải đảm bảo chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số tờ báo có nhiều bài hay. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hòa như màu sắc của một tác phẩm hội họa, mới mang lại hứng thú cho người đọc. Đặt tên cho một bài báo rất khó. Tôi thường mất nhiều thời gian cân nhắc, tìm những kiểu chữ thích hợp cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ, vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể. Những kiểu chữ lớn, nhỏ, béo, gầy, đứng hoặc nghiêng, đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới. Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ. Nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.
Đại tá - Nhà báo Trần Hồng
(Nguồn: QĐND)