Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 13/8/2010 14:37'(GMT+7)

Làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ Tuyên giáo?

TS. Phạm Huy Kỳ, Trưởng khoa Tuyên truyền- Học viện Báo chí và Tuyên truyền  phát động phong trào học tập và rèn luyện năm học 2009-2010. Ảnh tư liệu

TS. Phạm Huy Kỳ, Trưởng khoa Tuyên truyền- Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát động phong trào học tập và rèn luyện năm học 2009-2010. Ảnh tư liệu

Hiện nay, khoa được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho ngành Tuyên giáo ở cả bậc đại học và sau đại học, bao gồm: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành công tác tư tưởng.

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng, Tạp chí Tuyên giáo đã trao đổi với một số giảng viên, sinh viên trong Khoa về công tác đào tạo cán bộ Tuyên giáo hiện nay.

PV: Khoa Tuyên truyền hiện nay chủ yếu đào tạo cán bộ Tuyên giáo cho Đảng từ hai đối tượng chủ yếu là những cán bộ đã và đang làm công tác tuyên giáo và các học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Theo đồng chí, đào tạo theo từng đối tượng này có những thuận lợi và gặp khó khăn gì?

TS Hoàng Quốc Bảo với các sinh viên. Ảnh TL


TS. Hoàng Quốc Bảo – Phó trưởng Khoa Tuyên truyền: Khoa Tuyên truyền đã tiến hành đào tạo được gần 3000 cán bộ Tuyên giáo ở cả hệ chính quy tập trung và hệ vừa làm vừa học; ở cả bậc đào tạo đại học, cao học và tiến sĩ.

Cán bộ Tuyên giáo được đào tạo chủ yếu có hai loại đối tượng: Một là, những cán bộ đã và đang hoạt động trong ban Tuyên giáo các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội. Hai là, những học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học đã trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh hàng năm, theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với mỗi loại đối tượng này, đều có những thuận lợi và khó khăn riêng.

Đối với đội ngũ cán bộ đã đi làm nhưng chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ công tác Tuyên giáo. Đây là những cán bộ đã có kinh nghiệm, có tri thức khoa học, có trình độ và am hiểu về một số lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội… nên có khả năng tiếp thu nhanh tri thức chuyên ngành và nghiệp vụ công tác Tuyên giáo. Đồng thời, họ cũng là những người vận dụng khá tốt lý luận chuyên ngành với thực tiễn công tác Tuyên giáo ở địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, đối với những cán bộ đã đi làm do có nhiều độ tuổi khác nhau, mặt bằng tri thức không đồng đều và vị trí công tác khác nhau nên thường gặp nhiều khó khăn khi tiếp thu lý luận chuyên ngành và thường hay mắc bệnh chủ quan. Hơn nữa, đa số họ là những người đã có gia đình, điều kiện kinh tế cũng khác nhau, nên khó tập trung tư tưởng trong học tập.

Đối với học sinh phổ thông vào học. Đối tượng này còn rất trẻ, có khả năng tiếp thu nhanh tri thức được trang bị trong quá trình học tập, năng động và có khả năng nhớ rất chính xác lý luận nghiệp vụ công tác tuyên giáo. Tuy nhiên, đây lại là đối tượng ít hiểu biết thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn công tác Tuyên giáo cho nên khi tiếp thu lý luận chuyên ngành không hình dung được công việc đang diễn ra trong thực tiễn. Đối tượng này thường khó vận dụng lý thuyết vào thực tiễn công tác tư tưởng, hay tự ti khi được cử đi thực tập nghiệp vụ ở các cơ quan tuyên giáo. Hơn nữa, sau khi tốt nghiệp ra trường, đối tượng này còn rất trẻ, ít kinh nghiệm thực tiễn nên những năm đầu mới vào nghề khó phát huy tác dụng và khó tiếp cận với những đối tượng khác nhau trong đời sống xã hội.

PV: Đồng chí có thể cho biết bức tranh chung về năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp tốt nghiệp tại Học viện Báo chí &Tuyên truyền?

TS. Hoàng Quốc Bảo: Theo thông tin phản hồi mà chúng tôi nắm được từ phía sinh viên đã tốt nghiệp ra trường thì đại đa số những sinh viên được tuyển dụng vào làm việc tại Ban Tuyên giáo các cấp đã phát huy được năng lực của mình và hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Trong các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Tuyên giáo hoặc tại Hội nghị công tác Tuyên giáo toàn quốc hàng năm, khi tiếp xúc với lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy và lãnh đạo Ban Tuyên giáo các huyện, quận… chúng tôi đều nhận được những thông tin tốt, đánh giá khách quan về chất lượng của sinh viên mà chúng tôi đã đào tạo ra. Đặc biệt, có nhiều sinh viên sau một thời gian công tác đã được đề bạt, bổ nhiệm và giữ những trọng trách tại các cơ quan tuyên giáo các cấp và các tổ chức chính trị xã hội.

PV: Vậy theo đồng chí, người cán bộ Tuyên giáo trong thời đại hiện nay cần trau dồi những phẩm chất, năng lực gì?

TS. Hoàng Quốc Bảo: Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, người cán bộ Tuyên giáo cần những năng lực và phẩm chất như sau:

Một là, phẩm chất tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống. Điều đó được biểu hiện cụ thể là:

- Tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

- Kiên trì và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không hoang mang, không dao động trước sự tấn công chống phá của các thế lực thù địch và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới.

- Có phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh. Luôn luôn thống nhất giữa lời nói với việc làm.

Hai là, có trình độ lý luận- tư tưởng và tri thức khoa học. Điều đó có nghĩa là:

- Cán bộ Tuyên giáo phải được đào tạo cơ bản và có trình độ về lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lênin; Nắm vững di sản tư tưởng Hồ Chí Minh và hiểu biết những quan điểm, tư tưởng của Đảng ta về công tác tuyên giáo.

- Có sự hiểu biết nhất định về các kiểu loại hệ tư tưởng đã tồn tại trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm, tư tưởng, luận điệu sai trái đi ngược lại với lợi ích của Đảng, của dân tộc và hệ tư tưởng vô sản.

- Có kiến thức văn hóa rộng, nhất là khối kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn. Hiểu biết về đất nước, xã hội và con người Việt Nam trên phương diện truyền thống, lịch sử, văn hóa và tâm lý…Có tư duy khoa học và phương pháp nghiên cứu khoa học.

Ba là, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Cụ thể là:

- Có năng lực hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là năng lực nói và năng lực viết.

- Có phong cách làm việc dân chủ và khả năng đối thoại với các đối tượng khác nhau. Có khả năng giao tiếp, ứng xử và lôi cuốn quần chúng tham gia vào các quá trình tư tưởng.

- Có khả năng nắm bắt dư luận xã hội và định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực.

- Có khả năng sử dụng các phương tiện công tác tư tưởng, nhất là các các phương tiện truyền thông đại chúng để tiến hành giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Ngoài việc học tập ở trường ra, cán bộ Tuyên giáo cần phải tích cực tham gia vào hoạt động thực tiễn để tích lũy kinh nghiệm; phải thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu. Đồng thời, phải thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác Tuyên giáo giữa cấp trên và cấp dưới; giữa các cơ quan tuyên giáo đồng cấp với nhau để đúc rút kinh nghiệm và không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ những đổi mới trong khung chương trình đào tạo trong năm học tới của Khoa Tuyên truyền để nâng cao năng lực cho các cán bộ Tuyên giáo trẻ hiện nay.

TS. Phạm Huy Kỳ - Trưởng khoa Tuyên truyền: Để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ Tuyên giáo, chúng tôi coi trọng việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy. Cụ thể là:

Về khung chương trình đào tạo: Nếu như ở thời điểm trước năm 1993, chương trình đào tạo chỉ có 11 môn học cơ sở ngành và chuyên ngành, đến năm 2008, chúng tôi đã có 22 môn học và hiện nay là 26 môn. Việc xây dựng các môn học mới được xuất phát từ yêu cầu của công việc mà cán bộ Tuyên giáo phải thực hiện trong thực tế. Các môn học này, ngoài mục đích cung cấp các kiến thức lý luận chung, phải đi sâu vào việc hình thành các kỹ năng cơ bản cho người cán bộ Tuyên giáo. Ví dụ như các môn học: Nghệ thuật phát biểu miệng, Các thể loại phát biểu miệng, Xử lý tình huống công tác tư tưởng, Soạn thảo văn bản công tác tư tưởng, Khoa học giao tiếp, Khoa học quản lý, Quản lý các lĩnh vực tư tưởng – văn hóa, Quản lý hoạt động nghệ thuật, Tâm lý học tuyên truyền, Lý thuyết truyền thông và vận động, Công tác vận động quần chúng, Lý luận và phương pháp nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị, Nghiên cứu và định hướng dư luận xã hội, Công tác thông tin – cổ động, Công tác khoa giáo.

Về nội dung: hàng năm chúng tôi đều tổ chức triển khai các nghiên cứu khoa học với sự phối hợp giữa các lực lượng nghiên cứu trong khoa, trong trường, với các chuyên gia bên ngoài để hoàn thiện và đổi mới nội dung của từng môn học, nhất là các môn học chuyên ngành, nhằm cung cấp cho người học những kiến thức mới, cập nhật hơn, khoa học hơn.

Về phương pháp: chúng tôi tính cực đổi mới và tăng cường sử dụng các phương pháp mới, lấy người học làm trọng tâm để phát huy tính chủ động và khả năng sáng tạo của sinh viên, tạo hứng thú cho họ trong quá trình học tập. Đồng thời, tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia các hội nghị báo cáo viên do Trung tâm Thông tin Công tác tuyên giáo – Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Điều này giúp sinh viên cập nhật tình hình thông tin thời sự, các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Từ đó, sinh viên có cơ hội học tập các kỹ năng về nghề nghiệp do chính các chuyên gia thực hiện trong các hội nghị này.

Ngoài ra, Khoa còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, tạo điều kiện cho sinh viên được rèn luyện các kỹ năng cơ bản của người cán bộ Tuyên giáo như “Câu lạc bộ Tuyên giáo trẻ” với chủ đề sinh hoạt mang tính chủ đạo là nhịp cầu Tuyên giáo. Hoạt động này tổ chức định kỳ 3 tháng 1 lần cho sinh viên toàn khoa và mỗi tháng 1 lần cho từng lớp trong khoa.

PV: Theo đồng chí, Khoa Tuyên truyền cần có những giải pháp như thế nào để thực hiện được những mục tiêu trên?

TS. Phạm Huy Kỳ: Với tư cách là một khoa đào tạo chuyên ngành của Học viện Báo chí & Tuyên truyền là cái nôi đào tạo cán bộ tư tưởng – văn hóa duy nhất của cả nước, chúng tôi cũng luôn trăn trở, tìm tòi một mô hình đào tạo có tính lâu dài. Trước mắt, trong năm học sắp tới để việc đào tạo những cán bộ tuyên giáo trẻ ngày càng hiệu quả hơn, chúng tôi sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung nâng cao chất lượng, công tác đào tạo. Đây là nhiệm vụ không hề giản đơn và dễ dàng thực hiện trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nó lại có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của khoa, đặc biệt là trong việc bồi đắp cho thế hệ cán bộ Tuyên giáo trẻ của Đảng. Trước mắt chúng tôi ưu tiên cho việc tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, sao cho mỗi học sinh ra trường phải là những người có bản lĩnh chính trị, nắm chắc lý luận và có khả năng vận dụng tốt những kỹ năng nghề nghiệp.

Thứ hai, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của Khoa để đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo. Để làm tốt điều đó, chúng tôi sẽ tuyển dụng một số cán bộ trẻ có đủ năng lực và phẩm chất có khả năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong đó, sẽ ưu tiên lựa chọn những cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Mặt khác, tạo điều kiện cho cán bộ trong khoa có điều kiện tiếp tục học tập nâng cao trình độ. Tăng cường sử dụng lực lượng giáo viên kiêm nhiệm. Đó là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đang công tác tại Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học ngoài Học viện để có thể tham gia vào quá trình đào tạo cán bộ Tuyên giáo.

Thứ ba, là tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ Tuyên giáo các cấp. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Khoa trong thời gian sắp tới. Mặc dù trong thời gian qua, khoa đã trực tiếp tổ chức hoặc phối hợp tổ chức một số lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Tuyên giáo cho các ngành, các địa phương nhưng chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhiều loại hình bồi dưỡng hơn nữa./.

Thu Hằng (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất