Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 12/6/2011 21:12'(GMT+7)

Hướng đi nào cho văn học thiếu nhi?

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Thực trạng báo động của văn học thiếu nhi hiện nay

Lâu nay, văn học thiếu nhi vẫn được xem là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn học cả nước. Từ những khúc đồng dao, từ những truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại trong dân gian đến những bài thơ, truyện ngắn, truyện dài kỳ hay tiểu thuyết hiện đại, văn học thiếu nhi luôn là món ăn tinh thần bồi đắp tâm hồn và chắp cánh ước mơ cho trẻ nhỏ.

Còn nhớ trước đây, Internet chưa tới được từng nhà, hầu hết các em ở tuổi cắp sách tới trường thường tìm đọc những tác phẩm: Dế mèn phiêu lưu ký, Quê nội, Đất rừng phương Nam, Tuổi thơ dữ dội…và gắn bó với các nhà văn Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Phùng Quán, Huy Cận, Nguyễn Nhật Ánh.... Nhưng giờ đây, nhà nhà đều kết nối Internet, đọc sách, đọc truyện không còn là niềm đam mê và thú vui duy nhất. Chơi game, xem, nghe các loại hình giải trí đã chiếm phần lớn quỹ thời gian rảnh rỗi vốn ít ỏi của các em. Bên cạnh đó, sự quá tải của chương trình học trên lớp cùng với áp lực của việc học thêm càng khiến các em không còn thời gian dành cho việc đọc tác phẩm văn học.

Đã thế, các tác phẩm hay và đội ngũ các nhà văn tâm huyết chuyên viết cho thiếu nhi ngày càng hiếm. Phần lớn đều là những cây bút đã đứng tuổi, vì thế viết cho thiếu nhi gặp nhiều khó khăn. Để có được những trang viết hóm hỉnh, hồn nhiên, trong sáng phù hợp với lứa tuổi của các em đòi hỏi các nhà văn phải thoát khỏi con người thực, phải sống lại bằng những ký ức của tuổi thơ, nếu không tác phẩm sẽ chỉ là những khẩu hiệu cứng nhắc, nặng tính giáo điều, khô khan khiến các em quay lưng lại.

Thực tế cũng có không ít những cây bút thiếu nhi viết cho lứa tuổi của mình nhưng hầu như đều chưa đủ độ “chín” để có những tác phẩm thực sự xuất sắc. Đã thế, các em lại thiếu sân chơi để sáng tạo, để tích lũy kinh nghiệm và thực hành. Những năm trở lại đây, sự quan tâm của các cấp dành cho văn học thiếu nhi mới chỉ dừng lại ở bề nổi, biểu hiện ở việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, những hoạt động thiết thực như tổ chức các trại sáng tác hay cho các em đi thực tế còn quá ít. Ví như Hội nhà văn, nơi hội tụ , đào tạo và ươm mầm các tài năng nhưng sau 14 năm mới mở thêm được trại sáng tác cho lứa tuổi này.

Phải chăng vì quan niệm sáng tác cho thiếu nhi chỉ là phụ, chỉ mang tính giải trí nên chúng ta chưa có sự quan tâm và đầu tư đúng mức. Thực tế văn học thiếu nhi vẫn phát triển nhưng mang tính tự phát. Thể hiện rõ nhất trên các blog. Công nghệ thông tin phát triển, dòng văn học này lại càng phổ biến nhưng thiếu sự định hướng. Chỉ cần ngồi trước máy tính, người ta có thể thỏa sức sáng tạo theo cảm hứng và suy nghĩ của riêng mình mà không bị hạn định bởi bất cứ điều gì. Chính vì vậy hiện nay đã xuất hiện nhiều tác phẩm cho thiếu nhi phản cảm, đi ngược với thuần phong mỹ tục và tiêu chí bồi đắp tâm hồn cho con trẻ. Nguy hiểm hơn, chính sự xuất hiện của những tác phẩm này đã từng làm nóng diễn đàn văn học thiếu nhi, khiến nhiều người lầm tưởng về mức độ tươi sáng của bức tranh văn học này.

Làm gì để cải thiện bức tranh văn học thiếu nhi hiện nay?

Để cải thiện thực trạng sa sút và góp phần làm khởi sắc bức tranh văn học thiếu nhi hiện nay chắc chắn phải có sự vào cuộc, quan tâm đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội.

Trước hết những người cầm bút phải thay đổi tư duy, cách viết như nhà văn Lê Phương Liên- Trưởng ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn đã từng phát biểu trong Hội thảo “Văn học thiếu nhi cơ hội và thách thức” vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức: “Những người cầm bút cho lứa tuổi này phải sáng về nhận thức và trong về nghệ thuật”. Nghĩa là những người cầm bút không chỉ có tài năng mà cần phải có nhận thức đúng đắn, sáng tạo lên những tác phẩm có tính giáo dục cao, góp phần bồi dưỡng tâm hồn cho con trẻ. Thực vậy, trẻ em như búp trên cành, rất dễ bị uốn theo những bài học, cách thức trong những tác phẩm mà các em đã đọc hay được tiếp cận, vì vậy các nhà văn, nhà thơ cần phải tìm tòi, đổi mới cách viết sao cho phù hợp nhưng vẫn phải giữ được tính nhân văn, bản sắc văn hóa và giá trị văn chương đích thực ở mỗi tác phẩm.

Bên cạnh đó, để có được những tác phẩm hay đến với các em, chúng ta cũng cần phải có những cơ chế khuyến khích các cây bút. Chúng ta cần có những giải thưởng thật sự uy tín, giá trị để kích thích sáng tạo. Sở dĩ văn học thiếu nhi ở ta tồn tại như hôm nay là do chúng ta đang thiếu một phong trào viết cho thiếu nhi. Muốn tạo ra được phong trào này phải có nhiều cuộc thi, phải chăm lo bồi dưỡng và quan tâm đội ngũ viết cho thiếu nhi, có những hỗ trợ thích đáng, kịp thời để các tác phẩm có chất lượng đến được với bạn đọc.

Một trong những việc làm quan trọng, góp phần làm cho văn học thiếu nhi được khởi sắc là chúng ta phải quan tâm khơi dậy văn hóa đọc trong thiếu nhi. Việc cho trẻ em tiếp cận các tác phẩm văn học thiếu nhi ưu tú từ nhỏ là một biện pháp hết sức quan trọng, góp phần định hướng nhân cách và phát triển tâm hồn, trí tưởng tượng của các em.Trong thời đại ngày nay, làm sao để các em say mê những trang sách hơn trò chơi game trên máy tính, yêu thích truyện chữ hơn truyện tranh, đó là việc làm không dễ dàng và cần có sự quan tâm sâu sát của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Một trong những việc làm tưởng như đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả chính là hàng ngày trước khi đi nghủ bà, mẹ, hay bố hãy đọc sách, kể chuyện cho các em nghe.

Bên cạnh đó, rất cần có sự phối hợp đồng bộ nhịp nhàng của các cơ quan truyền thông, in ấn, phát hành. Làm sao để các cơ quan này chính là cầu nối để các tác phẩm có chất lượng đến được với các em một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Như vậy để văn học thiếu nhi thoát khỏi tình trạng sa sút, thưa vắng như hiện nay phải tùy thuộc vào sự chung tay của cả một dây chuyền: người viết - nhà xuất bản - người phát hành, tiếp thị sách. Tìm hướng đi cho văn học thiếu nhi, tuy nhọc nhằn nhưng là việc làm cần thiết và cấp bách của các cấp, các ngành và toàn xã hội./.

Kim Thoa

(Nguồn: CPV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất