Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 6/6/2011 15:24'(GMT+7)

Dòng chảy văn học trên sân khấu

Vở "Số đỏ" từng thành công trên sàn diễn sân khấu  Phú Nhuận. (Ảnh: Báo Văn hóa).

Vở "Số đỏ" từng thành công trên sàn diễn sân khấu Phú Nhuận. (Ảnh: Báo Văn hóa).

Một loạt các tác phẩm văn học (TPVH) đã đi vào lòng người như: Đèn không hắt bóng, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Cánh đồng bất tận, Dòng nhớ… được khán giả SK đón nhận nồng nhiệt. Mới đây, Chiều vắng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được SK Hoàng Thái Thanh chuyển thể rất thành công, tất cả đã tạo nên một dòng chảy văn học trên sân khấu.

Bù vào… “khủng hoảng” kịch bản hay!

Hàng loạt các vở kịch ăn khách trên các SK kịch TP.HCM hiện nay hầu hết là các tác phẩm chuyển thể từ văn học. Không kể đến SK kịch Hồng Vân, một địa chỉ quen thuộc của dòng kịch văn học hiện thực phê phán trước 1945 với Số đỏ, Chí Phèo, Kỹ nghệ lấy Tây… và sắp tới đây là “Làm đĩ”, nhiều SK như Hoàng Thái Thanh, Idecaf, 5B cũng đều có những vở thu hút khán giả từ những tác phẩm văn học. Nhiều ý kiến cho rằng, chính việc thiếu và yếu những kịch bản hay nên các SK chọn giải pháp chuyển thể tác phẩm văn học. Tuy nhiên một số ĐD cho biết, bản thân họ vốn thích tác phẩm đó, chính những thông điệp nhân văn mỗi tác phẩm chuyển tải đã làm họ“mê” nên đưa sang kịch.

Với những kinh nghiệm dàn dựng dòng VH hiện thực phê phán, tới đây Hồng Vân sẽ tiếp tục đưa "Làm đĩ" lên SK, tác giả Chu Thơm chuyển thể kịch bản. NSƯT Hồng Vân cho biết, chị sẽ tập trung khai thác các quan niệm về giới tính, lối sống… “Nếu quan sát cuộc sống xung quanh, chúng ta thấy vấn đề mà Vũ Trọng Phụng đưa ra vẫn rất thời sự: Cuộc sống sa đọa của một thiếu nữ sa chân vào con đường lầm lạc, sa ngã, rồi mối quan hệ của cô với 4 người đàn ông trong cuộc đời mình. Chúng tôi luôn muốn dựng những tác phẩm VH để cái hay, cái đẹp của VH VN được lưu truyền bằng hình thức SK hóa. Tất nhiên, chuyển thể kịch bản vẫn phải toát được cái “hồn” trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng”.

Cái khó là sáng tạo mới

Nhiều ĐD SK cho rằng, đưa tác phẩm văn học lên sân khấu là một lợi thế khi tác phẩm đã được thẩm định bởi thời gian và độc giả. Nhưng cũng lại là sự trải nghiệm mạo hiểm nếu đạo diễn non nghề không chuyển tải được cái "thần" của tác phẩm, đặc biệt không làm nổi bật được nhân vật điển hình trong truyện. Nhiều tác phẩm văn học khi đưa lên SK đã tận dụng được lợi thế này như Cánh đồng bất tận, Dòng nhớ (SK 5B), Số đỏ, Bỉ vỏ (SK Phú Nhuận), Chiều vắng (SK Hoàng Thái Thanh)…

Cánh đồng bất tận gắn liền với tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư, khi đưa lên SK cũng đã tạo nên “cơn sốt” đặc biệt. Một “cánh đồng” hoàn toàn gần gũi và thân quen với lối diễn nhập vai của các nhân vật, bối cảnh mang hơi hướng của sông nước miền Tây Nam Bộ. Đạo diễn Minh Nguyệt đã từng nói rằng: “Để tạo được một bối cảnh sông nước cho Cánh đồng bất tận trên SK là cả một quá trình khó khăn để tạo nên những vườn cây, sông nước, con thuyền… Mỗi tác phẩm văn học khi đưa lên SK đòi hỏi phải dựng cho được bối cảnh diễn ra câu chuyện của thời đó. Nếu chỉ tượng trưng, ước lệ thì xem ra vở kịch đã không chuyển tải hết cái "thần" của tác phẩm văn học. Để vượt ra ngoài cái “thần” vốn có của văn học thì người đạo diễn phải biết tìm tòi sáng tạo những cái mới mà không làm mất đi cái vẻ đẹp ban đầu của tác phẩm”.

Một cái khó nữa mà các ĐD SK thường gặp phải, đó là làm thế nào để một TP VH chỉ gói gọn chừng 2 tiếng đồng hồ trên SK. Trong lúc tác giả SK ngày càng “khan hiếm” thì việc chuyển thể tác phẩm họ lại càng không mặn mà. Nhiều ĐD đành kiêm luôn công việc của tác giả để đảm bảo ý tưởng của mình.

VH chỉ đem đến những khái quát về ngôn từ, còn trên SK, diễn viên phải toát lên được vẻ đẹp của nhân vật thông qua lời nói, hành động chứ không phải là “minh họa” tác phẩm. Đây là điều khác biệt giữa VH và SK. “Xây dựng được nhân vật đi đến cùng số phận của mình là điều mà mỗi SK hướng tới. Nếu như trong các tác phẩm văn học, nhân vật thường chỉ lướt qua, nhiều chi tiết, tính cách nhân vật chỉ có thể tưởng tượng qua ngôn từ thì trên sân khấu, từng chi tiết của nhân vật đều phải được diễn viên bộc lộ rõ nét”, NSƯT Thành Hội chia sẻ.

Không phải cứ là tác phẩm văn học nổi tiếng khi đưa lên SK đều thành công. Khi tay nghề của ĐD “non”, diễn chưa tới…đều có tác dụng ngược lại. ĐD Hạnh Thúy cho rằng: “Đưa một tác phẩm văn học nổi tiếng lên SK, mỗi ĐD luôn phải đảm bảo được chất văn học mà vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố trên SK. Các nhân vật đi đứng trên SK không chỉ khóc, cười mà quan trọng diễn xuất của họ thể hiện chi tiết “đắt” nhất mà ĐD muốn chuyển tải. Phải đưa những gì của riêng ĐD ngoài chất của tác phẩm, bởi có những cái rất hay trong văn học nhưng lại không thể đưa lên SK. Nhà biên kịch muốn chuyển thể thành công tác phẩm văn học thì bản thân họ phải đọc nhiều, cảm nhiều thì ắt sẽ dàn dựng thành công trên SK”.

Sự kết nối TP VH và SK là một biện pháp “ứng phó” với tình trạng khan hiếm kịch bản hay hiện nay tại SK TP.HCM. Điều cốt lõi là làm sao để có ngày càng nhiều các TP VH hay, thể hiện các vấn đề gai góc của xã hội lên sàn diễn. Trong khi nhiều tác giả SK không còn mặn mà với kịch bản SK hoặc phần đông chạy qua viết kịch bản truyền hình… thì rất nhiều tác giả văn học lên tiếng sẵn sàng để “đứa con” của mình lên sàn diễn. Đây vừa là tín hiệu vui, đồng thời cũng là một thử thách với chính những nhà làm SK trong thời buổi khó khăn về kịch bản hay như hiện nay./.

(Theo: Báo Văn hoá)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất