Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 30/5/2011 10:23'(GMT+7)

Để nghệ thuật Tuồng tiếp cận với thiếu nhi

Một cảnh trong "Lân mẹ đè lân con".

Một cảnh trong "Lân mẹ đè lân con".

 PV Đài TNVN trò chuyện với Biên đạo múa Tạ Vũ Thu về những nỗ lực của Nhà hát Tuồng trong lần thử nghiệm chương trình phục vụ thiếu nhi. 

*Thưa anh, trong chương trình thử nghiệm nghệ thuật Tuồng phục vụ thiếu nhi năm nay, Nhà hát sẽ đưa ra những tiết mục gì?

- Trong đợt này, Nhà hát đưa ra kịch mục bao gồm các tiết mục múa cờ, đấu vật; trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội, Lân phun lửa, Lân mẹ đè lân con, Múa chuột cống mèo, trích đoạn Thạch Sanh cứu công chúa bắn đại bàng. Chương trình có cả các màn múa thiết về sân khấu truyền thống gồm các động tác võ thuật, múa cung, múa cờ của Trần Quốc Toản. Ngoài ra có 1 tiết mục dân gian là múa mặt nạ dành cho thiếu nhi.

Năm nay là lần đầu tiên chúng tôi đưa ra chương trình thử nghiệm việc tiếp thị nghệ thuật truyền thống cho các cháu thiếu nhi ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, để cho các em tiếp thu và biết về văn hoá truyền thống của Việt Nam. 

*Trong kịch mục của chương trình có cả trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội. E rằng trích đoạn này không phù hợp lắm với các em thiếu nhi, ý kiến của anh như thế nào?

- Ông già cõng vợ đi xem hội thực chất được kết cấu từ kịch bản trong dân gian, mà kịch bản trong dân gian thì rất gần gũi với lễ hội và có sự vui nhộn trong biểu diễn. Tôi nghĩ Ông già cõng vợ đi xem hội rất gần gũi với các em thiếu nhi. Nếu vẫn để nguyên, không cải biến về lời và phương pháp biểu diễn thì mới không tiếp cận được với các em.  

*Tuồng là một loại hình nghệ thuật rất khó hiểu với cả người lớn, đưa ra chương trình cho thiếu nhi, Nhà hát làm thế nào để cuốn hút các em?

- Chúng tôi đã thay đổi tương đối nhiều về cách kết cấu và biểu diễn. Nếu diễn như một trích đoạn Tuồng hay như vở tuồng thì các em sẽ rất khó tiếp thu. Với thiếu nhi, thường thì các em phải có sự giao lưu nhất định với diễn viên, cho nên trong kịch bản cũng đưa ra phần giao lưu. Những câu Tuồng cổ cũng cải biến để làm sao gần gũi với cuộc sống hơn, để các em có thể hiểu được tốt nhất.

Mục tiêu chính của chúng tôi là làm thế nào để nghệ thuật truyền thống tiếp cận được thiếu nhi. Do đó, các nghệ sĩ phải nghiên cứu rất nhiều về thiếu nhi, xem các em thích cái gì, thị hiếu của các em là gì... rồi mới đưa ra kịch mục như vậy.  

*Khi đưa ra ý tưởng và dàn dựng chương trình này, anh và Nhà hát đã gặp những khó khăn gì?

- Tôi thấy việc đưa sân khấu truyền thống đến với các em thiếu nhi là rất khó. Khi chúng tôi chuyển biến lời văn để phù hợp với các em thiếu nhi thì sợ giảm tính Tuồng đi, nhưng để nguyên thì lại không được. Tôi nghĩ, điều đầu tiên nghệ sỹ phải mình hòa mình với các em trước bằng cách tiếp cận gần gũi, theo đó việc các em tiếp cận với nghệ thuật Tuồng sẽ dễ dàng hơn. 

Ngôn ngữ Tuổng dành cho thiếu nhi sẽ được cải biến gần gũi với các em


*Thế còn những lợi thế của Tuồng khi làm chương trình cho thiếu nhi, theo anh là gì?

- Với trang phục, đạo cụ, cách hoá trang... tôi nghĩ sân khấu Tuồng rất phù hợp và thuận lợi để làm các chương trình với thiếu nhi. Các em thường thích những điều gì lạ, bắt mắt. Khi lên sân khấu, trang phục của chúng tôi có rất nhiều kiểu dáng, hình thù… và có chỉnh sửa cho phù hợp; ánh sáng cũng được chú trọng và tập đưa ra những mẫu mới khác so với truyền thống. 

*Tại sao chương trình lại diễn một tối duy nhất vào ngày 1/6, có phải vì là vì thử nghiệm nên Nhà hát còn khá rụt rè?

- Đợt 1/6 này là thử nghiệm đầu tiên và cũng để thăm dò xem phản hồi của khán giả như thế nào. Sau khi đã có phản hồi từ khán giả, từ sang năm trở đi chúng tôi sẽ có định hướng nhất định cho mảng này. Tôi muốn qua chương trình sẽ rút kinh nghiệm trong cách tổ chức và cách dàn dựng, để tiếp cận tốt hơn với các em trong dịp Rằm Trung thu năm nay.  

*Nhà hát Tuồng có ưu đãi gì cho các bé không?

- Chúng tôi có ưu tiên các trường tiểu học và mẫu giáo, nếu mua vé với số lượng lớn thì chúng tôi có thể sẵn sàng giúp các nhà trường bằng cách đưa xe đến đón các em. Ngoài ra, để liên lạc với các trường thì hiện nay chúng tôi vẫn đang xúc tiến, và cũng vận động các trường để làm sao để các em được đến xem chương trình này.

*Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!./.

(Theo: Lê Thu/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất