Đến lúc này, nỗi thất vọng thành tích kém cỏi của thể thao Việt Nam vẫn âm ỷ trong lòng người hâm mộ. Dư luận cũng băn khoăn khi một vị lãnh đạo đầu ngành cho rằng, các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á cũng thất bại, khi họ không đạt huy chương vàng như mục tiêu đề ra.
Cào bằng thất bại cùng đối thủ Thái Lan
Mang đến Vương quốc Anh tận 18 vận động viên (VĐV) hàng đầu, thể thao Việt Nam (TTVN) không thu về một tấm huy chương nào. Sau quá nhiều kỳ vọng, người hâm mộ nước nhà cần lời giải thích rõ ràng, hơn nữa cái nhìn thẳng thắn để thay đổi lại quan niệm làm thể thao của lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam.
Thay vì tìm được lời đáp ưng ý, dư luận có phần sốc trước câu trả lời của Tổng thư ký Ủy ban Olympic Hoàng Vĩnh Giang đưa ra trong cuộc trả lời báo chí. Thay vì thừa nhận sự sa sút trong thành tích của TTVN, ông Giang lại cho rằng chúng ta đã thành công. Không những thế TTVN không hề thất bại ở giải đấu dù không có huy chương như mục tiêu đề ra.
Theo ông Giang, nhìn vào số lượng, so với 8 VĐV dự Olympic 2008, giải năm nay đã là 18 người. Xét về chất lượng, những môn dự Olympic như cử tạ, điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng, bơi lội đều nằm nội dung chính của các kỳ Thế vận hội. Thế nên việc không có huy chương chỉ là bề nổi, chứ TTVN đã có kỳ Olympic thành công vượt bậc so với quá khứ.
Nếu theo cách lý giải như thế của ông Hoàng Vĩnh Giang, TTVN đã có bước tiến vượt bậc để tiệm cận trình độ thế giới. Nhưng sao các VĐV khi ra thi đấu đều tâm lý nặng nề, chơi dưới sức, thậm chí thua kém hoàn toàn đối thủ. Muốn nói thành công phải dựa trên tiêu chí có huy chương, chứ không phải dựa số lượng VĐV tham dự theo kiểu góp vui là chính.
Ông Hoàng Vĩnh Giang gây sốc khi cho rằng Thái Lan cũng không thành công
ở Olympic 2012 do không đạt chỉ tiêu có huy chương vàng như mục tiêu đề ra
Có vẻ như lãnh đạo đầu ngành thể thao Việt Nam không thừa nhận sự thất bại, hay nói đúng hơn việc chuẩn bị, dự báo không chính xác, lại thỏa mãn với những con số thống kê để phục vụ quá trình báo cáo như thế. Càng không chính xác, không hợp lý, khi chúng ta đánh đồng thất bại của mình so với những đối thủ trong khu vực Đông Nam Á.
Trong khi TTVN trắng tay ở Olympic 2012, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore đều có huy chương. Thành tích đáng nể của các đối thủ trong Đông Nam Á xuất phát việc họ tập trung con người, tiền bạc, tâm huyết vào các môn mũi nhọn, để có huy chương ở Thế vận hội.
Ông Giang lại cho rằng các đối thủ không thành công: "Chính các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng có thành tích không được như mong đợi chứ không riêng gì Việt Nam. Ví dụ điển hình là Thái Lan, họ đề ra mục tiêu phải có một tấm huy chương vàng, nhưng cuối cùng có đạt được đâu''.
Qua đó, có thể thấy chúng ta chưa thừa nhận sai lầm về mình, như vậy thì có thể tiến bộ được hay không?
Thua tại Olympic do chưa mơ có huy chương?!
Chưa hết "choáng" với phát biểu từ lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam, dư luận tiếp tục đón nhận một phát biểu cũng sốc không kém. Ngay trong ngày cùng đoàn TTVN trở về từ Vương quốc Anh, trưởng đoàn Lâm Quang Thành cho rằng chúng ta không đạt huy chương do khâu chuẩn bị, dự đoán chưa kịp xu thế từ... 4 năm trước.
Vị phó Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao cho hay: "Đầu tư cho một VĐV tham dự Thế vận hội ít nhất cũng phải 2 chu kỳ Olympic hay tối thiểu cũng phải một chu kỳ là 4 năm. Với TTVN, trước đây chúng ta chỉ phấn đấu giành vé tham dự Olympic. Còn việc đoạt huy chương thì cách đây 4 năm hay 8 năm chưa hề được nghĩ đến và tính toán cụ thể cho từng môn, từng VĐV''.
Dù đô cử Hoàng Anh Tuấn (trái) đoạt huy chương bạc Olympic 2008, ông Lâm Quang
Thành cho rằng thất bại vừa qua do chúng ta chưa tính việc có huy chương
Phát biểu của ông Thành sẽ ổn, nếu chúng ta chưa từng giành được huy chương trong quá khứ. Xin nhắc lại rằng tại Olympic Sydney 2000, nữ VĐV teakwondo Trần Hiếu Ngân đã đạt huy chương bạc lịch sử cho TTVN. Và đúng 4 năm trước, đô cử Hoàng Anh Tuấn xuất sắc giành huy chương bạc thứ 2 cho thể thao nước nhà. Nói thế để thấy, teakwondo và cử tạ chính là 2 môn thế mạnh để TTVN đầu tư. Và xét mặt mục tiêu, chúng ta có quyền mơ ước đến việc giành thêm nhiều huy chương hơn, hoặc chạm tay đến huy chương vàng.
Ấy vậy mà qua lời giải thích của ông trưởng đoàn Lâm Quang Thành, chúng ta thất bại do chưa chuẩn bị kịp xu thế, khả năng dự báo chưa đúng sự phát triển TTVN quả là vô lý.
Thông qua 2 cách trả lời của những vị lãnh đạo đầu ngành TTVN mới thấy rằng chúng ta vẫn chưa chấp nhận thất bại tại Olympic London 2012. Trái lại tinh thần lạc quan, nặng tính biện hộ thay vì nhìn thẳng, nhìn thật vào vấn đề chưa được quán triệt thật sự. Nếu cứ kiểu 'tự sướng' trong quan điểm điều hành thể thao thế này, rất khó TTVN thoát khỏi sự trì trệ, tụt lùi như hiện tại./.
Kim Chi - VnMedia