Tháng 4/2009, 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố bắt đầu thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân. Sau hơn một năm triển khai, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương, việc thực hiện thí điểm đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí, rút ngắn thời gian
Không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp quận, huyện, phường, các địa phương đã bước đầu giảm tầng nấc trung gian, tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý một số công việc, giảm nguồn ngân sách chi cho tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân, tiết kiệm được thời gian làm việc của các đại biểu Hội đồng Nhân dân, trong khi vẫn bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương.
Đà Nẵng, một trong 10 địa phương được chọn làm thí điểm thực hiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân tại bảy quận, huyện và 45 phường. Sau hơn một năm thực hiện, thành phố đã giảm 1.341 đại biểu xuống còn 50 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp thành phố và 402 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã.
Thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, Đà Nẵng đã tiết kiệm gần 7 tỷ đồng kinh phí chi hoạt động hàng năm. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng tiết kiệm 2,5 tỷ đồng từ việc thực hiện thí điểm này.
Trước đây, khi còn Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường, một số chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phải chờ Hội đồng Nhân dân thông qua mới triển khai thực hiện. Từ khi thực hiện thí điểm, sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đối với Ủy ban Nhân dân huyện, quận và phường (thuộc quận) đã được tập trung, thông suốt từ trên xuống, rút ngắn được quy trình, thời gian giải quyết công việc, đồng thời bảo đảm tính thống nhất khi triển khai thực hiện ở các cấp.
Trong điều kiện tăng nhiệm vụ nhưng không tăng số lượng đại biểu (kiêm nhiệm, chuyên trách), biên chế giúp việc, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban của Hội đồng Nhân dân và các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực hơn so với trước thời điểm thí điểm, đã chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mới được điều chỉnh. Công tác giám sát tại kỳ họp, giám sát của các Đoàn, việc tiếp xúc cử tri được tăng cường.
Tăng thẩm quyền, trách nhiệm
Một trong những kết quả tích cực của việc thí điểm là hệ thống chính trị tại các huyện, quận, phường vẫn ổn định, không gây xáo trộn và đã có sự tăng cường phối hợp hoạt động.
Thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể Ủy ban Nhân dân và chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, quận, phường trong điều hành, phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương được nâng lên, tăng tính chủ động hơn cho Ủy ban Nhân dân huyện, quận, phường trong xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Nhân dân cấp trên; nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp trên trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, trong chỉ đạo, điều hành quản lý hành chính nhà nước và trong công tác tổ chức cán bộ; tạo thuận lợi trong công tác điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ ở địa phương.
Điều này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các huyện, quận, phường thí điểm, giúp hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định, việc sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống của nhân dân vẫn được bảo đảm thực hiện tốt.
Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định Trần Tất Tiệp cho biết hơn một năm t riển khai, tổ chức bộ máy chính quyền ở 9 huyện và 20 phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân của Nam Định đã sớm đi vào hoạt động, không bị hẫng hụt và bước đầu phát huy hiệu quả tốt.
Còn tại Đà Nẵng, chính quyền cũng đã từng bước ổn định, tiếp tục quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết nhiều vấn đề bức xúc, đảm bảo tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2010 tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2009, tổng giá trị sản xuất của các quận, huyện đều đạt trên 50% kế hoạch năm 2010 và tăng từ 9 đến 35% so với cùng kỳ.
Tại quận Thanh Khê - quận đầu tiên được thành phố tổ chức thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân các cấp, tỷ lệ hộ nghèo giảm tới 63,5% so với kế hoạch.
Thực hiện cơ chế Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp trên trực tiếp bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và ủy viên Ủy ban Nhân dân huyện, quận, phường, hơn một năm qua, 67 huyện, 32 quận, 483 phường thí điểm đã bổ nhiệm được 625 chủ tịch, 1.193 phó chủ tịch, đảm bảo số lượng thành viên Ủy ban Nhân dân cần thiết để hoạt động.
So với việc đưa ra để Hội đồng Nhân dân cùng cấp bầu như trước đây, việc thực hiện cơ chế bổ nhiệm (có thời hạn) đã hạn chế được tâm lý điều hành theo nhiệm kỳ, tạo sự tự tin, tạo động lực cho cán bộ được bổ nhiệm trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm khi giải quyết công việc được giao.
Chính quyền gần dân, dân chủ được đảm bảo
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trung ương, không còn Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện, quận, phường phải thảo luận tập thể và quyết định theo đa số nhiều chỉ tiêu quan trọng về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, về tài chính, ngân sách, đầu tư, xây dựng ở địa phương và phải tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.
Vì vậy, Ủy ban Nhân dân các huyện, quận, phường đã chú trọng thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì đầy đủ các phiên họp của Ủy ban Nhân dân, đưa ra thảo luận tập thể các vấn đề quan trọng ở địa phương, phân công rõ ràng nhiệm vụ đối với từng thành viên Ủy ban Nhân dân, t ăng cường sự tham gia, phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp trong các cuộc họp của Ủy ban Nhân dân .
Tại những nơi thí điểm, quyền làm chủ của người dân vẫn bảo đảm được phát huy thông qua các hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đại biểu Hội đồng Nhân dân xã, thị trấn, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp và qua tham gia ý kiến, phản ánh trực tiếp của người dân đến Ủy ban Nhân dân, các cơ quan, cán bộ, công chức thuộc Ủy ban Nhân dân huyện, quận, phường.
Các nội dung, hình thức công khai để dân biết, tham gia ý kiến, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thông qua việc gắn thực hiện dân chủ với cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo việc công khai minh bạch các chế độ, chính sách, việc tiếp cận thông tin của nhân dân về các hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức ngày càng được mở rộng.
Các địa phương đã chú trọng hơn đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Các huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh)… đã có sáng kiến hàng tháng tổ chức các hội nghị giao ban dư luận xã hội, hội nghị đối thoại giữa chính quyền với nhân dân.
Nhiều phường cũng đã tăng cường phân công thành viên Ủy ban Nhân dân tham gia các cuộc họp của tổ dân phố… nhằm thông báo các hoạt động của chính quyền để nhân dân biết; đồng thời lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân. Những hoạt động này đã tạo nên sự gần gũi hơn giữa chính quyền với nhân dân./.
Theo Chu Thanh Vân (TTXVN)