Chủ Nhật, 22/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Năm, 17/6/2010 21:21'(GMT+7)

Nỗi niềm cộng tác viên

Đ/c Phùng Hữu Phú, UVTW Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban TGTW phát biểu tại Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Tuyên giáo (Ảnh minh hoạ)

Đ/c Phùng Hữu Phú, UVTW Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban TGTW phát biểu tại Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Tuyên giáo (Ảnh minh hoạ)

Tôi là giáo viên dạy văn ở một trường THCS, vì yêu nghề báo nên thỉnh thoảng cũng viết tin, bài gửi tới một số cơ quan báo chí và nhiều lần được chọn đăng. Vậy là tôi có thể được gọi là Cộng tác viên rồi. Thật tự hào, nhưng cũng thật khó khăn và “lắm nỗi đoạn trường”.

Với kiến thức chuyên môn của một giáo viên văn và vốn sống nhất định, tôi có thể tự tin để viết. Nhưng viết gì đây? Tôi đã viết những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống hàng ngày. Có người bạn khuyên tôi chỉ nên viết những gì tích cực, đỡ phiền hà. Tôi cũng thấy phân vân!

Có lần, tôi viết bài phản ánh một sự việc diễn ra với chính mình khi đi xe buýt, đó là thái độ đối xử thiếu lịch sự của một nhân viên nhà xe, khiến tôi cũng như nhiều người trong chuyến xe đó rất bức xúc (ở thời điểm đó, nhà xe chưa ghi số điện thoại “đường dây nóng” trên xe buýt như hiện nay). Khi bài báo viết xong và gửi tới một tờ báo, mặc dù hy vọng, nhưng tôi cũng thấy ý kiến của chồng mình và đồng nghiệp không phải không có lý, khi cho rằng viết để giải toả nỗi “ấm ức” là chính, và có gửi đi thì cũng là để “cho vui”, chứ ai người ta “thừa đất” mà đăng tải những vấn đề “vụn vặt” đó của mình. Nhưng thật không ngờ, sau đó ít hôm, bài viết của tôi được tờ báo đó đăng tải “hoành tráng” trong chuyên mục ý kiến người dân. Tôi thật sự vui mừng và cảm thấy hạnh phúc! Lại càng bất ngờ hơn khi vài ngày sau, có cán bộ của công ty xe buýt về tận nơi tôi làm việc để cám ơn về những thông tin phản ánh trên báo chí. Đây chính là động lực khuyến khích tôi vượt qua cái sự “khởi đầu nan” để thêm tự tin và thấy yêu hơn nghề báo, mặc dù là dân “ngoại đạo”.

Nhưng lại có một khó khăn khác: Viết như thế nào? Viết ở thể loại gì… thì tôi rất lơ mơ. Vì không có kiến thức về nghiệp vụ báo chí nên tôi không nắm được viết “phóng sự” thì phải như thế nào, viết “ghi chép” thì ra sao, “đưa tin” cần chú ý những yêu cầu gì? .v.v… Tuy vậy, tôi lại nghĩ, cứ viết bằng cái tâm của mình, phản ánh đúng sự kiện, hiện tượng một cách khách quan, anh chị em biên tập chắc sẽ cảm thông mà sửa chữa giúp. Có người trong nghề nhận xét tôi viết câu chữ rõ ràng, dùng từ tương đối chuẩn, nhưng còn “sa đà” vào bình luận văn chương. Viết báo cần cô đọng, đơn giản và quan trọng nhất là phải nêu rõ được sự kiện; viết theo ngôn ngữ báo chí tránh rườm rà, suy diễn kiểu văn chương... Đọc lại những bài báo được sử dụng, so với bản thảo gốc của mình, tôi mới “vỡ” ra và học đựoc nhiều điều về nghề báo. Tôi nhận thấy: người viết báo, làm báo chân chính phải là người có tâm, có tài và chịu được áp lực công việc.

Một cái khó nữa cho những người “ngoại đạo” như chúng tôi là không nắm được những nguyên tắc, quy định cơ bản liên quan đến luật báo chí. Có lần, trong một bài viết, để tăng phần sinh động, tôi đã vào mạng internet và “coppy” một vài thông tin, số liệu từ một website đưa vào bài viết của mình. Không ngờ những thông tin, số liệu đó không có thực. Cán bộ biên tập của toà soạn - nơi tôi gửi bài - đã gọi điện thoại nhắc nhở và lưu ý tôi về việc cần phải kiểm chứng lại những thông tin trước khi sử dụng vào bài viết. Sau “sự kiện” đó tôi rút thêm ra một bài học, đó là phải có sự kiểm tra, xác minh để đảm bảo được tính khoa học, đúng đắn trước khi đưa những thông tin, số liệu của người khác vào trong bài báo của mình. Cũng từ sự nhắc nhở, lưu ý, tôi mới hiểu rằng: việc sử dụng, khai thác tư liệu của người khác mà không ghi rõ nguồn trích dẫn cũng là vi phạm vào quy định của Luật báo chí.

Thời gian đầu cầm bút viết bài cho báo chí, cũng vì không nắm rõ những nguyên tắc, quy định của việc gửi bài, nên có lần, sau khi viết bài bình luận về một bài thơ hay, tôi đã đồng thời gửi đến hai tờ báo cho “chắc ăn”. Sau đó không lâu, cả hai tờ báo đều đăng bài viết của tôi ở cùng một thời điểm. Chưa kịp mừng vì “chắc mẩm” phen này sẽ được lĩnh được nhuận bút gấp đôi (vì hai nơi trả nhuận bút một bài viết) và tưởng rằng như thế là rất “oai”, thì cán bộ toà soạn đã gọi điện nhắc nhở, phê bình tôi vi phạm về quy định khi gửi bài cộng tác. Và tất nhiên là tôi nhận khuyết điểm, nhưng thật khổ là, có ai nói cho tôi biết rằng gửi một bài viết đến nhiều cơ quan báo chí là sai nguyên tắc, quy định đâu, cứ tưởng gửi là gửi, toà soạn này không sử dụng thì toà soạn khác dùng! Sau lần ấy, được trao đổi, tôi đã “vỡ” ra nhiều điều hơn.

Một điều không thể phủ nhận là những cộng tác viên như chúng tôi đều rất nhiệt tình, ham viết, bởi ngoài chút “năng khiếu”, chúng tôi còn có sự đam mê và yêu thích công việc này. Mỗi khi có một tin, bài được sử dụng là có thêm một niềm vui mới. Bên cạnh đó, những động viên, khuyến khích từ phía toà soạn cũng khích lệ chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên, phần lớn những bài viết của cá nhân tôi với tư cách là cộng tác viên thường thiếu tính thời sự, cập nhật. Điều đó bắt nguồn từ sự rụt rè, thiếu quyết đoán của bản thân. Trước một vấn đề, sự kiện đáng lý cần phải được thông tin, phản ánh nhanh thì lại nung nấu quá “kỹ”, quá cẩn thận. Ngoài ra, cộng tác viên tự do như chúng tôi thường không phải chịu áp lực bài vở, nên thích thì viết, không “có hứng” thì thôi, có những vấn đề “gọt giũa chau chuốt” cả một thời gian dài mới cho ra đời. Bài viết vì thế mà thiếu đi tính nóng hổi, nhanh nhạy.

Lợi thế của chúng tôi là “người trong cuộc” nên những vấn đề của cơ sở, của ngành chúng tôi nắm bắt và thấu hiểu nhanh hơn, chính xác hơn so với nhà báo khi đi cơ sở cần phải mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu và thâm nhập thực tế.

Tuy vậy, cũng có những điều phàn nàn không dám nói ra. Chẳng hạn như vấn đề nhuận bút. Dù nhiều hay ít thì thù lao bài viết cũng là một trong những niềm vui và là sự động viên đối với cộng tác viên. Vẫn biết, định mức nhuận bút còn phụ thuộc vào chất lượng bài viết, điều kiện toà soạn và quy định của mỗi nơi, nhưng thật “chạnh lòng” khi một số toà soạn “chấm” thù lao cho cộng tác viên quá thấp so với công sức và tâm huyết của họ bỏ ra. Việc gửi tiền nhuận bút tới cộng tác viên cũng “đa dạng”, có toà soạn rất chu đáo, kịp thời trong vấn đề này, nhưng cũng có nơi lại không coi trọng và thường hay bị “quên”, có khi phải gọi điện “gợi ý” đến hai, ba lần mới nhận được nhuận bút một bài viết đã đăng từ rất lâu.

Hầu hết các toà soạn đều gửi trả thù lao đủ và đúng thời gian. Nhưng cũng còn một số cơ quan phải để cộng tác viên đến tận nơi, thậm chí đi lại vài lần mới gặp được người phụ trách trả nhuận bút, vì thế cảm giác phiền hà, ngại ngùng là điều khó tránh khỏi...

Làm cộng tác viên thật vui. Hơn nữa, việc viết báo đã rèn luyện cho chúng tôi những suy nghĩ, cách nhìn thấu đáo hơn trước mọi vấn đề của cuộc sống. Tôi luôn tự hào mỗi khi được anh chị em trong cơ quan gọi đùa là “Nhà báo”. Và tuyệt vời hơn cả là mỗi khi lĩnh nhuận bút mời cả cơ quan đi “khao”, có khi bù thêm tiền túi mà vẫn thấy vui vẻ, hạnh phúc!

Nghề báo không đơn giản và dễ dàng, nó đòi hỏi cái tài và cái tâm của người theo nghề. Trong cơ chế mở hiện nay, khi hàng ngày hàng giờ liên tục diễn ra những vấn đề cần được thông tin tới công chúng, ngoài những sản phẩm lao động của đội ngũ phóng viên, biên tập viên toà soạn - những nhà báo “chính quy”, thì số lượng tin, bài của cộng tác viên chúng tôi cũng góp một phần không nhỏ vào sự đa dạng, kịp thời về mặt thông tin cho báo chí. Đó là vinh dự đồng thời là trách nhiệm đối với những ai quan tâm đến đời sống tinh thần của xã hội.

Tôi luôn tự hào mỗi khi giới thiệu mình là công tác viên báo chí. Và vì tự hào nên càng phải học hỏi để khắc phục những hạn chế, phát huy những ưu điểm. Những thông tin báo chí hàng ngày vẫn đến với độc giả (báo viết), khán giả (báo hình) và thính giả (báo nói). Thật vui vì góp phần vào sự thành công và phát triển của báo chí, có chúng tôi - những Cộng tác viên./.

Diệp Nguyễn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất