Thứ Ba, 26/11/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 12/8/2012 15:40'(GMT+7)

Khắc phục bệnh chủ quan - nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông

 Thống kê mới nhất của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) cho thấy, từ đầu năm 1012 đến nay, mặc dù tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn cả nước đã giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương, tuy nhiên, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là những vụ tai nạn do xe khách gây ra khiến nhiều người chết, bị thương... Đáng chú ý, nguyên nhân chủ yếu gây ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Phân tích nguyên nhân các vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ 6 tháng đầu năm 2012, lỗi đi không đúng phần đường, làn đường chiếm 20/38 tổng số vụ TNGT, lỗi vi phạm về tốc độ là 6 vụ, lỗi vượt sai quy định là 4 vụ, phương tiện không đảm bảo an toàn là 5 vụ, lái xe không chủ ý quan sát 2 vụ, do đường là 1 vụ. Đặc biệt, trong số 38 vụ TNGT kể trên, có đến 9 vụ tai nạn do xe khách gây hậu quả nghiêm trọng (7 vụ là do xe khách tư nhân, 2 vụ là do doanh nghiệp tư nhân và HTX).

Trên thực tế, vấn đề quản lý vận tải đối với xe tư nhân và quản lý lái xe vẫn còn nhiều bất cập và đang bị buông lỏng. Sức ép về lợi nhuận khiến nhiều lái xe, chủ xe đã vi phạm các quy tắc giao thông để tranh giành khách; ép quay vòng nhanh, quay vòng liên tục gây áp lực cho lái xe dẫn tới TNGT.

Những lỗi chủ quan thường gặp nhất của người điều khiển phương tiện giao thông để xảy ra tai nạn là: cố gắng lái xe trong khi mệt mỏi, buồn ngủ. Người phóng nhanh tin vào khả năng lái xe của mình. Người nói chuyện điện thoại nghĩ mình có thể kiểm soát được tay lái... Khi tai nạn xảy ra họ có hối tiếc thì cũng đã muộn.

Theo phân tích của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trên 90% nguyên nhân của những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm đến nay là do chủ quan của người lái xe. Các biểu hiện điển hình là: xử lý tình huống không tốt, lái xe liên tục nhiều giờ nên mệt mỏi, ngủ gật, chạy quá tốc độ, lấn làn, lấn đường... Đáng lưu ý, những vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều do lái xe có kinh nghiệm gây ra. Khi cầm lái họ thường thao tác theo bản năng, tin vào kinh nghiệm lái xe của mình mà lơ là mất cảnh giác, gây TNGT.

Điển hình như vụ tai nạn mới đây vào rạng sáng 6/8 tại km 145 trên quốc lộ 1 A đoạn chạy qua địa phận Tiên Du - Bắc Ninh, chiếc đầu kéo rơ-moóc chở nhiều thanh dầm bê tông đã lao lên dải phân cách giữa đường. Toàn bộ những dầm bê tông nặng hàng chục tấn lật nhào xuống đường khiến giao thông nơi đây bị đình trệ. Một đoạn vệ đường bị chiếc xe “cày” nát. Rất may vụ tai nạn không có thương vong về người.

Theo luật sư Hoàng Hà, Đoàn Luật sư Hà Nội, các vụ xe mất lái, mất phanh thường gây tai nạn giao thông (TNGT) hết sức bất ngờ và khó lường. Tuy nhiên hầu hết nguyên nhân khiến xe mất lái, mất phanh cũng đều do lỗi chủ quan của lái xe hoặc của chủ phương tiện, do đó nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người có lỗi phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự. Việc một số lái xe bao biện như xe mất lái, mất phanh do khách quan, lái xe bị bất ngờ... là không có cơ sở thuyết phục và chỉ đúng trong một số ít trường hợp, còn lại chủ yếu do lỗi của lái xe.

Có cả những vụ tai nạn bất ngờ do lái xe nhầm lẫn chân ga, chân phanh, lỗi người lái xe dù chỉ do sơ suất cũng phải chịu trách nhiệm khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Pháp luật yêu cầu người lái xe phải kiểm tra, bảo dưỡng xe theo định kỳ, bảo đảm an toàn kỹ thuật khi lưu thông. Nếu lái xe thiếu kiểm tra, bảo dưỡng để xe không đảm bảo các điều kiện an toàn cũng phải chịu trách nhiệm nếu để gây hậu quả.

Một chi tiết đáng lưu ý là những vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra vào khoảng thời gian chiều tối đến rạng sáng. Đây là thời điểm có ít lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường.

Chính vì vậy, để hạn chế được tình trạng TNGT, một trong những vấn đề quan trọng là phải nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người lái xe, nhất là lái xe tải, xe khách, xe conterner…, những đối tượng chủ yếu gây tai nạn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nếu việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe sớm được triển khai có hiệu quả thực tế cũng là cơ sở quan trọng giám sát người lái xe trong việc chấp hành tốt các quy định của luật giao thông. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, lực lượng CSGT toàn quốc cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, sử dụng triệt để các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để giám sát và phát hiện vi phạm trật tự giao thông trên đường./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất