“Mỗi Đảng viên tốt, mỗi chi bộ tốt là Đảng được mạnh thêm một phần; đảng viên kém, chi bộ kém là những khâu yếu của Đảng. Điều đó nói chung là đúng, nói riêng với các chi bộ ở các cơ quan chung quanh Trung ương càng đúng”.
Năm 1961, khi đến nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ các cơ quan Chính - Dân - Đảng (tiền thân của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mỗi Đảng viên tốt, mỗi chi bộ tốt là Đảng được mạnh thêm một phần; đảng viên kém, chi bộ kém là những khâu yếu của Đảng. Điều đó nói chung là đúng, nói riêng với các chi bộ ở các cơ quan chung quanh Trung ương càng đúng”. Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị "về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" - thấm nhuần lời dạy của Bác và cũng nhằm thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã thống nhất chọn khâu đột phá là “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” - một giải pháp trong nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng.
Nghị quyết số 01 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” đã thẳng thắn nêu rõ: Một số cấp ủy, chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ, lúng túng trong việc sinh hoạt chuyên đề, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chưa cao, nội dung sinh hoạt còn đơn điệu, mang tính hình thức, thiếu tính hấp dẫn, nặng về kiểm điểm thực hiện công tác chuyên môn. Ở một số chi bộ và cấp ủy, tính giáo dục, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt còn yếu; sự đoàn kết, tình thân ái và thương yêu đồng chí bị giảm sút; cấp ủy chưa thông qua sinh hoạt chi bộ để nắm tình hình và diễn biến tư tưởng, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đảng viên; chi bộ chưa thực hiện tốt vai trò là nơi lãnh đạo, giáo dục, quản lý, giám sát và rèn luyện đội ngũ đảng viên.
Mục đích của Nghị quyết số 01 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” là làm cho các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí quan trọng của tổ chức cơ sở đảng và của chi bộ; ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nói về những giải pháp cụ thể để triển khai Nghị quyết nêu trên, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho biết: Trước hết, các cấp ủy, mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý cần nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm nền nếp sinh hoạt chi bộ. Chi ủy phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị bố trí thời gian, công việc hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ. Với các đảng viên công tác trong lĩnh vực đặc thù, thường xuyên đi công tác, hoặc lưu trú dài ngày ở địa phương, nước ngoài thì thành lập chi bộ lâm thời nếu đủ điều kiện, hoặc chuyển sinh hoạt tạm thời đến tổ chức đảng mà đảng viên đó có thể tham gia sinh hoạt. Trong sinh hoạt chi bộ cần thực hiện đúng các nguyên tắc của Đảng, phát huy dân chủ để đảng viên thể hiện chính kiến và bộc lộ tâm tư, nguyện vọng của mình; khuyến khích đảng viên tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của đảng viên. Chi ủy, chi bộ phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến chính đáng của đảng viên và quần chúng, tạo điều kiện cho đảng viên và quần chúng giám sát hoạt động của chi bộ, chi ủy.
Theo đồng chí Đào Ngọc Dung, một trong những biện pháp thiết yếu để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là phải đổi mới nội dung, khắc phục tính hình thức trong sinh hoạt chi bộ. Trước mỗi kỳ sinh hoạt, các ban chi ủy chuẩn bị kỹ nội dung, ngắn gọn, rõ ràng; tập trung bàn để lãnh đạo và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, nhất là những vấn đề bức xúc, tồn đọng trong cơ quan, đơn vị. Trong lãnh đạo chuyên môn, chi bộ tập trung bàn và định hướng tổ chức thực hiện, động viên tinh thần trách nhiệm ý thức tiền phong, gương mẫu của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh sinh hoạt chi bộ định kỳ, các chi bộ tăng cường hình thức sinh hoạt chuyên đề, mỗi quý một lần. Nội dung sinh hoạt chuyên đề tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan đang thực hiện, vấn đề đông đảo đảng viên trong chi bộ quan tâm. Cùng với đổi mới nội dung, các chi bộ chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt chi bộ, gắn sinh hoạt chi bộ với sinh hoạt chính trị, sinh hoạt truyền thống, tham quan, dã ngoại tại các khu di tích lịch sử...
Thực tế là, chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc chất lượng sinh hoạt chi ủy và cách điều hành sinh hoạt của bí thư chi bộ. Do đó, bí thư chi bộ cùng chi ủy cần chủ động chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt, thông báo trước nội dung, địa điểm, thời gian để đảng viên tham gia và chuẩn bị ý kiến phát biểu. Điều hành sinh hoạt chi bộ phải phát huy dân chủ, tạo không khí cởi mở, chân thành để đảng viên trao đổi, thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, để các nghị quyết, nội dung chỉ đạo của chi bộ mới thật sự là trí tuệ của tập thể.
Một vấn đề hết sức bức thiết mà Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đang ráo riết tiến hành, đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với đảng viên. Mỗi chi ủy phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để kiểm tra, giám sát đảng viên và đảng viên tham gia kiểm tra, giám sát chi ủy. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những biểu hiện tiêu cực, những vấn đề cần phải uốn nắn. Bên cạnh đó, thường xuyên kiện toàn tổ chức, quan tâm chăm lo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ bí thư chi bộ và cấp ủy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Hằng năm, đảng bộ cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá chất lượng đảng viên và các chi bộ trực thuộc; kịp thời khen thưởng chi bộ trong sạch vững mạnh, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Định kỳ tổ chức gặp mặt, biểu dương bí thư chi bộ tiêu biểu, chi bộ tiêu biểu gắn với chi bộ trong sạch vững mạnh; tăng cường giao lưu giữa các chi bộ để trao đổi kinh nghiệm công tác... giúp bí thư chi bộ và chi ủy nâng cao năng lực điều hành, tổ chức các hoạt động của chi bộ. Đặc biệt là phải khách quan, phân tích đúng chất lượng trong xếp loại chi bộ hằng năm, khắc phục tính hình thức và xem việc duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một tiêu chí quan trọng để phân loại chi bộ…
Vừa qua, lần đầu tiên Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương tổ chức tuyên dương 500 đồng chí bí thư chi bộ tiêu biểu trong toàn Khối. Đây là một việc làm có ý nghĩa hết sức thiết thực, nhằm khích lệ, động viên các đồng chí bí thư chi bộ trong toàn Đảng bộ tiếp tục cống hiến, phấn đấu góp phần xây dựng, gìn giữ và phát triển tổ chức trong các cơ quan, đơn vị. Mặt khác, tạo điều kiện để các chi bộ thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
(Hồng Thạnh/QĐND)