Thứ Năm, 24/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 14/5/2012 22:19'(GMT+7)

Tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên

(Hình minh hoạ)

(Hình minh hoạ)

Một trong những nội dung quan trọng đã được Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 14-5-2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nêu rõ là: “Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên”. Một trong những vấn đề cấp bách cũng được Đảng ta xác định trong các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng là: “Cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời”. 

Không phải ngẫu nhiên mà Đảng ta nhấn mạnh giải pháp coi trọng sự giám sát của nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên và yêu cầu cán bộ chủ chốt, cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Vì trên thực tế, bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên vẫn gắn bó với nhân dân, tôn trọng ý kiến nhân dân,  thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn có biểu hiện xa dân, sống xa hoa, cách biệt với cuộc sống đạm bạc, bình dị của phần lớn người dân lao động. Một số cán bộ tác phong quan liêu, cửa quyền, không thường xuyên gần gũi tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, tình cảm của bà con, không tham gia sinh hoạt với đảng bộ, chi bộ nơi cư trú. 

Sinh thời, Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về tác phong gần dân, trọng dân. Mỗi khi Bác đến thăm các nhà máy, nông trường, bệnh viện, đơn vị bộ đội, Người thường hay đến ngay các bếp ăn, phòng ngủ, chỗ tắm giặt, thậm chí có lúc kiểm tra cả nhà vệ sinh ở nơi đó. Với tác phong sâu sát như vậy, Bác đã biết được điều kiện thực tế về ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh của công nhân, nông dân, thầy thuốc, bộ đội để nhắc nhở cán bộ cần chú trọng chăm lo đời sống những người lao động ngày càng tốt hơn. Bác đã nhắc lại nhiều lần rằng, chỉ có gần dân, thương dân thì cán bộ, đảng viên mới hiểu được lòng dân. Ngược lại, nếu cán bộ sống xa dân, không thường xuyên gần gũi, sâu sát với cơ sở, không coi trọng nhân dân trong suy nghĩ, việc làm thì tự biến mình thành “ông quan cách mạng” quan liêu, xa rời quần chúng. Cách đây 65 năm, sau khi nước ta mới giành độc lập, trong thư “Gửi các đồng chí Bắc Bộ” (ngày 1-3-1947), Bác Hồ đã cảnh báo một bộ phận cán bộ, đảng viên: “Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng thì ra vẻ quan cách mạng, làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng”, “bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đoàn thể xa nhân dân”. 

Muốn không xa dân, quan liêu, hách dịch, một trong những phương thuốc “đặc trị” hữu hiệu nhất, theo Bác Hồ, là phải tăng cường vai trò giám sát của nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng nói chung, đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng. Người nói: “Kiểm soát khéo bao nhiêu, khuyết điểm lòi ra hết”. Bên cạnh việc phát huy vai trò đôn đốc, kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, Bác cũng lưu ý các cấp lãnh đạo và đảng viên phải khơi dậy, khai thác sức mạnh của quần chúng trong việc giám sát. Người cho rằng: “Mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra”, đồng thời muốn giám sát có hiệu quả thì phải: “Làm từ dưới lên, tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cách sửa chữa sai lầm đó”. Mục đích cao nhất của việc động viên, khuyến khích nhân dân tham gia kiểm soát, giám sát mọi công việc của Đảng, theo Bác, là thiết thực góp phần nâng cao dân trí, “mở rộng dân quyền”, qua đó thường xuyên củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ra đời trong hoàn cảnh nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu và nguy cơ tham nhũng, sự suy thoái nghiêm trọng về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên khiến lòng tin của nhân dân vào Đảng bị giảm sút. Do vậy, để góp phần thực hiện tốt chỉ thị và nghị quyết này, lại càng cần phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, phương thức như Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh đối thoại, các hình thức góp ý... để phát huy vai trò quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng nói chung, trong việc giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng; xây dựng cơ chế, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nhân dân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị chính đáng của mình trong việc phê bình tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những ý kiến chân thành, thẳng thắn, chính xác của người dân phải được cán bộ, đảng viên lắng nghe, tiếp thu một cách nghiêm túc và tìm biện pháp khắc phục triệt để; đồng thời ngăn ngừa mọi biểu hiện thành kiến, trù dập người dân khi có ý kiến phê bình đúng đắn.

Sau khi tổ chức các đợt tự phê bình và phê bình cần có hình thức thích hợp để thông tin công khai, rộng rãi về kết quả tự phê bình và phê bình để nhân dân giám sát. Không nên coi đây là “việc nội bộ, nhạy cảm”, vì kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, công tác chỉnh đốn Đảng nói chung, việc tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên nói riêng chỉ có chuyển biến tích cực, rõ nét nếu phát huy được vai trò, trách nhiệm giám sát chặt chẽ của nhân dân…

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, trong những lúc khó khăn, trước những bước ngoặt lịch sử, nếu Đảng thực sự lấy nhân dân làm điểm tựa, tôn trọng lắng nghe và chân thành tiếp thu những ý kiến đóng góp thẳng thắn, cởi mở, thiện chí của nhân dân, thì mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân càng được củng cố và tình cảm, niềm tin của nhân dân dành cho Đảng càng được nhân lên./.

(Thiện Văn/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất