Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 6/7/2009 21:41'(GMT+7)

Khai “mỏ vàng” thông tin

Thảo luận Luật tiếp cận Thông tin

Thảo luận Luật tiếp cận Thông tin

Dự thảo luật đưa ra danh mục cụ thể những thông tin bắt buộc phải công khai rộng rãi cho mọi người dân được biết, từ vĩ mô (như tình hình quản lý, sử dụng ngân sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương, ngành…) cho đến những thông tin gần gũi và thiết thực với cuộc sống người dân như về quy hoạch, kế hoạch sử dụng, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, các dự án đầu tư công…

Như chính một cán bộ của Bộ Tư pháp thừa nhận, khả năng được tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế so với nhiều nước trên thế giới. Quả thực, nếu Luật Tiếp cận thông tin được thiết kế tốt và được thực thi nghiêm túc, có thể coi như người dân và doanh nghiệp sẽ được mở cửa một “mỏ vàng” - thông tin. Trong cuốn sách nổi tiếng “Chiếc Lexus và cây ô-liu”, tác giả Thomas Friedman cũng khẳng định, ưu thế thông tin chiếm phần quyết định hàng đầu trong thành công của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều khiến cho dư luận quan tâm nhiều hơn lại là loại thông tin mà tổ chức, cá nhân không được tiếp cận hay chỉ được cung cấp có điều kiện. Liệu có tình trạng tùy tiện đóng dấu “mật” lên những thông tin mà người dân thì lại nóng lòng muốn biết nhưng cơ quan có thẩm quyền lại muốn “giấu”. Hoặc những ai đó trong bộ máy công quyền muốn giữ riêng để trục lợi? Điều này không phải đã không từng xảy ra và cũng không phải chỉ là trường hợp hãn hữu.

Bên cạnh đó, thời hạn trả lời của cơ quan chức năng đã được quy định trong dự thảo luật. Trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày từ khi nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan chức năng phải thông báo cho người dân về quyết định chấp nhận hay từ chối cung cấp. Nếu chấp nhận, trong vòng 7 ngày sau phải cho người dân tiếp cận thông tin (trường hợp miễn thu phí). Nếu không có thông tin thì phải trả lời cho người dân trong 5 ngày làm việc từ khi nhận yêu cầu. Thế nhưng, ai cũng biết, thời hạn đưa ra hiện nay trong nhiều văn bản pháp quy chỉ mới là… mơ ước! Không có chế tài (và đầu mối chịu trách nhiệm rõ ràng), e là trong nhiều trường hợp người dân sẽ phải nghe câu trả lời: “hãy đợi đấy”, nhất là khi cái họ chờ đợi là một thứ vô hình – thông tin; chưa có cháy nhà, không có chết người, khó lượng định hư hao tổn thất vì không có thông tin kịp thời!

Còn nữa, một loạt công việc mà trước đây các cơ quan nhà nước chưa làm, tới đây sẽ phải làm. Ví như cho dù đã có sẵn thông tin, ai sẽ xử lý nó trước khi cung cấp được cho người dân, ai có trách nhiệm tiếp dân, chuẩn bị văn bản? Một khi người dân có nhu cầu tiếp cận thông tin mà nhu cầu đó bị lờ đi một cách cố tình thì xử lý như thế nào? Một số nước giao việc xử lý khiếu nại liên quan đến cung cấp thông tin cho các cơ quan tài phán thuộc hệ thống hành chính và cuối cùng là các cơ quan tư pháp, tòa án. Đây là quy định cần thiết vì nếu không luật sẽ không phát huy được tác dụng. Như vậy, cũng sẽ làm xuất hiện thêm một loạt công việc mới cho các cơ quan tư pháp, cho hệ thống tòa án. Tuy nhiên, để người dân thực hiện được quyền tiếp cận thông tin – đã được quy định trong Hiến pháp – có lẽ các cơ quan nhà nước không có cách nào khác là phải gánh thêm một khối lượng công việc, thậm chí có thể một số phiền phức, nhất là trong quá trình luật mới đi vào vận hành.

Từ kinh nghiệm làm việc tại hàng chục quốc gia trên thế giới, một phóng viên hãng thông tấn lớn nhận xét chí lý: “Ở bất cứ nước nào, việc tiếp cận thông tin đều là thách thức. Một văn bản luật về tiếp cận thông tin là hết sức cần thiết, nhưng cần được thiết kế thật rõ ràng để không bị ai đó thay vì dùng nó để “mở cửa” thì lại đi “dựng rào”…

Anh Thư (SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất