Về chữ đức, Bác Hồ từng dạy chúng ta rằng, một cán bộ giỏi là một cán bộ vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc. Bác viết: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì” (1).
Đối với nhà báo cũng vậy. Đạo đức của người làm báo phải được đặt lên hàng đầu. Đạo đức ấy không chỉ hạn hẹp trong một số phẩm chất có liên quan đến cách sống, lối sống, trong mối quan hệ giữa người này với người khác, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp. Đạo đức ấy trước hết được xem xét ở góc độ quan hệ với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc và nhân dân. Với quan niệm báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng, Bác Hồ chỉ rõ rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (ngay 8-9-1962), Người nói: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Và: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, hơn nửa thế kỷ qua, báo chí cách mạng của ta nói chung, và những người làm báo nói cụ thể, đã không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức báo chí. Nhờ đó, đã phát huy được vị trí, vai trò và tác dụng của báo chí trong sự nghiệp chung.
Gần mười lăm năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và thực hành trong nội bộ Hội một bản “Quy ước về đạo đức báo chí Việt Nam”, sau đó đổi thành “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” (ngày 3-8-2005).
Theo bản Quy định này, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam trước hết là: Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Tiếp đến, đó là: Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật. Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội. Đó còn là: Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin. Tôn trọng, đoàn kết hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ. Giữ gìn và phát huy văn hoá dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hoá khác.
Nhấn mạnh đạo đức người làm báo là để nói rõ vai trò của đạo đức trong việc hình thành nhân cách của người làm báo chứ tuyệt nhiên không vì thế mà phủ định tài năng của nhà báo. Bởi lẽ tài năng và đạo đức là hai thành tố hữu cơ, thiếu một thì không thể tạo nên nhà báo giỏi.
Về chữ tài. Tài năng của nhà báo thể hiện chủ yếu trên ba lĩnh vực: năng lực nắm bắt lý luận cách mạng, hiểu biết đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; năng lực nắm bắt thực tiễn, đi sâu vào cuộc sống, phát hiện những vấn đề của cuộc sống xã hội và con người; năng lực sử dụng nghiệp vụ để viết nên những bài báo hay, hấp dẫn người đọc, có giá trị phản ánh và chỉ đạo thực tiễn. Nếu hiểu năng lực một cách toàn diện như vậy thì sẽ thấy chữ “tài” không đối lập với chữ “đức”.
Ở hai loại năng lực thứ nhất và thứ hai, tài và đức cộng sinh và cộng hưởng với nhau. Nắm bắt được lý luận cách mạng, đường lối và chính sách cách mạng, lại đi sâu vào cuộc sống để phản ánh cuộc sống thì làm sao không có lòng tận tuỵ phục vụ cách mạng, làm sao mà sa vào chủ nghĩa quan liêu, xa dân?
Còn loại năng lực thứ ba, năng lực nghiệp vụ, thì xét về một mặt nào đó lại có ý nghĩa rất quyết định, bởi nếu nhà báo thực sự có đạo đức mà không có hiểu biết nghiệp vụ, có hồng mà không có chuyên thì làm sao có thể cho ra đời những sản phẩm báo chí có chất lượng? Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều lần nói chuyện khác nhau với các nhà báo, Bác Hồ trước hết nói về vai trò của báo chí là một mặt trận và nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận ấy; nói về mục đích viết, viết cho ai, viết cái gì; tiếp đó, Bác nói rất kỹ về viết như thế nào, cách lấy tài liệu ra sao, cách viết phải như thế nào, cần làm gì, cần tránh gì, rồi đến cách Bác học tập làm báo khi còn ở Pa-ri. Đó là những bài học sâu sắc về nghiệp vụ. Sự cường điệu năng lực nghiệp vụ, coi đó là năng lực duy nhất thể hiện chữ tài của người làm báo hoặc ngược lại, coi nhẹ nghiệp vụ và sự rèn luyện nghiêm túc về nghiệp vụ của nhà báo đều là sai lầm.
Về sự rèn luyện: Đức và tài của nhà báo không phải tự trên trời rơi xuống. Đó là kết quả của một quá trình phấn đấu gian khổ, bao gồm cả hai mặt: đào tạo, bồi dưỡng của các trường chuyên nghiệp, cơ quan báo chí và sự tự rèn luyện của nhà báo.
Trong hệ thống tổ chức đào tạo báo chí của ta hiện nay, các chương trình đào tạo đều chú ý cả hai mặt Đức và Tài, chú trọng vừa kiến thức chính trị, tư tưởng và văn hoá, vừa cả nghiệp kỹ thuật, kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ. Đã dạy nhiều thể loại báo chí cho những loại hình báo chí khác nhau với những đối tượng nhà báo khác nhau.
Nhiều năm qua, với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng rộng và sâu, báo chí nước ta đã giao lưu và hợp tác ngày càng nhiều với báo chí nước ngoài, đã mở rộng nhiều cuộc thăm và trao đổi về nghiệp vụ với các hội nhà báo và với báo chí nhiều nước, đã cử nhiều nhà báo ra nước ngoài học tập về nghiệp vụ và mời chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy ở nước ta. Không chỉ báo viết mà cả báo nói và báo hình, đặc biệt là báo mạng thì phát triển rất nhanh. Cách thể hiện trên báo chí, kiểu đưa tin và viết bình luận, kỹ xảo phát thanh và truyền hình đã có nhiều sắc thái mới, phong phú và sinh động hơn về cả nội dung và hình thức. Đó là một cách đào tạo đúng về nghiệp vụ, giúp cho các nhà báo luyện tài.
Có một sự thật là trong các lớp nhà báo của chúng ta được hình thành từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, lớp càng về trước càng ít được đào tạo từ các trường chính quy về báo chí. Lớp trẻ càng về sau càng được đào tạo nhiều hơn, cả chính quy và không chính quy. Dẫu sao, nhìn một cách tổng thể, đào tạo chỉ có ý nghĩa lớn trong việc cung cấp nền tảng và vốn liếng ban đầu để làm báo, còn muốn trở thành nhà báo giỏi, nhất thiết phải kinh qua thường xuyên tự học tập, tự rèn luyện. Có thể nói những nhà báo có tên tuổi nhất trong làng báo Việt Nam qua các thời kỳ trước đây phần lớn là do tự rèn luyện.
Quá trình tự học tập, tự rèn luyện là một quá trình phấn đấu bền bỉ để vượt qua chính mình. Chủ quan, tự mãn, tự cho mình là giỏi rồi, cứ thế mà múa bút, không cần học hành gì nữa thì không thể viết giỏi được, có khi giỏi rồi mà ngòi bút vẫn sẽ cùn dần đi. Học có nhiều cách, học lý luận, học nghiệp vụ, học cách viết, cách thể hiện của người đi trước và của cả bạn mình, người đi sau mình, học qua thực tiễn và kinh nghiệm công tác, học qua việc đọc các sách báo. Học suốt đời, còn một ngày làm báo là còn một ngày học. Tri thức cách mạng, tri thức xã hội là vô tận. Tri thức nghề nghiệp báo chí không ngừng phát triển. Một ngày không học, không rèn luyện tay nghề là một ngày lạc hậu./.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2002, t5, tr 252 - 253
Hà Đăng
(Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)