(TCTG) - 50 tiết mục xuất sắc tham gia Liên hoan múa không chuyên 2009 đã được Ban tổ chức trao giải, trong đó có 25 Huy chương Vàng, 25 Huy chương Bạc. Ban tổ chức cũng tặng giấy khen cho 10 tiết mục có chất lượng tốt tham dự Liên hoan. Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho 18 đơn vị tham gia liên hoan. Lễ tổng kết liên hoan và trao giải liên hoan được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 27/8.
Liên hoan Múa không chuyên 2009- là một hoạt động do Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch tổ chức chào mừng Quốc khánh 2/9. Liên hoan diễn ra trong hai ngày 25 và 26/7 tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá- Nghệ thuật Việt Nam (số 2- Hoa Lư- Hà Nội), mang đến cho khán giả Thủ đô những tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc của các vùng miền trong cả nước, từ các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, đến vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, suốt dọc Miền Trung, Tây Nguyên tới miền Tây Nam Bộ…
Tham gia Liên hoan có khoảng 400 diễn viên múa không chuyên của 18 đoàn nghệ thuật quần chúng, đại diện cho các vùng, miền trong cả nước và một số bộ, ngành tham gia. Các đoàn đã mang tới Liên hoan 58 tiết mục, mỗi tiết mục đều được chuẩn bị và luyện tập nghiêm túc. Nhìn chung, các tác phẩm đã có bước tiến về chất lượng nghệ thuật trong kỹ thuật biên đạo. Một số tác phẩm có tính nghệ thuật cao đòi hỏi các diễn viên phải có trình độ diễn xuất và năng lực múa tốt như : Đồng đội (Đoàn Hà Nội), Kông Co (đoàn Đắk Lắk), Vòng xoáy, Hoa xương rồng đỏ (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cùng nhiều tiết mục của các đoàn khác. Các tác phẩm múa của các địa phương đã thể hiện rõ nét đặc trưng văn hoá của từng dân tộc, từng vùng, miền.
|
|
Tiết mục "Dệt lụa đêm trăng" - Đoàn Cần Thơ |
Tiết mục "Hương sen" - Đoàn Đồng Tháp |
Phát biểu tổng kết cuộc thi, Nghệ sĩ nhân dân Chu Thuý Quỳnh- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam- Trưởng Ban Giám khảo của cuộc thi nhận xét: "Các tiết mục trong chương trình đã được dàn dựng công phu. Từ ý tưởng, biên đạo, diễn viên đến trang phục, đạo cụ… nhìn chung về chất lượng nghệ thuật múa đã có những bước đột biến. Điều đáng nói là buổi biểu diễn đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Khái niệm "nghiệp dư" đã thực sự thay đổi trong suy nghĩ của mọi người, thay vào đó là sự cảm tình của công chúng đối với nghệ thuật múa, thấy được sự hấp dẫn của môn nghệ thuật này. Nhiều biên đạo của các đơn vị đã được tập huấn nâng cao về chuyên môn nên các tiết mục đã thể hiện được nhiều sáng tạo".
Tại cuộc thi đã xuất hiện nhiều gương mặt diễn viên có khả năng diễn xuất tốt, kỹ thuật kỹ xảo khá, làm tăng sự thành công của chương trình. Từ những tiết mục múa đơn, múa đôi, đến múa tập thể, mỗi đơn vị đều có những tập thể diễn viên trẻ trung, xinh đẹp và biểu diễn nhiệt tình, cuốn hút người xem.
Về âm nhạc trong các tác phẩm múa, các tác giả viết công phu, phong phú, có nhiều màu sắc về chất liệu nhạc dân gian dân tộc. Có những tác phẩm viết hay và có sức truyền cảm cao như nhạc của các tiết mục Đồng đội của đoàn Hà Nội, Dệt lụa đêm trăng của đoàn Cần Thơ. Tuy nhiên, âm nhạc của một số tiết mục còn đơn điệu. Một số tác giả sử dụng quá nhiều tiếng động và tiết tấu trong tác phẩm.
Đây là lần thứ hai Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan múa không chuyên. Liên hoan múa không chuyên lần thứ nhất tổ chức năm 2007 với trên 60 tiết mục của 20 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ các địa phương đã thể hiện đậm đặc những nét văn hoá tiêu biểu, đặc sắc của các vùng miền.
Các Liên hoan múa không chuyên là hoạt động văn hoá có ý nghĩa, góp phần giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật múa, qua đó định hướng cho sự phát triển của nghệ thuật múa trong phon trao văn hoá văn nghệ quần chúng, góp thêm tiếng nói của nghệ thuật múa trong đời sống,
Mỗi liên hoan giúp cho khán giả khám phá mới về tiềm năng nghệ thuật múa trong đời sống cộng đồng ./.
Trường Thành