PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG CỘNG ĐỒNG
Huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 46,6% dân số. Những năm qua, địa phương đã thực hiện hiệu quả các chính sách nhằm phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS, góp phần xây dựng huyện nhà phát triển.
Ông Siu Luynh-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: Toàn huyện có 73 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó có 43 làng DTTS. Thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong vùng DTTS theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã triển khai đầy đủ các quy định về tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn, thủ tục công nhận, rà soát, đánh giá, xét và đề nghị cấp thẩm quyền công nhận người có uy tín. Cùng với đó, các chế độ chính sách đối với người có uy tín được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng chế độ".
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và cấp cơ sở chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt là già làng, người có uy tín, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào DTTS ở cộng đồng dân cư. Theo ông Hồ Trung Kiên-Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện: “Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, lựa chọn và đề nghị cấp thẩm quyền công nhận người có uy tín của các làng DTTS trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2027. Đồng thời, chỉ đạo MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động, tác động của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhằm xây dựng và củng cố đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thăm và tặng quà dịp lễ, Tết, gặp mặt định kỳ, biểu dương khen thưởng, động viên tinh thần. Qua đó, đội ngũ người có uy tín làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng ở vùng đồng bào DTTS trên các lĩnh vực”.
Với cách làm đó, đội ngũ người có uy tín gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động do MTTQ và các đoàn thể triển khai. Tiêu biểu như ông Ksor Yêk ở làng Chan xã Ia Pnôn, ông Rơ Mah Dê làng Ngol Rông xã Ia Krêl… đã tích cực cùng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trực tiếp tham gia công tác giáo dục, cảm hóa đối tượng tại cộng đồng, hòa giải các vụ mâu thuẫn, góp phần ổn định tình hình ngay tại khu dân cư.
Còn ông Rơ Mah Mrao (làng Poong, xã Ia Dơk) nhiều năm qua là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS. Ông đã tích cực tham gia sinh hoạt với các chi hội đoàn thể, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông cùng với hệ thống chính trị cơ sở đã tổ chức nhiều đợt phát động quần chúng với hơn 2.000 lượt người tham gia, vận động bà con xóa bỏ hủ tục “ma lai”, “thuốc thư”, không nghe theo luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, không vượt biên.
Nhiều năm qua, ông Rơ Châm Míu (làng Nú, xã Ia Nan) tham gia làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, thành viên Câu lạc bộ Sản xuất kinh doanh giỏi, Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, tổ tự quản. “Được dân làng và chính quyền địa phương tín nhiệm, tôi thấy trách nhiệm của mình là phải tích cực vận động đồng bào theo tôn giáo chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng Nú ngày càng phát triển”-ông Rơ Châm Míu bộc bạch.
Ông Siu Thil-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ: “Những người uy tín có tầm ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng, có khả năng tập hợp, thuyết phục, vận động quần chúng, góp phần giải quyết các vấn đề phức tạp ở cơ sở. Đặc biệt, họ chính là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là chỗ dựa tinh thần cho các làng đồng bào các DTTS, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn huyện biên giới”.
Với đặc thù huyện biên giới, chính quyền và MTTQ Việt Nam các cấp của huyện Đức Cơ đã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước và thực hiện công tác đối ngoại nhân dân của MTTQ Việt Nam theo tinh thần các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
3 xã chung đường biên giới (Ia Nan, Ia Pnôn, Ia Dom) tăng cường các hoạt động đối ngoại nhân dân, phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa 2 dân tộc Việt Nam-Campuchia vùng biên giới, cũng như quan tâm xây dựng và phát huy lực lượng nòng cốt là các già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS.
|
Tại xã Ia Dom, với vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận, ông ông Siu Suil đã phối hợp với các ngành chức năng và đồn biên phòng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh biên giới. Năm 2023, ông đã phối hợp tổ chức nhiều buổi phát động quần chúng với hàng ngàn lượt người tham gia. Các buổi phát động, ông vận động bà con có nương rẫy giáp đường biên tham gia tự quản cột mốc biên giới, phòng-chống tội phạm, cảnh giác trước những lời xúi giục của kẻ xấu, không vượt biên, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC VÀ GIỮ GÌN AN NINH TRẬT TỰ XÃ HỘI TRONG CỘNG ĐỒNG
Trong những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ngọc Hồi tỉnh Kom Tum đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng. Trên lĩnh vực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, giữ gìn quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội, người có uy tín là những người am hiểu thực tiễn địa phương và phong tục tập quán, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương đã mang lại hiệu quả rất thiết thực.
Trong tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm và tranh thủ người có uy tín để cung cấp thông tin, hướng dẫn và đề xuất một số nhiệm vụ cho người có uy tín để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương; kết quả đã làm chuyển biến nhận thức đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh, công tác xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, định hướng cho bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế; phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo. Người uy tín đã tích cực phối hợp, đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất; vận động đồng bào dân tộc ở các thôn tích cực trong sản xuất. Điểm hình có nhiều gia đình người có uy tín đã áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại, không những cho gia đình mình thoát nghèo mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, giúp nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo làm giàu.
Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đội ngũ người uy tín tích cực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, mặt trận đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia đi đầu trong hưởng ứng, thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện có 05 xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để nhân dân tham gia đóng góp vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và cùng chính quyền địa phương vận động, tổ chức thực hiện; trong đó ý kiến người uy tín được quan tâm và đề cao vai trò tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện. Người có uy tín đã tích cực tham gia và vận động Nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền ở cơ sở như thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia xây dựng các quy ước, hương ước thôn, làng. Bên cạnh đó, người có uy tín vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc, đoàn kết tôn trọng giúp đỡ nhau, kết quả tình đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.
Trong giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội: Trong giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, lực lượng công an, biên phòng đã trực tiếp vận động, tranh thủ người có uy tín tuyên truyền vận động nhân dân trực tiếp tham gia thực hiện phong trào gìn giữ an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Người uy tín đã tích cực tham gia, vận động người dân trên địa bàn xây dựng, triển khai nhiều mô hình thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, như mô hình: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng, khu vực biên giới”, “Quản lý, giáo dục con em không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, “Tự quản trong dòng họ”, “Đấu tranh với hoạt động truyền đạo trái pháp luật”, “Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc”... Các tổ hoà giải, tự quản thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng ở địa phương tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh biên giới, giữ gìn an ninh trật tự tại các thôn, làng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Việc giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp; bài trừ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thời gian qua cùng với việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5, Khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều đề án bảo tồn văn hóa truyền thống của tỉnh được ban hành. Người có uy tín luôn có ý thức và nhắc nhở các thế hệ phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, tạo cho thế hệ trẻ có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát triển những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.
Thế Dương