THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO
Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam Bộ với 41 thành phần dân tộc, trong đó, dân tộc Khmer có 21.239 người, chiếm 2,05% dân số toàn tỉnh và chiếm 10,43% dân số dân tộc thiểu số (DTTS).
Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc trong tình hình mới; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc phối hợp cùng các ngành có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch hoặc quán triệt, triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể. Kết quả, toàn tỉnh đã quán triệt, triển khai trong đảng viên được 226 cuộc, với 5.936 đảng viên dự; trong đoàn viên, hội viên và nhân dân được 3.517 cuộc, với gần 90.000 người dự.
Thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Bình Phước luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đời sống của đồng bào Khmer nhằm đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc, không có sự phân biệt đối xử trong thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án ở vùng dân tộc. Đồng bào dân tộc Khmer thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất để nâng cao đời sống, vật chất tinh thần thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương.
Ngoài các chính sách dân tộc nói chung của cả nước, tỉnh Bình Phước còn cân đối, tập trung nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Cụ thể như: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1261-QĐ/TU ngày 28/2/2019 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào DTTS của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 168-KH/TU ngày 08/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao chỉ tiêu cụ thể xóa 1.000 hộ nghèo DTTS. Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách đặc thù, ưu tiên triển khai, thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án phát triển vùng DTTS nhằm phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.
Thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương và địa phương, tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách ưu đãi cho đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần giải quyết cơ bản các vấn đề về cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, việc thiếu nước sinh hoạt, thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt tối thiểu; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tạo sự thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn. Toàn tỉnh có 73/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới (66 xã có quyết định công nhận, 7 xã đang hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận), trong đó có 38 xã vùng DTTS và miền núi.
Số xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi (trong đó có đồng bào dân tộc Khmer) giảm mạnh. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 9 xã Khu vực III, 51 thôn đặc biệt khó khăn, thì đến nay tỉnh chỉ còn 5 xã Khu vực III (1 xã mới được công nhận hoàn thành mục tiêu Nông thôn mới) và 25 thôn đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 24,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2018 lên 34,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2023.
Công tác giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo là đồng bào DTTS trong đó có người Khmer đã được chú trọng và triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Từ năm 2016-2018, tỷ lệ giảm hộ nghèo DTTS hằng năm thấp, mỗi năm giảm 1,15%, chỉ đạt 57,5% so với kế hoạch (chỉ tiêu giao giảm 2%/năm); tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS trong tổng số hộ nghèo có xu hướng tăng từ 44,37% (2016) lên 52,76% (cuối năm 2018). Đầu năm 2019, tỉnh có 8.614 hộ nghèo, chiếm 3,55% trên tổng số hộ dân, trong đó có 4.545 hộ nghèo DTTS, chiếm 52,76% trên tổng số hộ nghèo của tỉnh, chiếm 10,71% trên tổng số hộ dân là người DTTS.
Qua 4 năm thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS (2019-2022) toàn tỉnh giảm 5.198 hộ nghèo DTTS, đạt 129,8% chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra (mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS), đưa số hộ nghèo DTTS từ 4.545 hộ, chiếm tỷ lệ 52,76% trong tổng số hộ nghèo (đầu năm 2019) xuống còn 516 hộ, chiếm tỷ lệ 43,36 % trong tổng số hộ nghèo (cuối năm 2021). Riêng năm 2022, do áp dụng chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2021-2025) nên số hộ nghèo DTTS tăng lên 2.820 hộ, chiếm tỷ lệ 57,91% trong tổng số hộ nghèo (4.870 hộ nghèo). Trong năm 2022, đã giảm 1.166 hộ nghèo DTTS, đạt 115% so với Kế hoạch đề ra.
Căn cứ vào Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong giai đoạn 2016-2020 được tỉnh quan tâm thực hiện. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, toàn tỉnh đã đào tạo nghề 63.885 người, đạt 193,59% so với kế hoạch đề ra (33.000 người) trong đó: người DTTS có bằng cấp, chứng chỉ là 8.652 người; giải quyết việc làm 205.083 người, đạt 115% so với kế hoạch đề ra (177.000 người) trong đó có 31.956 người DTTS.
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC THIỂU SỐ
Tỉnh Bình Phước luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và đồng bào Khmer nói riêng được chú trọng bảo tồn và phát huy.
Đến nay, tỉnh có 41 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 5 di tích Quốc gia đặc biệt, 11 di tích cấp quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh và gần 60 di tích, danh thắng khác đưa vào Danh mục kiểm kê di tích đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có 6 di tích liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh. Đó là địa điểm ghi dấu cuộc nổi dậy của đồng bào S’tiêng, Thác Đắk Mai I, Bãi Tiên, Thác Đứng, Thác Voi, Chùa Sóc Lớn. Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về văn hóa các DTTS được triển khai thực hiện: Tổng điều tra sử thi các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Dự án “Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer”,… đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào; tôn trọng, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Nam tông kết hợp với việc xây dựng nền văn hóa Khmer đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ đời sống tinh thần của đồng bào; hỗ trợ tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức Tết cổ truyền, lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc như Tết Chol Chnăm Thmây, Lễ Sendolta, Lễ hội Phá bàu….
Hệ thống phát thanh - truyền hình của tỉnh cũng góp phần xây dựng đời sống tinh thần cho bà con. Đến nay, 100% xã có hệ thống loa truyền thanh; 100% khu dân cư được xem truyền hình. Thời lượng, chất lượng chương trình tiếng dân tộc như S’tiêng, Khmer) ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước góp phần giúp đồng bào DTTS cập nhật thông tin tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đến vùng sâu, vùng xa.
Có thể khẳng định, các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, công tác an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Khmer được bảo tồn, phát huy… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng, củng cố thêm niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước./.
Mỹ Linh