Thứ Bảy, 27/7/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 29/9/2019 14:19'(GMT+7)

Khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tự hào 40 năm truyền thống, vững bước đi lên

Sáng nay  (29/9) Khoa Phát thanh-Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập và phát triển.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viên Báo chí và Tuyên Truyền; PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; cùng đông đảo các thế hệ các thầy cô giáo là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương;cùng đông đảo các thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của khoa đã đến dự buổi lễ. 

Ngược dòng lịch sử, năm 1979, Khoa Phát thanh-Truyền hình thuộc trường Tuyên huấn Trung ương (Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay) chính thức ra đời với 6 giảng viên. Vượt qua những khó khăn nhiều mặt, nhất là về cơ sở vật chất và điều kiện thực hành, Khoa đã khởi đầu việc đào tạo các nhà báo chuyên ngành Phát thanh và Truyền hình, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền báo chí cách mạng.

Năm 1983, Khoa sáp nhập vào Khoa Báo chí. Đến năm 2003, do những nhu cầu mới của thực tiễn, Khoa Phát thanh-Truyền hình được tái thành lập và phát triển đến ngày hôm nay. Mặc dù có những giai đoạn nhập, tách nhưng 40 năm là một dòng chảy xuyên suốt, Khoa luôn thực hiện nhiệm vụ đào tạo các chuyên ngành báo chí có đặc thù “báo chí công nghệ”.

Từ 6 giảng viên khi thành lập, hiện Khoa Phát thanh-Truyền hình có 24 cán bộ, giảng viên cùng đội ngũ cộng tác viên đông đảo là nhà báo, đạo diễn, quay phim, dẫn chương trình… tại các cơ quan báo chí tham gia giảng dạy.

Khoa Phát thanh-Truyền hình hiện có 6 chuyên ngành đào tạo cử nhân (gồm Báo Phát thanh, Báo Truyền hình, Báo Truyền hình chất lượng cao, Báo mạng điện tử, Báo mạng chất lượng cao và Quay phim truyền hình) và hai chuyên ngành đào tạo cao học (gồm Phát thanh Truyền hình và Quản lý Phát thanh - Truyền hình, Báo mạng điện tử), đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Báo chí học.

Hiện nay, Khoa Phát thanh-Truyền hình là đơn vị có quy mô đào tạo lớn nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền với khoảng 1.600 sinh viên và học viên với tổng số 34 lớp. Ngoài ra Khoa liên tục có các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng báo chí, quay phim truyền hình, dẫn chương trình… Với phương pháp giảng dạy tích cực, luôn gắn lý thuyết với thực hành, sinh viên được hỗ trợ để có sản phẩm báo chí ngay từ những năm đầu học tại trường.

Khoa Phát thanh-Truyền hình cũng tham gia tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và đã có trên 50 đầu sách, giáo trình được xuất bản.

Kể từ khóa đào tạo đầu tiên đến nay, Khoa Phát thanh – Truyền hình đã đào tạo được khoảng 15.000 cử nhân hệ chính quy, cử nhân hệ tại chức, cử nhân văn bằng hai, thạc sỹ, tiến sỹ.

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang phát biểu tại buổi lễ

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang phát biểu tại buổi lễ

 

Vinh dự và tự hào, nhưng cũng thể hiện rõ trách nhiệm lớn lao trong sự nghiệp đào tạo, phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng khoa Phát thanh-Truyền hình nhấn mạnh: “40 năm tuổi đời là chưa dài so với nhiều cơ sở đào tạo, nhưng 40 năm qua là 40 năm đầy tự hào của thầy trò Khoa Phát thanh-Truyền hình…Trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước, chúng tôi hiều rằng nhiệm vụ cốt lõi của mình là đào tạo, bồi dưỡng nên những nhà báo giỏi nghề, có tâm với nghề để quyết liệt đối diện và đấu tranh chống cái xấu, cái tiêu cực… Chúng tôi muốn trang bị cho những nhà báo tương lai ấy những kiến thức nền tảng của một xã hội đang vận động không ngừng, một xã hội dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa và của cách mạng công nghệ 4.0. Mỗi sinh viên của chúng tôi sẽ là con người biết chủ động làm chủ vận mệnh của mình, biết thích ứng với sự đa dạng của xã hội, biết tôn trọng và chia sẻ yêu thương để hướng tới phát triển bền vững”.

Thay mặt Lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS.TS. Trương Ngọc Nam, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá cao những đóng góp của thầy và trò khoa Phát thanh - Truyền hình. Đồng chí bày tỏ mong muốn các thế hệ thầy và trò của khoa sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trong chặng đường sắp tới.

“Khoa Phát thanh - Truyền hình là thương hiệu có uy tín cao trong các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong cả nước. Trong suốt 40 năm qua, trải qua các giai đoạn phát triển, các thế hệ giảng viên, sinh viên của Khoa đã có những đóng góp to lớn, trong đó có nhiều nhà báo tên tuổi đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Bên cạnh đó, Khoa Phát thanh - Truyền hình đã có nhiều công trình khoa học xuất sắc, phục vụ đào tạo, góp phần phát triển cơ sở lý luận trong lĩnh vực báo chí và truyền thông. Đội ngũ giảng viên không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều nhà giáo có học hàm, học vị cao, có uy tín chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ. Hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh giúp đào tạo đội ngũ, nguồn lao động chất lượng cao, thông thạo ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế hiện nay…” -  PGS.TS. Trương Ngọc Nam nhấn mạnh.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp báo chí cách mạng, tại buổi lễ, Khoa Phát thanh-Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất