Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 10/11/2009 21:23'(GMT+7)

Khơi dậy nét đẹp trong đời sống văn hóa nông thôn

Đội văn nghệ quần chúng huyện Sa Pa (Lào Cai) biểu diễn phục vụ nhân dân trong huyện.

Đội văn nghệ quần chúng huyện Sa Pa (Lào Cai) biểu diễn phục vụ nhân dân trong huyện.

Trong nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, xã hội. Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã khởi xướng đường lối đổi mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Từ những năm 1990, để kịp thời chỉ đạo, phát triển xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã khảo sát thực tế và lần lượt tổ chức các Hội nghị, Hội thảo ở các khu vực trong cả nước nhằm định hướng cho công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành hơn 600 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Nhiều địa phương, cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức tốt việc bình xét, công nhận và công nhận lại danh hiệu "Gia đình văn hóa" công khai. 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua bình xét ở cơ sở, không công nhận 114.271 gia đình văn hóa do không đủ tiêu chuẩn. Ðến tháng 12-2008, cả nước đã có hơn 13 triệu gia đình  đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", đạt tỷ lệ 80,67%. Ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp đã tổ chức tốt Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu các cấp, cổ vũ mạnh mẽ phong trào. 534.649 gia đình văn hóa tiêu biểu đã được tham dự Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu các cấp, trong đó có 910 gia đình đã về dự Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc năm 2007. Ðến cuối tháng 12-2008, cả nước đã có 41.530/86.761 làng văn hóa, đạt tỷ lệ 47,87%, trong đó có 7.482 làng văn hóa tiêu biểu được khen thưởng ở các cấp. Hơn 70 nghìn trên tổng số hơn 90 nghìn khu dân cư được đánh giá là thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, trong những năm qua, xuất hiện hàng trăm mô hình, điển hình trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. 56% đám cưới ở nông thôn và 41% đám cưới ở thành thị có sự tiến bộ trong việc tổ chức; 54% đám tang ở nông thôn và 36% đám tang ở thành thị có sự tiến bộ. Trong tổng số gần 8.000 lễ hội cả nước, nạn cờ bạc, cá độ đã giảm 60%; hoạt động mê tín dị đoan giảm 59%; tổ chức lãng phí giảm 41%. Kết quả này đã tạo sự chuyển biến tiến bộ trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Một số hình thức tổ chức cưới gọn nhẹ, tiết kiệm xuất hiện ngày càng nhiều, được dư luận ủng hộ. Việc tổ chức tang lễ chu đáo, bảo đảm vệ sinh; xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu đã trở nên phổ biến ngay cả ở vùng dân tộc thiểu số. Lễ hội diễn ra tương đối lành mạnh, bên cạnh phần lễ là phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống ngày càng được quan tâm tổ chức.

Hầu hết các cộng đồng dân cư đã gắn xây dựng khu dân cư tiên tiến với xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", nhân dân đã đóng góp 800 tỷ 793 triệu đồng vào "Quỹ vì người nghèo"; 341 tỷ 429 triệu đồng vào "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" và 6.368 tỷ 448 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp 252.600 hộ thoát nghèo, tăng 1,75 triệu hộ khá và giàu.

Cùng với phong trào xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn hóa, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang phấn đấu xây dựng các mô hình điểm sáng văn hóa quy mô cấp huyện, như huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), huyện Thới Bình, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau), thành phố Hội An (Quảng Nam), thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), huyện Côn Ðảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), huyện Bắc Quang (Hà Giang)... Ðó là những mô hình phấn đấu phát triển toàn diện về kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội góp phần tạo nên sự vững mạnh về mọi mặt của các địa phương và cả nước trên con đường đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực, trong đời sống văn hóa ở nông thôn hiện nay vẫn còn những mặt tiêu cực do hậu quả của những tàn dư phong kiến, và nhất là những mặt tiêu cực mới nảy sinh. Trong những năm qua, diện mạo nông thôn ta ngày càng trở nên khang trang tươi sáng. Song, nhìn chung mức hưởng thụ văn hóa ở làng, xã còn thấp. Theo một điều tra xã hội học, chi tiêu của người dân ở TP Hồ Chí Minh dành cho vui chơi, giải trí chiếm 30%, thu nhập trong gia đình. Ở Hà Nội, Huế, tỷ lệ đó là 20%. Còn ở nông thôn, chi tiêu đó vô cùng nhỏ bé. Hình thức giải trí chủ yếu là xem truyền hình, nghe đài. Báo chí cho bạn đọc nông thôn cũng rất thiếu.

Mấy năm nay khắp các địa phương đã quan tâm xây dựng nhà văn hóa thôn. Nhưng hầu hết các nhà văn hóa này mới chỉ là nơi để hội họp, sinh hoạt tập thể. Sách báo, nhạc cụ, và các trang bị, thiết bị phục vụ biểu diễn văn nghệ hầu như không có. Ðiều đáng chú ý là, các đội văn nghệ ở làng, xã, các chiếu chèo ở khu vực đồng bằng sông Hồng, vốn một thời hoạt động rất sôi nổi, nhưng nay thì ít nơi nào duy trì được. Ở miền núi, vùng cao, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc còn khó khăn hơn nhiều.

Trong chiến lược xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, cần đặc biệt quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần. Ðời sống văn hóa nông thôn có nhiều nội dung, nhưng nổi bật là : nếp sống văn hóa, hành vi đạo đức, bắt đầu từ mỗi gia đình; đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ văn hóa, các hoạt động vui chơi giải trí, như xem phim, biểu diễn nghệ thuật, đọc sách báo, xây dựng phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng; củng cố, nâng cao chất lượng các nhà văn hóa thôn, làng; xây dựng hương ước làng với những chuẩn mực phù hợp trong thời kỳ mới, v.v. Làm tốt những điều đó chính là góp phần tích cực vào công cuộc bảo tồn và chấn hưng văn hóa nước nhà, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

TRẦN THỊ TUYẾT MAI
 Cục Văn hóa cơ sở

(Nguồn: ND)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất