Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 và Chỉ thị 27, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả cơ bản bước đầu mang tính chiến lược và phát triển sâu rộng trong đời sống xã hội.
Nét nổi bật dễ nhận ra là việc xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả mạng lưới thiết chế văn hóa ở cơ sở. Từ những cơ sở sinh hoạt văn hóa nghèo nàn, sau 10 năm, Đồng Nai đã có 72 thiết chế văn hóa cơ sở khang trang (66 trung tâm văn hóa-thể thao, nhà văn hóa và 6 nhà văn hóa dân tộc). Thiết chế văn hóa cơ sở tuy khó có thể đạt chỉ tiêu đề ra vào năm 2010 (171/171 xã, phường), nhưng đã có sự đầu tư hướng về cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
|
Lễ Tết thầy mùng 3 ở Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai). |
Những nơi này ngày càng được đầu tư xây dựng nhiều thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và sự hưởng thụ, sáng tạo văn hóa - văn nghệ của nhân dân. Nhiều đề án hoạt động, xây dựng công trình văn hóa mới; bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa; sưu tầm, lưu giữ, giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể; nghiên cứu tổ chức truyền dạy các giá trị văn hóa phi vật thể như: nghề thủ công của dân tộc, nghề dệt thổ cẩm người Mạ; nghệ thuật đánh cồng chiêng (người Chơro ở Phú Lý); giới thiệu lễ Sayangva cho học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và nhiều nghiên cứu khoa học ứng dụng khác về văn hóa, văn học - nghệ thuật có giá trị đã được triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, góp phần làm cho văn hóa cơ sở ngày càng phong phú và đa dạng.
Những năm qua, nhất là từ khi có Luật Di sản văn hóa, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của Đồng Nai đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như: Tổng điều tra thống kê di sản văn hóa phi vật thể, nghiên cứu chuyên sâu có tính bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc đã tạo ra một diện mạo mới, một không khí phấn khởi trong cộng đồng các dân tộc, góp phần giao lưu văn hóa dân tộc các vùng miền, giới thiệu được tính đa dạng văn hóa truyền thống của Đồng Nai trong sự thống nhất chung của dân tộc và khu vực Đông Nam Á.
Lễ hội truyền thống của các dân tộc còn ghi nhận từ những thành quả, mặc dù còn rất khiêm tốn trong việc bảo tồn, phục dựng các lễ hội dân gian như: lễ hội đâm trâu của tộc người Mạ và STiêng; lễ hội Sayangva của tộc người Chơro; lễ hội tả tài phán, bà thiên hậu của người Hoa; bóng rỗi địa nàng của người Việt; lễ cưới, tang của người Chăm, người Tày, người Mường...; một vài loại hình văn hóa ẩm thực dân tộc bản địa (Mạ, STiêng, Chơro...) như cách chế biến rượu cần, cơm lam, các loại bánh, lá bép, đọt mây, thịt nướng, củ chụp...; nghiên cứu bảo tồn nghề thủ công truyền thống như nghề đá, gốm Biên Hòa, nghề thủ công ở Thạnh Phú; nghiên cứu tổng hợp về di sản văn hóa ở một làng (di sản văn hóa làng Hiệp Phước, Nhơn Trạch); nghiên cứu những ngôi nhà cổ truyền thống tiêu biểu ở Đồng Nai...
Với những lễ hội lịch sử cách mạng, Đồng Nai đã tổ chức thành công một số lễ hội hoành tráng, như: 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai; chào mừng thiên niên kỷ mới; lễ hội đón giao thừa hàng năm, lễ hội Tết thầy hàng năm ở Văn miếu Trấn Biên; lễ hội kỷ niệm 55 năm Chiến khu Đ, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc... Những lễ hội này đã phát huy được truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "tôn sư trọng đạo"; tạo nên những dấu ấn trong đời sống văn hóa của tỉnh; góp phần tạo không khí vui tươi, sinh động, động viên các tầng lớp nhân dân hướng về cội nguồn của dân tộc, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng đã có những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Việc cưới đã thực hiện đúng theo Luật Hôn nhân gia đình, không còn hiện tượng tảo hôn, cưỡng ép, cản trở hôn nhân tự nguyện, giảm được nhiều thủ tục rườm rà, chỉ giữ lại một số nghi thức chính. Nhiều gia đình đã gộp chung lễ hỏi và lễ cưới để tổ chức một lần, đơn giản nhưng vẫn thể hiện nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc tang cũng đã được tổ chức chu đáo, diễn ra theo hướng loại bỏ các hủ tục lạc hậu, rườm rà, tang lễ gọn nhẹ, tiết kiệm.
Nhìn chung, sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, cũng như việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn Đồng Nai thời gian qua đã phát triển sâu rộng, liên tục, góp phần giảm bớt cách biệt về hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị. Môi trường xã hội lành mạnh, văn minh được nâng lên thông qua các phong trào, các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước; hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được loại bỏ, hạn chế được các tệ nạn xã hội, cải thiện và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong thời gian qua đã thực sự trở thành một phong trào thi đua yêu nước đặc biệt, một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, nhiều gương điển hình tiên tiến đáng trân trọng, biểu dương và nhân rộng để tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa ngày càng lành mạnh và phong phú.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội của tỉnh vẫn còn hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
(Báo Đồng Nai)