Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 19/4/2012 10:1'(GMT+7)

Khơi nguồn sức mạnh nhân dân

Học sinh Hà Nội hăng hái lên đường gia nhập lực lượng thanh niên xung phong hưởng ứng phong trào "Ba sẵn sàng" năm 1964. Ảnh tư liệu

Học sinh Hà Nội hăng hái lên đường gia nhập lực lượng thanh niên xung phong hưởng ứng phong trào "Ba sẵn sàng" năm 1964. Ảnh tư liệu

 Đề cập nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi nhắc lại câu nổi tiếng của Mạnh Tử: “Sức dân như nước. Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân!”. Tổng kết 25 năm Đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam nêu lên 5 bài học lớn, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân.

Kế thừa những kinh nghiệm quý của ông cha, Đảng ta ngay từ những ngày đầu mới ra đời với số lượng đảng viên ít ỏi, đã phát động cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931); tiếp đến là phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh (1936-1939), tạo tiền đề bùng nổ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật nhào ách thống trị của thực dân, phong kiến, mở đường cho hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh sập chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới trên đất nước ta.

Để thực hiện mục tiêu cách mạng, Đảng ta đã đề ra phương thức tiến hành cách mạng thích hợp qua từng thời kỳ lịch sử, mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của các tầng lớp nhân dân ta – cội nguồn chủ yếu làm nên những chiến công rạng danh non sông ta, dân tộc ta. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những người làm công tác tư tưởng đã bám chắc thực tiễn và yêu cầu cách mạng, sáng tạo nhiều phương châm, khẩu hiệu có sức lay động, cuốn hút lòng người, giống như những lời hịch, cổ vũ, động viên toàn dân chung lòng, dốc sức phục vụ đắc lực cuộc chiến đấu thiêng liêng của toàn dân tộc như: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước!”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người!”, “Xe chưa qua nhà không tiếc!”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm!”, cùng bao nhiêu phương châm khơi gợi ý chí quật cường: “Bám thắt lưng địch mà đánh!”, “Còn giặc, còn cái lai quần cũng đánh!”, “Ba mũi giáp công”; các phong trào rực sáng tinh thần quật khởi của thanh niên ở cả hai miền Nam, Bắc: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, …tạo nên sức mạnh vật chất lớn lao, làm kẻ thù kinh hoàng, bạt vía, thực hiện trọn vẹn khát vọng cháy bỏng của dân tộc ta, giành lại độc lập, thống nhất giang sơn, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội!

Thực tiễn sinh động nêu trên thực chất là kết quả nghệ thuật công tác tư tưởng mà Đảng ta đã kế thừa kinh nghiệm của ông cha ta từ ngàn xưa và nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Điều đó càng thúc giục những người làm công tác tuyên giáo hôm nay cần dày công nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ những bài học quý trước đây để vận dụng sáng tạo vào điều kiện mới, khắc phục nhanh những biểu hiện giáo điều, xơ cứng “nói lấy được”, sức thuyết phục không cao; từ đó đề ra những phương châm, khẩu hiệu sát hợp thực tiễn, khơi dậy mạnh mẽ hồn cốt dân tộc Việt Nam, thắp sáng chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, bồi đắp niềm tin của cán bô,å đảng viên, nhân dân ta vào tiền đồ tươi sáng của đất nước ta, dân tộc ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (Khóa XI) mới đây nhấn mạnh phải dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; nhân dân vừa góp ý kiến xây dựng Đảng của mình, vừa là người giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo hướng đó, việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng, đã và đang là đòi hỏi cấp bách để mỗi cán bộ tuyên giáo thật sự là “người mở đường”, “người đi trước”, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng và Dân, góp sức tạo nên sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận cao trong xã hội – nguồn gốc tạo nên sức mạnh dời non, lấp biển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam hôm nay./.

Hồng Vinh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất