Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 21/12/2010 16:9'(GMT+7)

Mừng, nhưng chưa hết lo

Khách du lịch tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Bảo Lâm

Khách du lịch tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Bảo Lâm

Quy hoạch phát triển không hài hòa
 Nhìn vào bức tranh tổng thể của du lịch Việt Nam, Thủ đô Hà Nội với lợi thế trung tâm văn hóa - chính trị - kinh tế - xã hội, nơi hội tụ nhiều nhất các di sản văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống, nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực… của cả nước được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là địa điểm lý tưởng để đầu tư phát triển du lịch. Từ chỗ chỉ chiếm tỷ trọng thấp, trong những năm qua, lượng khách đến thành phố có bề dày lịch sử 1000 năm tuổi này luôn ổn định, tăng cao, chiếm 1/3 tỷ trọng du lịch của cả nước.

Thu hút nhanh và mạnh các nhà đầu tư nước ngoài phải kể đến lĩnh vực khách sạn. Theo thống kê của Sở VH,TT&DL Hà Nội, toàn thành phố hiện có gần 800 cơ sở lưu trú, trong đó có 213 khách sạn trên địa bàn được xếp hạng. Nhìn vào hệ thống các khách sạn cao cấp mà ngành du lịch Thủ đô đang sở hữu đều thấy có sự đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài. Mới đây, Clark Group - một tập đoàn khách sạn lớn hiện sở hữu 17 khách sạn cao cấp trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu thị trường Hà Nội với mong muốn xây dựng, phát triển nhiều khách sạn tại đây. Ông Ravi Kumar, trưởng đại diện Clark Group cho biết: Trong 20 năm sống, làm việc tại Việt Nam, có tới 18 năm tôi gắn bó với Hà Nội. Với bề dày truyền thống lịch sử trải dài 1000 năm, Thủ đô Hà Nội thực sự hấp dẫn tôi. Có lẽ không chỉ tôi mà sẽ có rất nhiều du khách trên thế giới mong muốn được đến Hà Nội, khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của thành phố hiện đại, cổ kính này. Điều đó đã khiến Clark Group quyết định chọn nơi đây để đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn. "Với tôi, Hà Nội là điểm đến hấp dẫn, an toàn, giàu tiềm năng và cũng là điểm đầu tư hiệu quả trong tương lai", ông Ravi Kumar chia sẻ.

Cùng với những tín hiệu mừng, du lịch Thủ đô đang phải đối mặt với không ít thách thức. Một trong những "bài toán" làm "đau đầu" các nhà quản lý du lịch, đó chính là quy hoạch phát triển du lịch giữa cung và cầu xây dựng chưa hài hòa. Lý giải về điều này, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội dẫn chứng, khi đưa ra dự báo lượng khách đông, đồng nghĩa với việc thông báo cần tăng cường xây dựng thêm hệ thống khách sạn để đáp ứng khả năng lưu trú của du khách. Chỉ sau 1 đến 2 năm, nhiều khách sạn mọc lên nhưng trên thực tế, lượng khách không tăng cao. Gặp phải khó khăn khi công suất sử dụng phòng giảm buộc các khách sạn phải chuyển hướng sang xây dựng văn phòng cho thuê. Và rồi khi du lịch vào mùa cao điểm, lượng khách tăng thì cơ sở lưu trú lại không đủ để có thể đáp ứng nhu cầu. "Không chỉ tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng mà việc xây dựng một quy hoạch phát triển khoa học, có khả năng dự báo chính xác cung và cầu của ngành du lịch cũng vô cùng quan trọng, cần thiết", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Quảng bá thế nào
 


Trong quá trình đổi mới, mở cửa, giao lưu hội nhập hiện nay của đất nước, di sản văn hóa và thiên nhiên trở thành một nhân tố quan trọng có sức cuốn hút lớn, ngành du lịch Thủ đô đang có trong tay những điều kiện thuận lợi để đầu tư, khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch riêng.

Muốn đưa các di sản thế giới đến với du khách không thể thiếu chiếc cầu nối quan trọng là hoạt động xúc tiến quảng bá. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho vấn đề này lại quá ít ỏi. Đây chính là "rào cản" cho bước tiến của ngành du lịch Thủ đô. Minh chứng sinh động nhất là hiện nay, mỗi năm, kinh phí dành cho xúc tiến du lịch của Hà Nội chỉ từ 2 đến 2,5 tỷ đồng, mà trung bình Hà Nội đón khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế hằng năm. Như vậy, nếu tính theo tỷ suất đầu tư điểm đến so với lượng khách, thì mỗi năm, những người làm công tác xúc tiến, quảng bá của du lịch Thủ đô sẽ làm được gì khi chỉ được phép tiêu 2,5 nghìn đồng/khách? Một số tiền mà theo ông Mai Tiến Dũng là chưa đủ để gửi xe thì nói gì đến việc mang lại hiệu quả thu hút khách du lịch (!?).

Hướng tới "Năm Du lịch xanh 2011"

Hà Nội là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có nhiều di sản thế giới. Việc các di sản văn hóa của Hà Nội được UNESCO tôn vinh sẽ là những thương hiệu đặc biệt không chỉ quảng cáo cho các di sản mà còn góp phần thu hút khách du lịch nước ngoài đến đây nhiều hơn. Theo ý kiến đóng góp của một số công ty lữ hành, để phát huy giá trị của di sản, Hà Nội nên rút ra cho mình những kinh nghiệm và bài học "nhãn tiền" từ một số địa phương. Bởi trên thực tế, có những nơi chính quyền địa phương và người dân nhận thức chưa đúng, chưa đủ khiến di sản hằng ngày, hàng giờ bị đe dọa, việc đầu tư cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản về cơ chế, tài chính cũng chưa thỏa đáng.

Về vấn đề này, ông Mai Tiến Dũng cho rằng, để "thổi hồn" vào các di sản, biến chúng thành những điểm đến hấp dẫn khách du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, trước mắt, cùng với việc làm thay đổi nhận thức từ các cấp quản lý, người dân và những người làm du lịch, hiện Sở VH,TT&DL Hà Nội đang tiến hành chuẩn hóa việc thuyết minh toàn bộ di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long với tiêu chí thể hiện sự sống động của văn hóa Hà Nội theo chiều dài lịch sử 1000 năm. Sau khi có được chuẩn đó, Sở sẽ tổ chức tập huấn cho các thuyết minh viên, hướng dẫn viên và xây dựng tài liệu tham khảo cho các doanh nghiệp du lịch. Tương tự, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng sẽ từng bước chuẩn hóa để phục vụ du khách tốt hơn.

Từ những kết quả đã đạt được trong Năm Du lịch quốc gia 2010, bước sang năm 2011, Hà Nội xây dựng khẩu hiệu "Năm Du lịch xanh". Cùng với việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, du lịch Thủ đô sẽ tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, khai thác tối đa các giá trị tài nguyên tự nhiên và các giá trị di sản văn hóa - lịch sử của thành phố 1000 năm tuổi cho mục tiêu phát triển.

Thu Trang -HNM
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất