Giải thưởng Sách Việt Nam 2010 (GTSVN) vừa được Hội Xuất bản Việt Nam công bố ngày 15-12 với 7 giải vàng sách hay, cao nhất trong 6 kỳ giải trước đây. Một tín hiệu đáng mừng bên cạnh nhiều nỗi băn khoăn trong năm cuối cùng của đề án GTSVN (2005-2010). Sang năm, giải thưởng này sẽ bước vào một giai đoạn mới với nhiều thay đổi…
Đột phá giải vàng
Với 7 giải vàng cho sách hay, cao nhất so với các kỳ giải trước, gấp hơn hai lần so với năm ngoái, GTSVN 2010 - năm cuối của đề án GTSVN (2005-2010) đã tạo được những ấn tượng nhất định. Nhìn vào sách hay đoạt giải, thấy 3 điểm đáng mừng: sách đoạt giải thuộc nhiều lĩnh vực như giáo dục, thiếu nhi, văn hóa - nghệ thuật, khoa học công nghệ; nhiều NXB lần đầu tham gia đoạt ngay giải cao; mảng sách thiếu nhi sau nhiều năm không có "vàng" đã kiên trì giành giải.
Sách hay đại diện cho hơn 26 nghìn tên sách xuất bản trong năm 2009 cũng phản ánh nhiều thay đổi đáng mừng trong nhiều mặt đời sống, xã hội nước ta. "Bộ bản đồ THCS: Lịch sử - Địa lý" (NXB Giáo dục) với khổ cực lớn 70x70cm thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, nhất là với môn lịch sử. Những đề tài "khô" và "khó" như HIV/AIDS, địa chất, tài nguyên… cũng được thực hiện một cách thuyết phục cả về nội dung và hình thức. Trong đó "HIV/AIDS cập nhật và hiện đại" của Giáo sư, Bác sĩ Phạm Song có rất nhiều giá trị thực tiễn. Sách hay đoạt giải năm nay còn khẳng định bước tiến trong công nghệ xuất bản Việt Nam từ việc trình bày sinh động, đẹp mắt, in sắc nét đến đóng sách chuẩn. Hai cuốn "Bộ bản đồ THCS: Lịch sử - Địa lý" và "Chùa Việt Nam" đồng thời nhận Giải vàng sách đẹp.
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng về chất lượng sách dự giải thì việc số lượng NXB tham gia giữ mức 65% tổng số NXB đủ điều kiện dự giải lại chưa mấy tạo được ấn tượng. Vẫn chỉ như năm 2009, lượng NXB gửi sách đi thi năm 2010 dừng ở 33 đơn vị với 275 cuốn, trong đó 145 cuốn dự giải sách đẹp và 130 cuốn dự giải sách hay. Có nhiều lý do cho sự vắng mặt của 35% "nhà" còn lại, từ đặc thù đơn vị như "nhà" Thống kê, Giao thông - Vận tải với nội dung khô, khó đoạt giải, đến "nhà" chỉ chuyên sách dịch (không nằm trong diện xét giải) như Tri thức… Song rõ ràng cũng có nhiều "nhà" chưa mặn mà lắm với giải, hay cũng có thể vì giải chưa đủ mạnh để thu hút người dự thi. Dẫu sao việc vắng mặt một số NXB lâu năm như Thanh niên, Lao động, Văn hóa dân tộc, Xây dựng, Từ điển Bách khoa, Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội… có thể không làm "chợ" bớt đông nhưng lại khiến "chợ" chưa được vui.
|
Lựa chọn sách tại cửa hàng trên phố Đinh Lễ. |
Băn khoăn chặng tới
Sáu năm chưa phải thời gian dài, tuy nhiên, GTSVN (2005-2010) đã đặt nền móng cho cuộc vinh danh lâu dài thương hiệu sách Việt. Ít nhất, đến hẹn lại lên, GTSVN đã quy tụ những trí thức đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực để cùng ghi nhận những thành tựu xuất bản sách nước nhà. Có thể kể đến GS.NGND Phan Huy Lê, GS Phong Lê, GS.TS Đinh Xuân Dũng, GS.VS Nguyễn Duy Quý, PGS.TSKH Chu Hảo, GS.VS Phạm Minh Hạc, nhà văn Vũ Tú Nam…
Sáu năm qua, cũng đã có trên 420 tác phẩm được trao giải sách đẹp, sách hay. Qua đây, hàng trăm tác giả, hàng chục NXB, cơ sở in, đơn vị phát hành được tôn vinh, cổ vũ. "Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi" (5 tập) - Giải vàng sách hay 2010 là một ví dụ. Tác giả Trần Hoài Dương đã cặm cụi 15 năm nghiên cứu, chọn lọc xây dựng bộ tuyển truyện ngắn cho trẻ em này mà không có nguồn tài trợ. Bên cạnh đó, một hệ thống các chuẩn mực, tiêu chí đánh giá sách đẹp, sách hay cũng dần hình thành, góp phần định hướng, nâng cao tính chuyên nghiệp của các NXB.
Tuy nhiên, thực tiễn giải những năm qua cũng đặt ra rất nhiều điều bất cập. Mảng sách văn học, do trùng với giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam (Hội NVVN) đã chưa được xét giải. "Cho tôi một vé đi tuổi thơ" của Nguyễn Nhật Ánh sở dĩ vào GTSVN là bởi được xét ở hạng mục sách thiếu nhi. Bên cạnh đó, sách dịch chiếm thị phần lớn, được người đọc quan tâm cũng không có mặt trong giải. Và nếu có đưa vào xét thì ngoài xét cho dịch giả, có xét cho biên tập viên - người được coi là đồng tác giả trong một số trường hợp nhất định không? Đặc biệt, đối với nhà văn Việt Nam viết sách bằng tiếng nước ngoài hoặc người nước ngoài viết sách bằng tiếng Việt thì xét giải ra sao, đưa vào mục nào?
Tất cả đòi hỏi một sự nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn quy chế GTSVN phù hợp với thực tiễn xuất bản sách, xứng với tầm vóc của một giải thưởng mang thương hiệu sách Việt.
Đề án mới, thách thức mới
Để GTSVN có những đột phá trong giai đoạn tới, Hội Xuất bản Việt Nam đã xây dựng đề án GTSVN (2011-2015), trình Chính phủ phê duyệt. Đến nay, Chính phủ đã có quyết định phân bổ ngân sách cho GTSVN năm 2011.
Đề án mới có thổi luồng gió mới vào GTSVN hay không lại phụ thuộc vào việc giải quyết những nội dung cụ thể. Trong đó có việc bổ sung trao giải cho dịch giả đối với sách dịch và xét giải thưởng sách văn học đồng hành cùng giải thưởng của Hội NVVN. Có nhiều dịch giả dành cả đời tâm huyết cho việc chuyển ngữ như Dương Tường, Thúy Toàn…, nhưng thật chạnh lòng khi ta chưa có hình thức ghi nhận kịp thời, trong khi các nước đã kịp tôn vinh (Dương Tường nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp, Thúy Toàn nhận Huân chương Hữu nghị của Nga năm 2010).
Đến nay, Hội Xuất bản và Hội NVVN cũng đạt được sự thống nhất là cùng xét giải cho sách văn học, song để hiệu quả thì cũng cần có những thỏa thuận cụ thể hơn về thời gian, loại hình tác phẩm, cách thức chấm.
Có ý kiến cho rằng, mức giải nếu cứ đều chằn chặn 15 triệu từ mấy năm qua thì thật "khó nghĩ" đối với người đoạt giải. Song vì giải thưởng từ ngân sách nhà nước nên cứ phải cân đối với giải thuộc các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, để giải có tiếng vang, tác phẩm đoạt giải đến được với công chúng cũng cần quảng bá tốt. Kinh phí nhà nước thì không có phần dành cho quảng bá. NSND Đặng Nhật Minh đã hơn một lần nói: Chúng ta mới chỉ đầu tư cho sản xuất tác phẩm chứ chưa đầu tư cho quảng bá tác phẩm. Muốn tăng giá trị giải, muốn quảng bá ư, phải trông vào năng lực xã hội hóa vậy. Mà xã hội hóa trong làm sách không dễ.
GTSVN thời gian tới vì thế nặng nề trọng trách lắm…!
(Theo: Hà Dương/HNM)