Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 18/12/2010 12:1'(GMT+7)

Vẽ để trở về Hà Nội- giấc mơ đầu tiên

Họa sĩ Bùi Quang Ngọc bên các tác phẩm trong phòng tranh

Họa sĩ Bùi Quang Ngọc bên các tác phẩm trong phòng tranh

32 bức tranh sơn dầu, con số đó không phải là nhiều, nhưng là sự cô đọng nhất những xúc cảm trong Bùi Quang Ngọc. Ở đây, người xem được chiêm ngưỡng chân dung của những người nổi tiếng như: Văn Cao, Đoàn Phú Tứ, Bùi Xuân Phái, Thái Bá Vân, Nguyễn Gia Trí, Trịnh Công Sơn, Hữu Loan, Hoàng Cầm.v.v... Nhưng theo họa sĩ Bùi Quang Ngọc, "ngoài sự cống hiến, họ là những người nhân ái, những người hết sức nhân hậu. Chính vì điều đó và quen biết họ mà tôi vẽ họ chứ tôi không vẽ họ vì tiếng tăm".

Những chân dung này được họa sĩ vẽ dưới nhiều góc nhìn khác nhau, với những luồng sáng và sự đa dạng của sắc màu, thể hiện nét vẽ đời thường dung dị nhất của từng gương mặt.

Với mỗi gương mặt, họa sĩ đều có những tâm tình hoài niệm riêng, nhưng có hai kỷ niệm mà Bùi Quang Ngọc nhớ mãi: Năm 1993, tôi vẽ danh họa Nguyễn Gia Trí khi cụ từ trần. Được gia đình cụ cho phép là 1 trong 4 người thân cầm nến đứng quanh quan tài trước lúc nhập quan, tôi xé vội tờ lịch trên tường và vẽ trong nước mắt.

Còn với nhà triết học Trần Đức Thảo, tôi gặp cụ trong những ngày cuối cùng ở Việt Nam trước khi sang Pháp. Trần Đức Thảo đã bóc tấm ảnh ở chứng minh thư ra tặng tôi, đó là một kỷ vật vô giá.

Bùi Quang Ngọc giữ trọn tâm huyết của mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Như lời họa sĩ, để ra đời một bức chân dung như ý, ông phải sống, trò chuyện, vẽ hàng trăm ký họa về họ để truyền được trên chân dung cả nhân cách của người được vẽ cũng như tình cảm đặc biệt của mình. Và ông vẽ nhiều bức ký họa về họ tới mức có thể thuộc lòng cấu trúc trên khuôn mặt từng người. Vì thế, tranh chân dung của Bùi Quang Ngọc sống động lạ thường. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân viết những dòng cảm nhận đầy ấn tượng về triển lãm: Những gương mặt danh nhân hiện lên trong vẻ thanh cao thẩm mỹ do họa sĩ áp đặt, trong cái tiều tụy đời thường mà họa sĩ nhìn thấy và trên hết trong sự cô đơn hiển nhiên mà họa sĩ chia sẻ một cách chân thực. Ai chưa từng gặp các nhân vật trong các chân dung sẽ muốn làm quen với những người kỳ lạ ấy. Ai đã từng gặp họ sẽ tin rằng hồn nghệ thuật của họ vẫn vương vấn đâu đây...

Chân dung Nhạc sỹ Văn Cao

Ngoài chân dung, cuộc triển lãm này còn có 10 bức thiếu nữ "thỏa thuê trong thiên nhiên, thân hình hòa vào cây, vào nắng, vào mây" được họa sĩ coi đó là những vũ khúc ngẫu hứng khỏa thân: Thường thường ngồi mẫu khỏa thân người ta ngồi một chỗ để vẽ thân hình thôi. Tôi không vẽ thân hình, tôi vẽ sự vận hành của cuộc sống, sự trần trụi, chân thực, nguyên thủy và bền vững.

Hai phần của phòng tranh như hai vế: tĩnh và động. Nếu những chân dung là sự cụ thể, là thành công của những nét vẽ sở trường chính xác đến từng chi tiết thì trong những bức ngẫu hứng khỏa thân, những khuôn mặt lại biến đi trong không gian. Đây là hai mảng đề tài mà họa sĩ dành nhiều tâm huyết của mình để truyền cảm vào các tác phẩm- Họa sĩ Trịnh Sinh Nha- Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ thuật và Vật phẩm văn hóa Hà Nội nhấn mạnh.

Sinh năm 1934, Bùi Quang Ngọc là sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Quê Quảng Bình, là một trong những họa sĩ lão thành của mỹ thuật VN và từng có nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, từ những năm 1970, Bùi Quang Ngọc đã có ý thức vẽ chân dung và luôn ấp ủ trong tâm khảm những gương mặt mà ông yêu quý. Họ là anh, là thầy, là bạn...- những người đã ít nhiều nâng giấc giúp ông vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Bây giờ, hầu hết những gương mặt ấy đều không còn nữa.

Chân dung Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

Năm 1959, họa sĩ Bùi Quang Ngọc tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật VN. Từ đó tới nay, xen kẽ với những chủ đề khác, ông lần lượt tìm đến những nhà văn hóa lớn hay văn nghệ sĩ mà mình yêu mến để vẽ. Giữa thập niên 1970, ông vẽ các gương mặt miền Bắc như Văn Cao, Đoàn Phú Tứ, Thái Bá Vân... Sau này, khi định cư ở TP.HCM, ông vẽ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Gia Trí và cả Hoàng Cầm, Hữu Loan trong những lần họ “Nam tiến”.

Từ nhiều năm nay, ông sinh sống và làm việc tại TP HCM. Đây là lần thứ 3, hoạ sĩ Bùi Quang Ngọc tổ chức triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Và cũng như những lần trước, triển lãm như một cái cớ để ông được trở về với Hà Nội: Tôi học ở Hà Nội và những con đường tôi đi qua là những kỷ niệm của tôi. Cuộc triển lãm kỳ này chính là cái cớ để tôi trở về chốn cũ. Hà Nội là nơi tôi đã để lại giấc mơ đầu tiên và mối tình đầu tiên của cuộc đời. Bây giờ trở lại tất cả đối với tôi đều quen thuộc. Tất cả các tác phẩm tôi vẽ chỉ là vẽ cho cái cớ để được trở về Hà Nội. Tất cả các mùa đông ở Miền Nam, tôi đều nhớ HN da diết...

Và như duyên tao ngộ, mùa đông này, ông đã trở lại với cái rét ngọt của Hà Nội, trở lại với giấc mơ, với mối tình đầu tiên, trong sự ấp ám của tình người. Và đâu đây, những giai điệu của bài hát "Hà Nội ngày trở về" của nhạc sĩ Phú Quang đang ngân lên...

- Mai Hồng -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất