Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 24/12/2010 16:10'(GMT+7)

Tây Nguyên - một lối sống, một nền văn hoá!

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Ta sẽ gặp điều đó khi xem chương trình “Trên cả tồn tại” của Kênh truyền hình Discovery hoặc đọc tác phẩm “Chúng tôi ăn rừng” của Georges Condominas về cộng đồng Mnong Gar ở Tây Nguyên Việt Nam…

Sau 2 năm nghỉ ngơi, Les Stroud, người đã trở nên nổi tiếng toàn cầu nhờ sáng tạo chương trình Survivorman (Người sống sót) của Kênh truyền hình Discovery - đã trở lại với một dự án còn tham vọng hơn: Beyond Survival (Trên cả tồn tại - Theo Montreal Gazette).

Lần này không chỉ là sự sống còn của một cá nhân, một thể xác. Thông điệp của chương trình còn hướng tới sự tồn vong của một bộ lạc, một lối sống, một nền văn hóa. Đó cũng là thông điệp của các dân tộc trên thế giới hiện nay, khi mà cơn lốc toàn cầu hóa dường như san phẳng nhiều nền văn hóa, nhất là văn hóa của các dân tộc thiểu số ở mỗi quốc gia. Khi đó, vai trò của những nhà dân tộc học rất quan trọng. Tư liệu điền dã của họ giúp thế hệ sau hiểu và biết rằng, từng có một nền văn hóa - một dân tộc tồn tại như thế...

Bất chợt, tôi nhớ đến G. Condominas với tác phẩm "Chúng tôi ăn rừng" - tác phẩm về cộng đồng Mnong Gar ở Tây Nguyên nước ta. Năm 27 tuổi, ông đến Tây Nguyên và cũng từ đây, sức hút của cộng đồng Mnong Gar (một nhánh nhỏ của người Mnong) đã níu chân ông… để rồi hơn 60 năm sau, trái tim ông vẫn hướng về Mnong Gar.

Trong quá trình điền dã, điều không ngờ ngay với chính G. Condominas là ông đã trở thành người làng Sar Luk thực thụ, như ông kể trong cuốn sách "Kỳ lạ mỗi ngày": “Đêm đêm, những giấc mơ đến với tôi, trong ấy là hình ảnh bạn bè, người thân, họ trò chuyện với tôi không phải bằng tiếng Pháp nữa, mà bằng tiếng Mnông Gar”.

Georges Condominas tượng trưng cho một thế hệ và một trường phái, trường phái André Leroi-Gourhan, người coi “thực địa” đứng hàng đầu trong khoa học nghiên cứu dân tộc học: phải sống và thấu hiểu chính cộng đồng mình đang nghiên cứu; phải tạo cho được “một cái nhìn từ bên trong”, như chính người Mnong Gar tự nhìn nhận, tự hiểu mình.

Gần 60 năm sau, ông trở lại Tây Nguyên, khi được hỏi: - Làm thế nào để bảo vệ tốt nhất những giá trị văn hóa Tây Nguyên trong bối cảnh hiện đại? Ông tâm sự: “Người Mnông Gar Tây Nguyên luôn sống hòa mình với thiên nhiên. Họ có những giá trị văn hóa không giống người Kinh. Chẳng hạn, người Mnông Gar không có thói quen tích lũy của cải. Họ quan niệm người giàu có là người cho đi nhiều nhất. Nếu bạn gặp họ, bạn sẽ thấy họ không hề tiếc bạn những chum ché đẹp, rượu ngon... Vì thế, theo tôi, điều nguy hại nhất là việc áp đặt chủ quan giá trị của một cộng đồng này lên một cộng đồng khác; hoặc đánh giá những giá trị của cộng đồng khác bằng con mắt của cộng đồng mình”.

Cũng giống như Stroud sẽ đến ở với “người lùn” Bajau ở Borneo, trên những chiếc xuồng nhỏ và những căn nhà sàn nhìn ra Biển Đông. Nhảy múa cầu hồn với những người rừng Kalahari ở Namibia. Nhai trầu với người Haiwa ở Tân Guinea. Đó là một cuộc trao đổi mang tính hai chiều, bởi vì Stroud có kinh nghiệm và hiểu biết rộng của mình về đời sống hoang dã khắp nơi trên thế giới. Anh có thể tự làm cung và bắn biểu diễn. Nó khiến cho các thổ dân hồ hởi cởi mở, bởi vì Stroud không phải là kẻ “cỡi ngựa xem hoa” chỉ có mỗi cái camera.

Và chính G. Condominas khi sống trong cộng đồng Mnong Gar, ông đã sống như người bản địa, nhưng ông không được "xóa" mình đi, ông vẫn là một nhà dân tộc học tỉnh táo và sắc sảo, chăm chú quan sát mọi sự diễn ra quanh mình, từng ngày, từng giây phút, để ghi chép, nhận xét, phân tích,… và ông đã giải quyết thành công mối quan hệ khó khăn đó.

Phải chăng, số phận chọn ông hay ông tạo ra cuộc đời - số phận mình gắn với dân tộc học, có lẽ điều đó không quá quan trọng, điều tuyệt vời hơn là ông sống với chính mình, với bản chất của một nhà dân tộc học thực sự, sống cho sự lựa chọn của đam mê và khát vọng chân chính. Để hôm nay, chúng ta có những hình ảnh, những thước phim và những bài viết ngồn ngộn chất sống, văn hóa của dân tộc Mnong Gar; mà nếu không có sự dấn thân của G. Condominas cách đây 60 năm thì có lẽ nhiều thước phim quý, nhiều giá trị văn hóa của Mnong Gar đã bị tiêu hủy theo thời gian hay bị hòa tan khi họ hòa nhập với các cộng đồng tộc người khác.

Bất kỳ ai đọc tác phẩm này cũng có cảm nhận rằng, nó gợi mở rất nhiều điều thú vị về quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, giữa sự sống và cái chết, hiện thực và tâm linh... Và ký ức của G. Condominas về ngôi làng Sar Luk thật đẹp: “Nơi ấy có ngôi nhà của tôi, là nơi tôi từng được mọi người trong làng đùm bọc, cho dù, tôi chỉ thực sự thuộc về ngôi nhà đó vào ban đêm, khi cả làng chìm vào giấc ngủ sau một ngày làm việc mệt mỏi. Lúc đó, tôi mới ngồi lại để ghi chép những gì thu nhận được. Tôi cố gắng sưu tập tất cả những gì tôi nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy và ngửi được”.

Ngày nay, đôi khi chúng ta hoài nghi: Liệu văn hóa các dân tộc thiểu số này có tồn tại qua cơn lốc toàn cầu hóa hay không? “Tôi nhìn thấy bằng chứng rằng văn hóa của họ vẫn cứ tồn tại”, Stroud nói. “Người San ở Namibia, người Inuit ở Bắc Cực, người Hewa ở Tân Guinea, họ sẽ giữ gìn văn hóa của mình, và họ cũng sẽ chấp nhận những gì diễn ra ngay sát nách mình”. Và “Sớm muộn gì họ cũng sẽ có điện thoại di động mà thôi”.

Còn với "Chúng tôi ăn rừng" của G. Condominas thì những tư liệu ghi chép về sinh hoạt trong đời sống vật chất và tinh thần của người Mnông Gar, giờ đây, trở thành tài sản vô giá của nhân loại. Khi G. Condominas trở về làng Sar Luk. “Điều gây ấn tượng cho tôi khi quay lại ngôi làng ấy chính là sự hiện hữu của mình không chỉ trong ký ức của lớp người già mà còn với thế hệ trẻ hôm nay. Nhắc đến tôi, họ nghĩ, tôi đã thuộc về họ, là một cá thể trong cộng đồng của họ” - ông hồ hởi tâm sự. Đó cũng là hạnh phúc lớn của một nhà dân tộc học, đã được cộng đồng yêu và không bao giờ quên; chính người Mnong Gar truyền miệng nhau hình ảnh một người đã sống hết mình vì cộng đồng mình.

Cũng chính tình yêu dành cho cộng đồng Mnong Gar, cho Tây Nguyên nên sau khi trở lại nơi này, thấy phong trào xây dựng “nhà văn hóa”, “buôn văn hóa” ở đây, ông tâm sự: “Theo tôi, không thể ngay một lúc tạo ra các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, mà phải tôn trọng những truyền thống có sẵn, và đặt nó trong tính tổng thể, trong không gian văn hóa. Mà không gian văn hóa của người Mnông Gar là không gian núi rừng, chứ không bó hẹp trong các "buôn văn hóa". Mặt khác, mọi quyết định tác động đến đời sống văn hóa phải là quyết định của cả một tập thể, chứ không phải là ý chí chủ quan”.

Tôi và có lẽ mọi người cũng nghĩ rằng, đến một ngày kia, người Mnong Gar cũng sẽ dùng điện thoại di động, dùng máy vi tính như cách nói của Stroud về người Inuit ở Bắc Cực, người Hewa ở Tân Guinea… và những giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa có thể bị san lấp, bị chôn vùi trong cơn lốc hiện đại hóa, toàn cầu hóa. Vì tất cả những gì thuộc về con người đều luôn vận động, biến đổi cho dù chúng ta khó chấp nhận sự thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng rằng điều đó sẽ ít xảy ra, và nếu có như vậy thì vẫn còn nguồn tư liệu của các nhà làm phim, các nhà dân tộc học… đã từng sống, trải nghiệm và ghi chép lại. Và lúc ấy, Chúng tôi ăn rừng của G. Condominas có giá trị biết bao./.

(Theo: Hồn Việt)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất