Đánh giá về tình hình xuất bản hiện nay, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định, thị trường sách hiện nay có không dưới 50% là sách vô bổ. Thực tế, không chỉ vô bổ, thị trường sách còn chứng kiến cả những ấn phẩm phản cảm, gây xôn xao dư luận mà điển hình là cuốn sách dành cho tuổi teen của NXB Mỹ thuật liên kết cùng Công ty Truyền thông Nhã Nam vừa xuất hiện trên thị trường.
Cuốn sách gây kinh ngạc cho bạn đọc không chỉ ở nhan đề Sát thủ đầu mưng mủ - Thành ngữ sành điệu bằng tranh mà còn ở trang bìa với hình ảnh một sát thủ tay cầm súng đang quay người đi bỏ lại đằng sau một nạn nhân vừa bị bắn. Đầu của sát thủ chằng chịt cao dán thuốc biểu hiện cho câu “Sát thủ đầu mưng mủ”!
Giở những trang sách ra, người đọc choáng với rất nhiều câu thành ngữ bị biến dạng kiểu như “môi hở, răng hô”, “không phải chú dốt mà là mẹ chú quên cho i-ốt vào canh”, “một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”, “cái khó ló cái ngu”, “trăm lời anh nói không bằng làn khói a còng”… Mỗi câu đều được thể hiện cụ thể bằng tranh minh họa.
Theo tác giả Thành Phong, đây là những câu quen thuộc hiện đang được sử dụng rất nhiều trong giới trẻ trên các diễn đàn trực tuyến. Từ những câu gọi là thành ngữ đó, tác giả đã chuyển thể thành tranh minh họa, có một số lấy nguyên ý gốc nhưng cũng có một số chỉ là nhại lại ý gốc với hàm nghĩa đùa giỡn như “ăn chơi sợ gì mưa rơi” vẽ cảnh một đứa bé vừa chơi vừa được mẹ đút cơm cho ăn trong cơn mưa. Cũng theo tác giả, cuốn sách được làm ra thuần để giải trí và để tránh những bạn đọc còn quá nhỏ, chưa hiểu ý đùa giỡn trong sách nên tác phẩm giới hạn bạn đọc từ 15 tuổi trở lên, ghi rõ ngay bìa sách!
Có ý kiến cho rằng, tác phẩm này chạy theo trào lưu “đọc thuần túy thư giãn”, nghĩa là tác phẩm không cần quan tâm đến ý nghĩa mà chỉ là các cảnh gây cười để bạn đọc giải trí. Trước đây, trong dòng sách này nổi bật là bộ Chú Thoòng, hiện nay là bộ Ô Long viện, tất cả đều ăn khách, tái bản lại nhiều lần, chứng tỏ nhu cầu của bạn đọc đối với thể loại này không phải nhỏ.
Tuy nhiên, nếu Chú Thoòng hay Ô Long viện chủ yếu mang tiếng cười vô thưởng vô phạt thì Sát thủ đầu mưng mủ - Thành ngữ sành điệu bằng tranh lại phát tán lối sống lệch lạc, vớ vẩn như “Không mày đố thầy dạy ai” với minh họa là cả một lớp bỏ học để mình thầy giáo đứng trơ trọi.
|
Bìa sách Sát thủ đầu mưng mủ (bên trái) và một số tranh vẽ trong sách này đang gây phản cảm cho bạn đọc. |
Cần nhìn nhận khách quan, ấn phẩm Sát thủ đầu mưng mủ - Thành ngữ sành điệu bằng tranh về phương diện kỹ thuật thể hiện sự bình thường trong tay nghề của họa sĩ truyện tranh. Bản thân tác phẩm là một sáng tác ngẫu hứng của người họa sĩ từ các cảm xúc bắt nguồn từ xã hội ảo.
Tuy nhiên, cảm xúc, ngẫu hứng là của riêng người nghệ sĩ, khi xuất bản thành sách, phát hành rộng khắp trong cộng đồng đòi hỏi phải đúng luật định, có thẩm mỹ, hướng theo lối sống lành mạnh, nên cần đặt nặng trách nhiệm chọn lọc của các đơn vị quản lý mà ở đây là NXB.
Luật Xuất bản đã ghi rõ trách nhiệm của các đơn vị xuất bản trong việc ngăn chặn những tư tưởng lệch lạc, trái thuần phong mỹ tục, bôi bác, bóp méo ý nghĩa tích cực của các câu thành ngữ vốn mang tính dân gian, dân tộc, thể hiện nếp sống đẹp của nhân dân, thậm chí gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, tư duy của một bộ phận giới trẻ.
Nhận xét về tình trạng này, ngành xuất bản cũng đã khẳng định: “Nhiều NXB còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong liên doanh liên kết, để tư nhân chi phối, Thậm chí có NXB thực chất chỉ là đơn vị bán giấy phép”.
Với ấn phẩm Sát thủ đầu mưng mủ - Thành ngữ sành điệu bằng tranh, lẽ ra, nếu có sự biên tập nghiêm túc, NXB trao đổi với tác giả, đơn vị làm sách một cách có trách nhiệm thì có thể đã tránh được những chi tiết lệch lạc theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa gây phản cảm cho người đọc.
Đề nghị thu hồi Sát thủ đầu mưng mủ
Ngày 25-10, bà Đặng Thị Bích Ngân, Phó Giám đốc NXB Mỹ thuật cho biết đơn vị này đã ra văn bản gửi đơn vị liên kết là Công ty Truyền thông Nhã Nam thu hồi cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ.
Bà Ngân cho biết, khi xin cấp phép xuất bản, đơn vị liên kết có đưa ra tên sách là “Thành ngữ sành điệu” nhưng khi in và phát hành thì tên cuốn sách là Sát thủ đầu mưng mủ - Thành ngữ sành điệu minh họa bằng tranh - cụm từ này không tiêu biểu cho nội dung cuốn sách.
“Ngay sau khi nhận được thông tin về những nội dung phản cảm này, chúng tôi đã kiểm chứng lại cuốn sách. Trong sách có nhiều nội dung không đúng với những gì chúng tôi đã duyệt trên bản thảo. Người ta đã tự thêm vào nhiều tranh vẽ mà không được sự đồng ý của chúng tôi”, bà Ngân cho biết.
Trước đó, ngày 24-10, Cục Xuất bản cũng có công văn yêu cầu NXB Mỹ thuật kiểm tra nội dung và có biện pháp xử lý cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ với nhiều phần bị dư luận đánh giá là phản cảm, không phù hợp giáo dục thanh thiếu niên. |
Theo SGGP