Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 30/10/2011 17:46'(GMT+7)

Tìm hiểu một số làn điệu dân ca dân tộc Sán Chỉ ở Cao Bằng

 

Ở Cao Bằng, người Sán Chỉ chiếm 1,5% dân số toàn tỉnh. Nơi cư trú chủ yếu của đồng bào là các vùng triền đồi cao và thung lũng tương đối bằng phẳng thuộc các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình... Trước đây, phần lớn người Sán Chỉ có tập quán du canh du cư, phát nương làm rẫy, săn bắn thú rừng. Hiện nay, đồng bào đã định cư với việc trồng lúa nương, trồng ngô và làm ruộng nước, trồng thêm hoa màu.

Người Sán Chỉ ở Cao Bằng có nhiều nét đặc sắc trong đời sống văn hoá vật thể và phi vật thể, được phản ánh sâu sắc qua công trình kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, lễ hội và kho tàng dân ca, dân vũ. Đa số cộng đồng người Sán Chỉ vẫn sinh sống quần tụ trong những làng bản riêng nên vẫn lưu giữ được những bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình. Một trong những nét đặc trưng, thể hiện bản sắc văn hoá của người dân tộc Sán Chỉ là dân ca.

Dân ca Sán Chỉ có nhiều làn điệu mang sắc thái tình cảm khác nhau, thường được tổ chức trình diễn vào các ngày chợ phiên, ngày Tết - Lễ - Hội cổ truyền của dân tộc. Nội dung những bài hát cũng rất phong phú nhằm ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước, cuộc sống lao động hăng say; nêu gương người tốt việc tốt, tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình, tình bè bạn, tình làng nghĩa xóm; phê phán những cái ác, thói hư tật xấu, ích kỷ cá nhân và các tệ nạn trong xã hội...

Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu nhằm bảo tồn, lưu giữ kho tàng văn hoá nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Sán Chỉ đã và đang từng bước phát huy kết quả quan trọng. Tuy nhiên, kho tàng dân ca, dân vũ của người Sán Chỉ vẫn chưa được quan tâm khai thác, sưu tầm, ghi băng, ghi hình và nghiên cứu, phân tích đầy đủ để lưu giữ, bảo tồn.

Thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia về văn hóa, Sở VH-TT-DL tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành đề tài “Sưu tầm, lưu giữ dân ca, dân vũ dân tộc Sán Chỉ tỉnh Cao Bằng”, giúp cho mọi người có điều kiện tìm hiểu về dân ca Sán Chỉ một cách khoa học, đầy đủ và rõ ràng hơn. Đồng thời tìm ra giải pháp để bảo tồn các thể loại dân ca, dân vũ dân tộc Sán Chỉ và phổ biến rộng rãi trong đời sống của quần chúng nhân dân; góp phần phong phú thêm kho tàng văn hoá nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, dân ca của người Sán Chỉ, được sản sinh từ cuộc sống và lưu truyền trong dân gian ngày càng phong phú. Dân ca, dân vũ chính là hình thức phản ánh sâu sắc cuộc sống của cộng đồng người Sán Chỉ về tình làng nghĩa xóm, tình yêu thương con người, tình yêu quê hương, đất nước…Nhìn chung, mỗi bài hát dân ca Sán Chỉ thường viết theo thể "thất ngôn", bên cạnh đó cũng có một số bài viết không theo quy tắc. Nội dung các bài hát rất phong phú và đượm chất trữ tình, ca từ vừa mộc mạc lại vừa tinh tế, gần gũi với đời sống của chính họ, được phân ra thành Hát ru, Hát giao duyên, Hát tự tình, Dân ca nghi lễ…

1. Hát ru (lu sấy)

Loại hình dân ca này chiếm số nhỏ trong kho tàng dân ca của người Sán Chỉ. Những bài hát ru thường có giai điệu nhẹ nhàng, mềm mại giúp cho em nhỏ chìm dần vào giấc ngủ qua những lời hát yêu thương của người lớn.

Về tiết tấu, phần lớn theo diễn xướng tự do, tiết nhịp dàn trải, vừa nhịp nhàng đẩy võng, đưa nôi thành một chuyển động chu kỳ có tính ngâm ngợi tâm tình.

Nội dung thường dùng những hình tượng mộc mạc của cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ dân tộc Sán Chỉ ở miền núi, nhưng chan chứa tình cảm gần gũi, thân thương, gợi âm thanh ngọt ngào, trìu mến, vỗ về để con trẻ ngủ ngon.

Con ơi nín đi mẹ thương con

Nhè nhẹ đưa nôi ru con ngủ

Ngủ trong nôi đẹp mẹ căng màn

Ngàn điều con ngủ ngoan con nhé

Mẹ đắp chăn ấm cho con ngủ

Ruồi muỗi không đốt được con yêu

Mẹ luôn bên con, con đừng sợ

Ngủ ngoan con nhé, Mẹ yêu con.

2. Hát giao duyên

Nam nữ thanh niên người Sán Chỉ thường hát giao duyên trong những lúc đi làm nương, khi đi chợ, đi hội, trong đám cưới, mừng nhà mới... đặc biệt là trong lễ cấp sắc của người con trai Sán Chỉ khi đến tuổi trưởng thành - đó chính là những dịp họ hàng, xóm làng tụ họp và là dịp để cho các nam nữ thanh niên cất lên những lời ca giao duyên, hẹn ước.

Trong các phiên chợ xuân, khi những người con trai, con gái Sán Chỉ gặp nhau họ thường chào hỏi và làm quen. Thật là tinh tế, sâu sắc khi chàng trai đã chủ động cất lời ca để xin được làm quen; và người con gái cũng thật tế nhị đáp lời e thẹn:

Nam: Giơ tay hỏi, em đi đường nào?

Cho anh cùng sánh bước được không?

Núi rừng trên non chim liệng hót

Cất lời ca, muốn được làm quen.

Nữ: Giơ tay chào người đang đi tới!

Chợ xuân em muốn được chung đường.

Chim vui ríu rít trên cành lá

Lòng em bối rối bởi lời ca.

Hoặc những đôi trai gái khi đã quen biết nhau, đã gửi gắm cho nhau những tình cảm chân thành họ sẽ bày tỏ tình cảm và hứa hẹn với nhau về một cuộc sống hạnh phúc:

Nam: Ngày tốt, giờ lành được gặp em

Mọi điều tốt đẹp như ý muốn

Nữ: Chọn ngày hạnh phúc của trăm năm

Em chờ, em đợi ngày vui tới

Nam: Chân thành, chung thủy suốt cuộc đời

Hạnh phúc bên nhau mãi em nhé

Nữ: Hoa đào đã nở, mùa xuân đến

Chân thành, chung thủy thật không anh?

Nam: Những lời anh nói rất chân tình

Tuổi trẻ thanh xuân không nói dối

Nữ: Đơm hoa kết trái đầy hạnh phúc

Được theo ý muốn, nguyện ước mong.

3. Hát tự tình

Nếu hát giao duyên là hình thức hát đối đáp giữa hai người hoặc giữa nhiều người với nhau, thì trong kho tàng dân ca nói chung và dân ca Sán Chỉ nói riêng còn có thể loại hát tự tình. Đó là những lời hát được cất lên bởi một người hát, chỉ cho bản thân mình nghe, hoặc cho nhiều người khác cùng nghe nhằm nói lên tâm trạng của mình trước cuộc sống xã hội. Có thể lời hát đó nhằm bộc bạch niềm vui của một người đang yêu muốn nhắn nhủ với trời đất; có thể đó là một nỗi buồn mà người hát muốn chia sẻ cùng cỏ cây, hoa lá; hoặc đó là niềm hân hoan trước những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp; niềm vui khi tìm ra chân lý… Trong hát tự tình, chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ; chủ đề về tình yêu quê hương, đất nước là phổ biến.

Từ khi có Đảng dẫn đường chỉ lối…

Cuộc sống dân tộc Sán Chỉ được đổi thay

Mọi người biết làm ăn từng ngày

Trẻ em hân hoan đến trường học

Biết nhiều kiến thức ở thầy cô

Nhờ có Đảng soi đường chỉ lối

Nhà nhà Sán Chỉ được ấm no.

4. Dân ca nghi lễ

Hát đón dâu (slỉp bòng), thường xuất hiện trong các dịp tiến hành hôn lễ. Sau khi các nghi thức đón dâu đã hoàn thành, gia đình tổ chức hát mừng cho lễ cưới của đôi trai gái nhằm chúc mừng cho gia đình đã có thêm cô dâu hiền; cầu chúc gia đình, họ hàng, bạn bè luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc; chúc mừng đôi trai tài gái sắc được sánh đôi; chúc vợ chồng trăm năm hạnh phúc, sinh con khoẻ mạnh nối dõi tông đường:

Giơ tay đón chào, ngàn điều tốt

Em tiếp khách quan, quý như ngọc

Ngồi sang cạnh mâm cùng gói vàng

Dâng khay ngọc quý báo tổ tiên

Chúc mong nhà nhà mọi điều tốt

Đôi lứa bên nhau mãi mùa xuân

Nguồn nước trong con cá bơi lội

Chúc cả nhà hạnh phúc, ấm no.

Hát mo cầu an là hình thức hát nghi lễ, thường được kết hợp hát, tung quẻ và cầu khấn mong cho cuộc sống gia đình, làng xóm luôn may mắn, thuận lợi; hát mo cầu an để cầu cho mọi người luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, an vui; cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu…

Ngày lành tháng tốt,

Con xin cầu nguyện

Cho con cho cháu

Đi ngược về xuôi

Mệnh hộ độ trì

Tai qua nạn khỏi.

Điều lành ở lại,

Điều dại thì đi

Đi mây về gió,

Dẫn đường chỉ lối

Cho người trần gian.

Con lạy trời

Con lạy đất

Biết đường mà đi

Biết tội mà tránh.

Con xin chín nương rẫy,

Mười rừng măng, rừng trúc

Lợn đầy nhà, gà đầy sân

Làm một, ước chín, được mười

Năm nay gấp chín, gấp mười năm qua...

Ngoài ra, dân ca, dân vũ của dân tộc Sán Chỉ còn mang giá trị giáo dục khá sâu sắc, đó là lời dạy về truyền thống đạo đức, luân lý xã hội, tình yêu thương con người và lối ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên. Thông qua các làn điệu dân ca, người dân cũng thổ lộ nỗi lòng, thể hiện sự vui mừng hay nỗi niềm đau khổ, bày tỏ sự yêu thương hay oán trách, nói lên câu chúc tụng hoặc đưa ra răn đe… Vì vậy, hình nghệ thuật này giúp người dân sinh hoạt văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần. Cũng có thể coi dân ca, dân vũ là một “công cụ” để mọi người bày tỏ với nhau nỗi lòng một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.

Mỗi tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều mang những sắc thái riêng của dân tộc mình trong quá trình phát triển lịch sử. Trong cuộc sống xã hội, ngoài việc chăm lo cho đời sống vật chất, thì những giá trị văn hoá, tinh thần cũng là một nhu cầu không thể thiếu đối với mỗi người và mỗi cộng đồng. Với ý nghĩa đó, dân ca, dân vũ là yếu tố không thể thiếu vắng trong văn hóa của dân tộc Sán Chỉ, và dường như nó là bản sao của riêng tộc người Sán Chỉ không xen lẫn. Có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng trong văn hóa của người Sán Chỉ và cộng đồng các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Dân ca, dân vũ dân tộc Sán Chỉ ở Cao Bằng có giá trị nghệ thuật tổng hợp, đặc sắc và gần gũi với nhân dân, lời ca, tiếng nhạc, trang phục, điệu múa dân gian hết sức phong phú và hấp dẫn, gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau tạo nên tính chất trữ tình và tự sự, phản ánh tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở địa phương về cuộc sống tươi đẹp và chan chứa tình yêu thương.

Ngày nay, trong xu thế hội nhập, đan xen cơ hội và thách thức, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng việc giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá tích cực. Đảng ta khẳng định "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII; coi văn hoá là nền tảng, mục tiêu và là động lực của công cuộc phát triển đất nước. Vì vậy, việc kế thừa và phát huy những nét đặc sắc của nền văn hoá nghệ thuật các dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Sán Chỉ nói riêng đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác sưu tầm, bảo tồn vẫn còn nhiều hạn chế; việc nghiên cứu là quá ít và triển khai chậm trong khi các lớp nghệ nhân đang ngày càng ít đi, thanh niên đang xa dần vốn nghệ thuật truyền thống và trào lưu du nhập văn hoá mới lại đang phát triển nhanh chóng. Đây cũng là đòi hỏi cấp bách đối với các cấp uỷ Đảng và chính quyền, để kịp thời có kế hoạch cụ thể về việc bảo tồn văn hoá phi vật thể ở vùng đồng bào dân tộc ít người, trong đó có dân ca, dân vũ của tộc người Sán Chỉ ở Cao Bằng.

Các cơ quan nghiên cứu cần liên kết với nhau để nghiên cứu, sưu tầm và phát triển dân ca một cách có hệ thống và đồng bộ. Đồng thời có kế hoạch đào tạo lớp trẻ trên cơ sở nâng cao nhưng vẫn giữ được bản sắc, để cho loại hình dân ca, dân vũ của người Sán Chỉ thực sự đi vào cuộc sống, phát huy được những giá trị văn hoá tốt đẹp và tính độc đáo của loại hình nghệ thuật này; góp phần làm phong phú cho kho tàng văn hoá nghệ thuật Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển đi lên của đất nước./.

Hoàng Kim Tuyến

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất