Hằng năm, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, đề tài chiến tranh cách mạng lại trở thành chủ đề của hàng loạt chương trình âm nhạc được nhiều ban ngành các cấp, đơn vị nghệ thuật, địa phương tổ chức để tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập của Tổ quốc. Nhưng nhiều năm gần đây, đề tài này bắt đầu được quan tâm khai thác trong những dự án âm nhạc cá nhân.
Chiến tranh, đặc biệt là những cảnh quay bom rơi, đạn nổ ngỡ chỉ là "lãnh địa" của các bộ phim lịch sử thực hiện bằng nguồn kinh phí của Nhà nước bắt đầu được nghệ sĩ chịu đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Dù rằng, hầu hết chủ nhân của những sản phẩm này đều cho rằng, để có một sản phẩm như thế, vấn đề không chỉ là tâm sức hay tiền bạc.
Giữa không khí cả nước cùng tập trung cho các hoạt động kỷ niệm, tri ân thương binh, liệt sĩ cùng rất nhiều hoạt động đặc biệt được chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2018) và tưởng niệm 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc thì trong rạp chiếu phim nhỏ giữa thủ đô Hà Nội, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên khuôn mặt khán giả.
Cả khán phòng như lặng đi. Đánh động tâm thức người xem về một thời hoa lửa không phải là một dự án điện ảnh hoành tráng như thường thấy, mà chỉ là một MV ca nhạc. Tái hiện hình ảnh nữ thanh niên xung phong Hồ Thị Cúc - một trong 10 đóa hoa bất tử nơi Ngã Ba Đồng Lộc, "Cúc ơi" của NSƯT Tố Nga cũng là một trong số các MV hiếm hoi của nghệ sĩ hát nhạc truyền thống được trình chiếu tại rạp phim.
Chỉ có thời lượng, chưa đầy chục phút nhưng MV "Cúc ơi" đã cho
người xem cảm nhận tương đối đầy đủ về chân dung của một cô gái trẻ, quả
cảm, dâng trọn thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Màn thoại ngắn gọn giữa
nữ thanh niên Hồ Thị Cúc trong thời khắc bình lặng hiếm hoi của thời
chiến, nồi cá kho vừa kịp chín, trang nhật ký, bức thêu dang dở, nụ cười
tươi rói thanh xuân của 10 cô gái thanh niên xung phong trước giờ làm
nhiệm vụ, những tiếng trêu đùa vừa làm vừa hát, những tiếng nổ long trời
và khói đen mù mịt, đất đá ngổn ngang…
Có lẽ, ít ai biết, MV nhỏ xinh, thể hiện lại là ca khúc phổ nhạc từ
bài thơ cùng tên của tác giả Yến Thanh đã nổi tiếng suốt nửa thế kỷ qua
lại là dự án âm nhạc mà nữ nghệ sĩ loay hoay đến 12 năm và suốt 4 tháng
trời "mất ăn mất ngủ" cùng êkip. Để tìm được bối cảnh cho MV, êkip mất
nhiều ngày lặn lội khắp đất Hà Tĩnh vì hiện nay, khắp nơi đã là đồng
ruộng, các con đường cũng trải nhựa, bao phủ bởi màu xanh yên bình, rất
khó có được bối cảnh ngổn ngang đúng với thời chiến.
Đến khi cả đoàn đã tính chuyện quay về dựng phim trường thì bất ngờ
đi qua đập Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang - Hà Tĩnh), ngay gần nơi nữ thanh
niên Hồ Thị Cúc sống thuở nhỏ. Êkip đã mừng đến phát khóc khi thấy cả
một vùng đất rộng lớn, không có người ở, nhiều ụ nổi, dễ dàng có thể
thực hiện được cảnh bom mìn mà không ảnh hưởng đến người dân. Chính bối
cảnh này đã giúp MV có được một không khí đặc biệt, khắc họa được chân
thực hơn bối cảnh thời chiến.
NSƯT Tố Nga cho biết, trong sự nghiệp 25 năm ca hát, MV "Cúc ơi"
được xem như sản phẩm nghệ thuật lớn nhất của chị. Kinh phí đầu tư cho
MV là kết quả của nhiều tháng năm miệt mài đi hát. Nhưng, nếu không có
sự hỗ trợ từ cộng đồng, chắc chắn, tâm nguyện của chị khó thành hiện
thực.
Để thực hiện MV, dựng lại hình ảnh thời chiến tranh với những nữ
thanh niên xung phong hăng hái ngày đêm san đường, lấp hố bom, giữ thông
tuyến đường chiến đấu, đoàn phim đã phải huy động đến 200 diễn viên
quần chúng. Để có những cảnh quay chân thực nhất, toàn bộ cảnh bom mìn,
êkip phải cậy nhờ vào sự cố vấn bên quân đội. Thế nhưng, cả diễn viên
chính lẫn diễn viên phụ vẫn có lúc hốt hoảng đến bật khóc.
Nữ ca sĩ Hoa Trần, người vào vai nữ anh hùng Hồ Thị Cúc chia sẻ, lần
đầu tiên tham gia một dự án mang màu sắc thời chiến, trực tiếp thực hiện
những cảnh đào đất san đường, đối diện với nỗi lo sợ cảnh cháy nổ thật
nên sau nhiều tháng trời, tim vẫn loạn nhịp mỗi khi nhớ lại. Để lột tả
được cảnh khói lửa bom mìn, êkip đã dùng hàng trăm chiếc lốp xe và đốt
lên, khói phủ kín một vùng đất. Thực hiện đi thực hiện lại hàng chục
lần, khói ám vào mặt dày đến nỗi, thực hiện xong cảnh quay, cả diễn viên
lẫn quay phim chỉ thấy mắt hấp háy giữa mảng đen sì.
Nhưng, ấn tượng hơn cả là cảnh bom giội, chị Cúc ngã xuống với cái
nắng đổ lửa. Để có cảnh quay ưng ý, nữ ca sĩ phải thực hiện đi thực hiện
lại rất nhiều lần giữa trưa nắng rát của miền Trung, chịu hàng xô đất
đá hất vào người. Thực hiện cảnh bom nổ là một kỷ niệm nhớ đời. Vì êkíp
chỉ có 3 quả nổ, phải quay "một đúp xong ngay".
Không quen với súng đạn nên Hoa Trần và các diễn viên bị trật nhịp.
Quả nổ thứ nhất còn phản ứng chạy kịp, đến quả nổ thứ hai thì chỉ thấy
màng nhĩ muốn nổ tung. Kết quả là một bên tay và vạt lưng áo bị cháy
sém. Một nữ diễn viên khác trong vai các chị thanh niên xung phong cũng
bị bỏng da tay, chảy máu. Đứng ở bên ngoài chứng kiến cảnh quay, NSƯT Tố
Nga lo sợ đến bật khóc.
|
Diễn viên quần chúng là một trong những thách thức lớn với các ê kip thực hiện MV ca nhạc về chiến tranh cách mạng.
|
Không ai bảo ai, tất cả đều tự nhủ thầm sẽ không bao giờ quay cảnh
chiến tranh cho các sản phẩm âm nhạc của mình nữa. Nhưng, vượt qua
khoảng thời gian này, khi đã bình tĩnh hơn và chia sẻ với nhau, các
thành viên đều cho rằng, có lẽ, đây chính là những trải nghiệm cần thiết
để các nghệ sĩ, diễn viên thấu hiểu hơn sự khốc liệt của chiến tranh,
những gian lao thời chiến mà thế hệ đi trước từng trải qua để có thể
chuyển tải trọn vẹn hơn trong các dự án nghệ thuật của bản thân trong
tương lai.
Có lẽ, đây cũng là tâm trạng chung của nhiều nghệ sĩ khác khi đầu tư
cho các dự án âm nhạc cá nhân về đề tài chiến tranh, cách mạng. Ca sĩ
Phạm Phương Thảo - Sao Mai 2003, một trong số ít các nghệ sĩ từng được
cho là khá liều lĩnh khi thực hiện và khi "trình làng" cùng lúc bộ đôi
album CD-DVD "Tri ân" trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm
2017.
Bản thân nữ ca sĩ cũng thừa nhận mình mạo hiểm khi dồn đến đồng tiền
cuối cùng từ kết quả chạy show liên tục nhiều năm cho một dự án nghệ
thuật được báo trước là không thể lấy thu bù chi. Nhưng với người nghệ
sĩ, khi ý tưởng đến, dự định làm mà chưa thực hiện được thì "như bị tiền
trong túi cắn", không làm không yên.
Cũng vì là dự án riêng của bản thân, khi đã bắt tay vào thực hiện,
nghệ sĩ nào cũng mong muốn đi đến tận cùng ý tưởng nên "đâm lao phải
theo lao". Để thực hiện các MV cho album, Phương Thảo đã phải cùng một
lúc cậy nhờ đến 3 đạo diễn có uy tín trong nghề: Phạm Đông Hồng, Việt
Hương, Dương Lan Hương. Cả năm trời rong ruổi từ Bắc vào Nam tìm bối
cảnh, mệt đến mức có ngày tưởng chừng không dậy nổi. Phương Thảo vắt
kiệt cùng cả sức lực lẫn tài chính cho dự án âm nhạc này.
Về phía các đạo diễn, làm sao để đưa những dự án âm nhạc này thành
hiện thực và đủ sức thu hút, lôi cuốn khán giả là thách thức không nhỏ.
Ngay đạo diễn có thâm niên cao nhất nhì "làng" nhạc truyền thống như
Phạm Đông Hồng cũng than thở rằng, đề tài chiến tranh cách mạng đã được
khai thác rất nhiều.
Album ca nhạc nói chung hiện nay đã không còn là sự lựa chọn của số
đông ca sĩ vì tốn kém mà không hiệu quả về tài chính. Vì vậy, khi tham
gia các dự án như thế, việc lựa chọn góc phản ánh nào để không trùng
lắp, để khán giả thấy cái mới cần xem và không quá tốn kém mới là chuyện
khó với người đạo diễn.
Đồng quan điểm với đạo diễn Phạm Đông Hồng, nữ đạo diễn Lam Hạ cũng
không ngần ngại thừa nhận, với một người trẻ như cô, làm MV ca nhạc về
đề tài chiến tranh cách mạng, dù hấp dẫn nhưng rất áp lực. Chưa kể, thực
hiện các cảnh cháy nổ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phương tiện cực hạn chế.
Nếu sơ suất, rất khó có điều kiện thực hiện lại.
Vì vậy, Lam Hạ chọn cách kể một câu chuyện lịch sử từ góc nhìn của
môt người trẻ, khắc họa sâu vào tâm lý, những cảnh chiến tranh chỉ để
tôn vinh cho vẻ đẹp của nhân vật. Với Lam Hạ, thực hiện những MV ca nhạc
về đề tài chiến tranh cách mạng vẫn là "lãnh địa" nhiều thách thức
nhưng cũng mang lại nhiều trải nghiệm nghề nghiệp đáng quý. Nếu có cơ
hội, cô vẫn tiếp tục thử sức với các sản phẩm nghệ thuật như thế./.
Ngọc Nguyễn (Văn nghệ Công an)