CÁCH TIẾP CẬN VỀ KHÔNG GIAN CHIẾN LƯỢC
Không
gian và chiến lược là những phạm trù cơ bản, là đối tượng nghiên cứu
của nhiều ngành khoa học, trong đó có địa lý và chính trị. Không gian
(space) là nhu cầu vật chất cho mọi thực thể sống và tồn tại, được hiểu
là môi trường mà trong đó các hoạt động sống diễn ra và được thể hiện ở
quy mô, phạm vi của các hoạt động đó(1). Quan niệm truyền
thống về không gian bao gồm đất, biển, trời và vũ trụ (thường gọi là
không gian địa - vật lý hay không gian tự nhiên). Đây là một hằng số
trong mọi tính toán chiến lược của quốc gia bởi nó là nơi chứa đựng cơ sở vật chất, nền tảng ban đầu cấu thành chính sách và quyền lực của nhà nước(2).
Ngày nay, phạm trù không gian được mở rộng và nhấn mạnh nhiều đến không
gian mạng (cyberspace). Thông qua internet, không gian mạng đã trở
thành một công cụ hữu hiệu trong tạo dựng và kiểm soát thông tin.
Trước thế kỷ XVIII, chiến lược (strategy)
thường được hiểu là phương cách hay mưu lược để giành chiến thắng trong
một cuộc chiến tranh, sau đó dần được mở rộng sang hầu hết các ngành,
lĩnh vực của đời sống xã hội(3). Có nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ này(4),
nhưng tựu trung, hầu hết đều cho rằng, chiến lược là chương trình, kế
hoạch hành động được thiết kế để đạt được một mục tiêu cụ thể, là tổ hợp
các mục tiêu dài hạn và các biện pháp, cách thức, con đường đạt đến các
mục tiêu đó(5). Trong lĩnh vực quân sự, chiến lược được hiểu là mưu lược phòng thủ hay tấn công(6). Còn trong chính trị quốc tế, chiến lược thường được ví như một “kế hoạch trò chơi” hay “một kế hoạch đầy đủ”(7), trong đó chỉ rõ lựa chọn “người chơi” và quyết định quyết sách đối với từng trường hợp cụ thể(8).
Trong kinh tế đối ngoại, chiến lược là kế hoạch, cách thức sử dụng các
công cụ kinh tế để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của quốc gia,
trong đó có mục tiêu địa - chính trị(9). Hơn nữa, chiến lược
về không gian còn được thể hiện ở những lĩnh vực cụ thể, như chiến lược
trên đất liền, chiến lược biển, chiến lược không trung, chiến lược không
gian mạng... Phạm trù của các khái niệm này được đề cập gần
như trong tất cả các học thuyết về địa - chính trị, địa - quân sự, địa -
kinh tế, điển hình là thuyết “vành đai đất vùng ven” của học giả
Ni-cô-la Gi. Xpai-cơ-men (Nicholas J. Spykman), “quyền lực biển” của
An-phơ-rét Thai-ơ Ma-han (Alfred Thayer Mahan), “sức mạnh trên không”
của Alếch-xan-đơ P. đơ Xi-vơ-xki (Alexander P. de Seversky), “bàn cờ
lớn” và “trò chơi quyền lực” của Gi. Brê-din-xki (Zbigniew Brzezinski),
“địa - quân sự” của Mi-ly-iu-tin (Milyutin), “địa - kinh tế” của trường
phái E. Lút-oac (Edward N. Luttwak)...(10).
Có thể thấy, không gian chiến lược (strategic space) là phạm trù bao trùm của địa - chiến lược(11),
là môi trường mà trong đó con người, xã hội được cung cấp hay được bảo
đảm an ninh; có cơ hội để phát triển và ngày càng làm chủ vận mệnh của
mình; có vị thế lớn hơn trong cộng đồng quốc tế thông qua các chiến
lược, sách lược của mình (thường là của quốc gia) về phát triển không
gian đối nội và đối ngoại. Không gian chiến lược vừa có tính khách quan,
được cấu thành bởi yếu tố tự nhiên (đất, biển, trời, vũ trụ), khá ổn
định, vừa mang tính chủ quan, luôn biến động do tác động của con người
và sự biến đổi của thời gian, bối cảnh lịch sử. Chính vì vậy, sức mạnh,
tầm ảnh hưởng, sự nông, sâu của không gian chiến lược của một quốc gia
trong quan hệ quốc tế không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh tiềm năng của địa
lý, mà quan trọng hơn là tác động từ tư duy chiến lược, chính sách phát
triển quốc gia và sự tương tác với thế giới bên ngoài.
Ngày
nay, không gian chiến lược còn được mở rộng cả trong không gian mạng.
Mặc dù không thuộc tính địa - vật lý, nhưng không gian mạng có mối quan
hệ chặt chẽ với không gian thực, như đất đai, biển, trời và vũ trụ. Các
hệ thống thông tin trên mạng được phổ biến đến con người trên những khu
vực không gian, vị trí lãnh thổ nhất định bằng công nghệ thông tin. Vị
trí địa lý, quy mô lãnh thổ, địa hình và mật độ dân số trên lãnh thổ là
những yếu tố quan trọng cấu thành không gian mạng, là những cơ sở cho
xây dựng và kiểm soát các cơ sở dữ liệu lớn (big database) hoặc các ngân
hàng dữ liệu (banks database). Chính vì vậy, việc duy trì, mở rộng
không gian chiến lược nói chung, bảo đảm chủ quyền thông tin, không gian
mạng nói riêng trong bối cảnh cạnh tranh và bùng nổ công nghệ thông
tin, xung đột địa - chính trị đang trở thành vấn đề cấp bách đối với mọi
quốc gia - dân tộc, trong đó có Việt Nam.
THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC PHÍA TRƯỚC
Kể
từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, sự đổi mới về nhận thức,
hành động địa - chiến lược của Việt Nam trong hợp tác, hội nhập quốc tế,
phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, phát huy sức
mạnh tiềm năng của địa lý,... đã và đang làm gia tăng nhanh sức mạnh
tổng hợp quốc gia, tạo ra một môi trường chiến lược khá thuận lợi đối
với an ninh và phát triển của Việt Nam.
Một là,
tầm ảnh hưởng và uy tín đối ngoại của Việt Nam trên trường quốc tế
không ngừng được mở rộng. Tính đến đầu năm 2021, Việt Nam đã có quan hệ
ngoại giao chính thức với 186/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc,
hợp tác kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là
thành viên tích cực của trên 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực,
thiếp lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 30 quốc gia, trong
đó có 17 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với các
nước trên thế giới(12). Đáng chú ý, ngoài việc là thành viên
tích cực, có trách nhiệm trong các thể chế hợp tác khu vực và tiểu khu
vực, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tiểu vùng sông Mê
Công, Việt Nam đã chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA)
thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình
Dương (CPTPP, năm 2018), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA, năm
2020) và FTA với quy mô lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác Kinh tế
toàn diện khu vực (RCEP, năm 2020). Việt Nam cũng đã và đang tích cực
tham gia các cơ chế hợp tác đa phương về quốc phòng - an ninh, như lực
lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về quốc phòng - an
ninh trên biển(13). Đặc biệt, Việt Nam đạt nhiều bước tiến
quan trọng trong quan hệ với Mỹ trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị -
ngoại giao, kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo đến quốc phòng -
an ninh. Hơn nữa, việc Việt Nam đăng cai tổ chức thành công cuộc gặp
thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai vào tháng 2-2019, đảm nhiệm và
hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020 - 2021, đã chứng tỏ bản lĩnh Việt
Nam trước sự biến động phức tạp, khó lường của môi trường địa - chính
trị, địa - kinh tế thế giới. Theo Viện Nghiên cứu Lowy
(Ô-xtrây-li-a), năm 2020, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của ngoại giao Việt
Nam xếp thứ 9 tại khu vực châu Á, tăng 3 bậc so với năm 2019 và đứng thứ
hai trong số các nước Đông Nam Á(14).
Bên
cạnh đó, trong bối cảnh các nước lớn ngày càng tăng cường hợp tác, can
dự và cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á, việc Việt Nam đẩy mạnh hội nhập
quốc tế, nhất là trong ASEAN, cũng góp phần tạo ra các nguồn lực mới cho
sự mở rộng không gian chiến lược đối ngoại của Việt Nam. Hơn nữa, cuộc
cách mạng số và đại dịch COVID-19 cũng thúc đẩy Việt Nam tích cực hơn
trong đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng hàm lượng chất
xám trong các sản phẩm làm ra(15).
Hai là, sức mạnh kinh tế, quân sự của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Lowy,
sức mạnh tổng hợp quốc gia của Việt Nam liên tục tăng trong những năm
gần đây. Tính đến năm 2020, Việt Nam xếp thứ 12 ở khu vực châu Á về sức
mạnh tổng hợp quốc gia và là nền kinh tế lớn thứ 13 ở châu Á và lớn thứ 4
trong ASEAN với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 340 tỷ USD(16). Theo đánh giá của Hãng định giá thương hiệu Brand Finance
(Anh), năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam xếp vị trí
thứ 35 trong tốp 100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất thế giới(17). Theo dự báo, đến năm 2030, Việt Nam có thể đứng vào danh sách 29 nền kinh tế lớn nhất thế giới(18). Về quân sự, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Lowy năm 2020, Việt Nam xếp thứ 11 trong danh sách các nước có sức mạnh, khả năng quân sự ở châu Á(19). Còn theo đánh giá của trang Global Firepower,
năm 2021, Việt Nam xếp vị trí thứ 24/140 quốc gia được coi là có sức
mạnh quân sự, trong đó, xếp thứ 9 về quân số, xếp thứ 35 về sức mạnh hải
quân, xếp thứ 41 về sức mạnh không quân, xếp thứ 14 về sức mạnh lục
quân(20). Đáng chú ý, sức mạnh quân sự của Việt Nam không chỉ
biểu hiện ở các con số thiết bị, khí tài hay mức độ tinh vi, hiện đại,
mà quan trọng là lực lượng quân đội có tính kỷ luật cao, tuyệt đối trung
thành với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Ba là, “sức mạnh tiềm năng” về địa lý đang tăng lên khá nhanh. Trước
hết là sức mạnh của không gian biển. Với quyết tâm “phải trở thành quốc
gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an
ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm
quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ,
tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi
trường hòa bình, ổn định cho phát triển”(21), Việt Nam đang
nỗ lực để gia tăng sức mạnh biển. “Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển
Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Chính phủ ban
hành vào ngày 22-9-2021, đang tạo ra “cú hích” mới cho phát triển kết
cấu hạ tầng biển. Cùng với đó, hệ thống đường cao tốc ven biển và các
khu kinh tế ven biển đang đi vào hoạt động(22). Sự phát triển
của ngành dầu khí cũng đang đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp
phần duy trì, củng cố an ninh, chủ quyền trên biển của Việt Nam. Ngành
kinh tế du lịch biển, đảo của Việt Nam cũng đang có nhiều khởi sắc.
Những danh lam thắng cảnh tự nhiên tại các địa phương trên cả nước đang
góp phần giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp
dẫn hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Những nỗ lực của Việt Nam đang làm
tăng lợi thế của một quốc gia có bờ biển dài, không gian biển rộng lớn,
giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên, nằm ở vị trí chiến lược hàng hải và
quân sự ở khu vực Tây Thái Bình Dương(23).
Về sức mạnh của không gian đất liền, Việt Nam tuy có diện tích đất liền khá khiêm tốn, khoảng 332.000km2,
cùng địa hình khá mỏng, nhất là ở khu vực Bắc miền Trung, nhưng lại có
lợi thế nằm ở vùng rìa phía Đông của bán đảo Đông Dương, trải dài từ Bắc
tới Nam, nơi “cửa ngõ” giao lưu quốc tế của khu vực. Những dự án lớn về
phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, đang thúc đẩy
nhanh kết nối kinh tế của Việt Nam với các quốc gia láng giềng. Các
tuyến đường cao tốc Lào Cai - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái -
thành phố Hạ Long,... đã và đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Mới
đây nhất, ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
1454/QĐ-TTg, phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ
2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm
2030 sẽ hoàn thành khoảng 5.000km đường cao tốc và 172 tuyến quốc lộ
với tổng chiều dài gần 29.000km(24). Tính đến năm 2021, cả
nước có 1.163km đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành
khoảng 916km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước
lên 2.079km(25). Tiếp đó, ngày 19/10/2021, Chính phủ phê
duyệt “Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn
2050”, trong đó nhấn mạnh việc phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Bắc
- Nam bổ sung cho hệ thống đường sắt hiện có.
Về
cơ sở pháp lý và củng cố chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam đã ký kết các văn
bản pháp lý liên quan đến biên giới và hoàn thành cắm mốc biên giới
trên bộ với Trung Quốc(26), Lào(27), cũng như tích cực triển khai cắm mốc và giải quyết các vấn đề biên giới với Cam-pu-chia(28).
Điều này không chỉ góp phần củng cố chủ quyền, an ninh biên giới, mà
còn tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới, mở rộng không gian
chiến lược trong quan hệ đối ngoại, trước hết là với các quốc gia láng
giềng.
Bên
cạnh những thời cơ, thuận lợi, môi trường không gian địa - chiến lược
của Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong
bối cảnh mới.
Thứ nhất, đó
là sự gia tăng xu hướng phân mảng thế giới theo phe, trục; sự suy giảm
của chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa. Cùng với sự gia tăng cạnh tranh
chiến lược Mỹ - Trung Quốc, xung đột giữa Nga và U-crai-na, đã và đang
tác động sâu sắc, toàn diện đến môi trường an ninh, phát triển và hợp
tác toàn cầu, cũng như các mối quan hệ quốc tế song phương và đa phương.
Về chính trị, cuộc xung đột Nga - U-crai-na làm biến đổi nhanh hơn môi
trường địa - chính trị và trật tự thế giới theo hướng phân mảng thành
phe, trục, nhóm nước khác nhau. Mỹ và phương Tây đang ráo riết tập hợp
lực lượng chống Nga, Trung Quốc. Điều này được cho là có khả năng khiến
Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn và thế giới có thể bước vào
cuộc “Chiến tranh lạnh 2.0”. Về kinh tế, quá trình trên đang làm xói mòn
hay làm thụt lùi xu thế toàn cầu hóa cũng như chủ nghĩa đa phương, bởi
sự gia tăng các lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế, công nghệ từ Mỹ và các
nước phương Tây đối với Nga. Điều này làm cho chủ nghĩa dân túy, bảo hộ
mậu dịch và chủ nghĩa dân tộc cực đoan ngày càng có chiều hướng gia
tăng. Về an ninh, xu hướng các nước lớn gia tăng can thiệp vào công việc
nội bộ của các nước khác diễn ra thường xuyên và mạnh mẽ hơn trên cả
phương diện quân sự, cũng như sử dụng công cụ kinh tế, công nghệ nhằm
trừng phạt các đối thủ, dẫn tới làn sóng chạy đua vũ trang mới, kể cả
phát triển vũ khí hạt nhân, có dấu hiệu tăng lên. Cùng với đó, hệ thống
quản trị toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ suy giảm vai trò trong duy
trì an ninh và thúc đẩy hợp tác hòa bình giữa các quốc gia - dân tộc.
Hơn nữa, sức ép về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống,
trong đó có an ninh sức khỏe, an ninh mạng, an ninh môi trường,... đối
với các nước đang phát triển đang tăng lên.
Việt
Nam nằm ở vị trí tương đối quan trọng trong cạnh tranh chiến lược Mỹ -
Trung Quốc, có mối quan hệ truyền thống với Nga, U-crai-na và các quốc
gia Đông Âu khác. Cuộc khủng hoảng Nga - U-crai-na đang đặt Việt Nam vào
tình thế “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế. Không chỉ vậy, Việt Nam và
các nước ASEAN cũng gặp không ít khó khăn trong việc củng cố sự đoàn kết
nội khối bởi sự khác nhau trong cách tiếp cận, phản ứng của các nước
thành viên đối với vấn đề xung đột Nga - U-crai-na. Đồng thời, việc duy
trì và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc hợp tác khu
vực cũng đối mặt với trở ngại. Bên cạnh đó, các cơ chế hợp tác, như Hội
nghị cấp cao ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc
phòng ASEAN mở rộng ADMM+,... đều có sự tham gia của các nước lớn, các
nước đối tác chiến lược của ASEAN, trong đó có Nga. Việc mời Nga tham dự
các hội nghị trên và cách thức để các nước lớn cùng bàn thảo các vấn đề
an ninh và hợp tác trong khu vực, cũng được xem là một trong những
thách thức đang đặt ra đối với ASEAN...
Thứ hai,
thách thức từ tình hình trong nước của Việt Nam. Mặc dù có nhiều nỗ lực
trong củng cố vị thế và sức mạnh tổng hợp quốc gia nhưng không gian
chiến lược của Việt Nam vẫn còn có những hạn chế, nhất là trong việc tạo
dựng một hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, để phát
huy lợi thế và giảm thiểu bất lợi của biển và đất liền. Việt Nam vẫn
chưa khai thác một cách hiệu quả “đại lộ giao thông biển”. Cùng với đó,
hệ thống giao thông trên bộ, bao gồm cả đường bộ và đường sắt kết nối
các cảng biển với các trung tâm kinh tế, cửa khẩu biên giới trên bộ,
chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin,
kết nối internet cũng tạo ra những thách thức mới về an ninh mạng. Hơn
nữa, công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về không gian an ninh và
phát triển của Việt Nam trong bối cảnh mới còn nhiều bất cập. Điều này
đòi hỏi cần có sự đổi mới cả nhận thức và hành động về không gian chiến
lược nói riêng, địa - chiến lược của Việt Nam nói chung.
Việt Nam cần phát huy sức mạnh tiềm năng của biển và biên giới đất
liền thông qua tăng cường xây dựng và kết nối kết cấu hạ tầng kỹ thuật -
xã hội, hiện đại hóa hệ thống logistics. (Nguồn: nhiepanhdoisong.vn)
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY
Câu
hỏi được đặt ra hiện nay là làm thế nào để củng cố và mở rộng không
gian chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh mới, nhất là để vượt qua
những thách thức từ sự biến động phức tạp, khó lường của môi trường -
địa chính trị, kinh tế thế giới.
Trước
hết, đó là việc giữ được thế “cân bằng”, tự chủ chiến lược trong đối
ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, đứng vững trước sự lôi kéo,
cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và sự suy giảm của chủ nghĩa đa
phương. Đơn cử như, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, đối đầu
Nga - Mỹ và cuộc xung đột Nga - U-crai-na đang diễn ra có khả năng đặt
Việt Nam vào tình thế “nhạy cảm” trong ứng xử với các bên liên quan.
Chính vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ
quốc tế, chú trọng củng cố quan hệ với các nước lớn, các nước tầm trung,
bạn bè truyền thống cũng như các thể chế hợp tác đa phương khác nhau,
trong đó có ASEAN. Cùng với đó, Việt Nam cần kiên định chính sách quốc
phòng - an ninh “bốn không”(29); kiên trì nguyên tắc độc lập,
tự chủ trong chiến lược, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược trong ứng xử
với các đối tác, đối tượng; chủ động thích ứng với mọi biến động mới,
trong đó có phương án dự phòng, phương án tác chiến khác nhau để bảo vệ
chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia phòng khi chiến tranh nổ ra.
Tiếp
đến, Việt Nam cần phát huy hơn nữa sức mạnh tiềm năng của biển và biên
giới đất liền thông qua tăng cường xây dựng và kết nối kết cấu hạ tầng
kỹ thuật - xã hội, hiện đại hóa hệ thống logistics. Điều này sẽ góp phần
làm tăng vị thế của một quốc gia nằm ở phía Đông của bán đảo Đông
Dương, có bờ biển dài hướng ra Biển Đông và có “cửa ngõ” thông thương
với nhiều quốc gia, như Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia...
Đồng
thời, Việt Nam cần có những nỗ lực mới trong việc xác lập, bảo vệ và mở
rộng chủ quyền không gian mạng, trong đó không chỉ hoàn thiện cơ sở
pháp lý, chiến lược về vấn đề này, mà quan trọng hơn là đẩy mạnh xây
dựng cơ sở và kết nối dữ liệu số; tăng cường công tác an ninh, bảo mật;
ưu tiên nguồn lực cho phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc
gia, cũng như chú trọng hơn về hợp tác quốc tế, trong đó có thông tin
đối ngoại. Việc kết hợp phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm quốc phòng
- an ninh, cải thiện an sinh xã hội, nhất là ở các khu vực biên giới,
biển, đảo cũng cần được thúc đẩy. Hơn nữa, cần phát huy và kết hợp các
công cụ khác nhau, trong đó dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế để bảo vệ chủ
quyền biển, đảo. Cùng với đó, Việt Nam cần củng cố, khơi dậy hơn nữa ý
chí, lòng tự hào, khát vọng phát triển của dân tộc, trong đó có cả việc
kết nối, cố kết dân tộc của gần 100 triệu người dân Việt Nam trong nước
với hơn 5 triệu đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài cùng chung tay đưa
Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia tầm trung, “sánh
vai với các cường quốc năm châu”.
Có
thể nói, sự đổi mới về nhận thức hành động địa - chiến lược của Việt
Nam trong hợp tác, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, củng
cố quốc phòng - an ninh, phát huy sức mạnh tiềm năng của địa lý,... kể
từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay đã và đang góp phần làm gia
tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, tạo ra một môi trường chiến lược khá
thuận lợi đối với an ninh và phát triển của nước ta. Tuy nhiên, không
gian chiến lược đối với an ninh và phát triển của Việt Nam cũng đang
đứng trước không ít thách thức bởi sự gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ -
Trung Quốc, cuộc khủng hoảng Nga - U-crai-na và đối đầu Nga - Mỹ cùng
phương Tây. Kết quả của quá trình trên đang khiến thế giới có xu hướng
phân mảng, kéo theo sự suy giảm của chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa.
Việt Nam đang hội nhập khá sâu rộng vào hệ thống toàn cầu, nhất là về
kinh tế; đồng thời, là nước nằm ở vị trí chiến lược khá “nhạy cảm” trong
cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và cũng là nơi còn chứa đựng
bên trong cả những vấn đề chính trị - tư tưởng của thời đại, nên sự tác
động của quá trình trên được đánh giá là tương đối mạnh mẽ. Để vượt qua
những thách thức trên, Việt Nam cần tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa
quan hệ quốc tế; kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ trong chiến lược,
linh hoạt, mềm dẻo về sách lược trong ứng xử với các đối tác, đối tượng;
đồng thời, phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó có sức
mạnh của tiềm năng địa lý và khối đoàn kết dân tộc, tăng cường xây dựng
kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội cho không gian địa lý và không gian
mạng, cũng như có các phương án khác nhau để thích ứng với sự biến đổi
phức tạp, khó lường của tình hình thế giới./.
PGS. TSKH. Trần Khánh
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
_________________
(1) Xem: E. Mazur and J. Urbanek: Space in geography (Tạm dịch: “Không gian trong địa lý”), GeoJournal, 1983, Vol. 7, No. 2, tr.139-143.
(2) Xem: Trần Khánh: Bàn về các luận thuyết liên quan đến địa chiến lược, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7, 2019, tr.4-8; Robert D. Kaplan: Sự minh định của địa lý, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2017, tr.112.
(3) Francis A. Galgano: Militrary Geography (Tạm dịch : “Địa lý quân sự”), Oxford Bibliographies, ngày 12/7/2017, https://www.oxfordbibliographies.com/view/document/obo-9780199874002/obo-9780199874002-0029.xml.
(4)
Theo định nghĩa của Napoleon Bonaparte, chiến
lược là nghệ thuật sử dụng thời gian và không gian theo cách thức ngoại
giao và quân sự. Xem: Robert D. Kaplan: Sự minh định của địa lý,
Sđd, tr.112.
(5) Xem: Bộ Quốc phòng, Trung tâm từ điển bách khoa quân sự: Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, 2004, tr.221; Lê Đình Tĩnh: Bàn về tư duy chiến lược: Lý thuyết, thực tiễn và trường hợp Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 4 (111), tháng 12/2017, tr.8.
(6) Xem: Trần Khánh: Bàn về phạm trù và định nghĩa về địa chiến lược, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 4, tháng 12/2019, tr. 203; M.V. Rjeltov: Địa chính trị: Lịch sử và Lý thuyết (tiếng Nga), Mát-xcơ-va, 2009, tr.314.
(7), (8) John von Neumann and Oskar Morgenstern: Theory of Games and Economic Behavior (Tạm dịch: Lý thuyết về trò chơi và hành vi kinh tế), Princeton, NJ.: Princeton University Press, 1944, tr.79.
(9) Xem: Ettward N. Luttwak: From Geopolitics to Geo-economics: Logic of Conflict, Grammar of Commerce (Tạm dịch: Từ địa - chính trị đến địa - kinh tế: Logic của xung đột, ngữ pháp thương mại), Center for the National Interest, No. 20, 1990, tr. 17 - 23; Sanjaya Baru: Geo-economics and Strategy (Tạm dịch: Địa - kinh tế và chiến lược), Survival, Vol. 54, No. 3, 2012, tr. 47-58.
(10) Xem: Trần Khánh: Bàn về các luận thuyết liên quan đến địa chiến lược, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7, 2019, tr.8-11.
(10)
Địa - chiến lược là một cách tiếp cận đặc thù của khoa học chính trị.
Về mặt lý thuyết, địa - chiến lược nghiên cứu vai trò, giá trị và tác
động của địa điểm, không gian địa lý, bối cảnh, thời cơ quốc tế và mục
tiêu quốc gia đối với việc tạo dựng và phát triển không gian chiến lược
(thường là của quốc gia) trong quan hệ quốc tế. Về mặt thực hành, địa -
chiến lược là sự cân nhắc chiến lược, là mưu lược, kế sách hành động,
nghệ thuật kiểm soát và khai thác không gian nhằm tạo ra một không gian
chiến lược cho an ninh, hội nhập và phát triển của một quốc gia.
(11) Xem: Trần Khánh: Bàn về phạm trù và định nghĩa về địa chiến lược, Tlđd, tr.199-219.
(12)
Tính đến năm 2021, Việt Nam có ba đối tác chiến lược toàn diện, bao
gồm: Nga (năm 2001), Ấn Độ (năm 2007), Trung Quốc (năm 2008); 14 đối tác
chiến lược, bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (năm 2009), Anh
(năm 2010), Đức (năm 2011), I-ta-li-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a,
Xin-ga-po và Pháp (năm 2013), Ma-lai-xi-a và Phi-líp-pin (năm 2015),
Ô-xtrây-li-a (năm 2018), Niu Di-lân (năm 2020).
(13)
Từ năm 2014, Việt Nam chính thức tham gia lực lượng “mũ nồi xanh”, bảo
vệ hòa bình của Liên hợp quốc. Từ năm 2018, quân số tham gia của Việt
Nam đã tăng lên quy mô từng đại đội. Từ năm 2019, Việt Nam chính thức
tham gia tập trận chung trên biển giữa Mỹ và các nước ASEAN.
(14)
Lowy Institute: Asia Power Index, Key Findings 2020 (Tạm dịch : “Chỉ
số quyền lực châu Á, Những phát hiện chính năm 2020”), https://power.lowyinstitute.org/downloads/lowy-institute-2020-asia-power-index-key-findings-report.pdf.
(15)
Theo dự báo, đến năm 2030, việc thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 28,5 tỷ
USD - 62,1 tỷ USD, tương đương 7% - 16% GDP của Việt Nam.
(16)
Lowy Institute: Asia Power Index, Key Findings 2020 (Tạm dịch: “Chỉ
số quyền lực châu Á, Những phát hiện chính năm 2020”), Tlđd.
(17) Xem: Phương Vũ - Thanh Tâm: Đối ngoại Việt Nam được đánh giá “thăng hoa” 5 năm qua, ngày 7/4/2021, https://vnexpress.net/doi-ngoai-viet-nam-thang-hoa-5-nam-qua-4257993.html.
(18) Lê Đình Tĩnh: Mục tiêu cường quốc tầm trung và viễn cảnh ngoại giao Việt Nam sau năm 2030, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 2 (113), 2018, tr.39.
(19)
Lowy Institute: Asia Power Index, Key Findings 2020 (Tạm dịch: “Chỉ
số quyền lực châu Á, Những phát hiện chính năm 2020”), Tlđd.
(20) Xem: N. Tuấn Sơn: Xếp hạng sức mạnh quân sự 2021: Vị trí mới nhất của quân đội Việt Nam”, ngày 8/11/2021, https://soha.vn/xep-hang-suc-manh-quan-su-2021-vi-tri-moi-nhat-cua-quan-doi-viet-nam-20211106094343723.htm.
(21)
Xem: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững
kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-36-nqtw-ngay-22102018-hoi-nghi-lan-thu-tam-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-chien-luoc-phat-trien-ben-3453.
(22)
Ngày 24/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
1453/QĐ-TTg về việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển các khu
kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020, trong đó bổ sung bốn khu
kinh tế ven biển vào hệ thống 15 khu kinh tế ven biển đã được thành lập
trước đây, nâng tổng số khu kinh tế ven biển của cả nước lên 19 khu.
(23) Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, đứng thứ 27/157 quốc gia ven biển, các quốc đảo trên thế giới, chiếm tỷ lệ khoảng 100km2 đất liền/km bờ biển (mức trung bình trên thế giới là 600km2 đất liền/km bờ biển). Diện tích biển của Việt Nam là khoảng 1.000.000km2,
chiếm hơn 28% diện tích Biển Đông và lớn gấp khoảng 3 lần diện tích đất
liền của cả nước. Đặc biệt, có hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa,
nằm trên những trục chính, điểm nút của hàng hải quốc tế, nơi giàu có về tài nguyên thiên nhiên.
(24)
Xem: Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ,
phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030,
tầm nhìn đến năm 2050.
(25) Xem: Vũ Lê: Những biến số tác động giá bất động sản năm 2022, ngày 11/2/2022, https://vnexpress.net/nhung-bien-so-tac-dong-gia-bat-dong-san-nam-2022-4425089.html.
(26)
Năm 1999, Việt Nam và Trung Quốc ký kết Hiệp định biên giới đất liền.
Đến năm 2009, hai nước ký kết đồng thời ba văn kiện pháp lý liên quan
đến biên giới, trong đó có Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định
về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa
khẩu.
(27) Việt Nam và Lào đã hoàn thành cắm cột mốc trên toàn tuyến biên giới từ năm 2014.
(28)
Tháng 10/2005, Việt Nam cùng Cam-pu-chia ký kết bổ sung Hiệp ước hoạch
định biên giới quốc gia năm 1985. Tháng 10-2019, hai bên tiếp tục ký kết
Hiệp định bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới
trên đất liền. Tính đến năm 2021, đã có tới 84% đường biên giới trên bộ
đã được phân giới cắm mốc.
(29)
Năm 2009, Việt Nam chính thức đưa ra chính sách “ba không”, bao gồm :
1- Không liên minh quân sự với nước ngoài; 2- Không cho nước ngoài đặt
căn cứ quân sự tại nước mình ; 3- Không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ
lực. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 bổ sung chính sách, đó là
“không sử dụng vũ lực hay đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
(Nguồn: TC Cộng sản)