Thứ Sáu, 27/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 8/7/2009 11:30'(GMT+7)

Kiểm tra công tác tư tưởng- một phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng

1. Khái niệm kiểm tra công tác tư tưởng

Hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa về "kiểm tra", "công tác kiểm tra" một cách đầy đủ và thống nhất. Tuy nhiên, xuất phát từ khái niệm chung và từ thực tiễn công tác kiểm tra, có thể hiểu: kiểm tra là hoạt động có mục dích của một chủ thể nhằm xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét công việc của một tập thể hay cá nhân trong xã hội.

Kiểm tra Đảng là xem xét tình hình chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nói chung hay một công việc cụ thể được giao để đánh giá, nhận xét về mỗi cá nhân hay một cơ quan, tổ chức Đảng.

Khái niệm kiểm tra công tác tư tưởng được xem xét và phân tích từ các khía cạnh chủ yếu sau:

Thứ nhất, kiểm tra là một tất yếu khách quan, là hoạt động có ý thức của mọi tổ chức của con người trong xã hội. Hoạt động của tổ chức và con người trong xã hội là hoạt động có ý thức. Trước khi hành động, các tổ chức và con người đều phải suy nghĩ, xác định rõ ý định, chủ trương, kế hoạch tiến hành và tổ chức thực hiện thắng lợi ý định, chủ trương, kế hoạch ấy trong thực tiễn. Song, thực tiễn luôn vận động, biến đổi, phát triển không ngừng theo quy luật khách quan, nên chủ trương, kế hoạch đã xác định dù được nghiên cứu, tính toán, cân nhắc kỹ vẫn có thể có những sơ hở, thiếu sót, thậm chí không có khả năng thực thi hoặc sai lầm nghiêm trọng. Nhận thức là một quá trình. Tổ chức dù vững mạnh, con người dù có tài năng, khoa học và công nghệ dù có phát triển cao, cũng không thể một lúc hiểu được mọi vấn đề, mọi sự vật một cách đầy đủ, chuẩn xác. Vì vậy, muốn đạt được kết quả trong thực tiễn, phải kiểm tra, kiểm tra toàn bộ từ chủ trương, kế hoạch đến hoạt động thực tiễn và kết quả đã đạt được để giúp cho mỗi cá nhân tổ chức đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm của họ; kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung, sửa đổi những thiếu sót, chưa đồng bộ, chưa phù hợp hoặc sai lầm, lệch lạc, bảo đảm cho chủ trương, kế hoạch hành động được đúng đắn, chuẩn xác, chất lượng hơn, hiệu quả công việc được tốt hơn. Do đó, hoạt động có ý thức là hoạt động có kiểm tra. Ý thức càng cao, tổ chức càng quan trọng, cán bộ càng ở cương vị chủ chốt, nhiệm vụ càng khó khăn, phức tạp thì càng đòi hỏi phải coi trọng và làm tốt công tác kiểm tra.

Thứ hai, kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, gắn liền một cách tất yếu với sự lãnh đạo của Đảng. Vì lãnh đạo không chỉ là xây dựng Cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện và bố trí cán bộ, mà lãnh đạo còn là kiểm tra. Không những kiểm tra việc thực hiện Cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách mà kiểm tra ngay bản thân Cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách đó và kiểm tra cả các tổ chức tiến hành kiểm tra nhằm đảm bảo đường lối, chính sách được xác định đúng, được quán triệt và thực hiện thắng lợi trong thực tiễn. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc, vừa là chức năng lãnh đạo, là trách nhiệm, là phương pháp, quy trình lãnh đạo của Đảng. Kiểm tra công tác tư tưởng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác kiểm tra của Đảng. Vấn đề đó đã được quy định rõ tại Điều 41, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam: "Đảng lãnh đạo Nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện"(1).

Từ việc xem xét và phân tích trên, có thể hiểu: kiểm tra công tác tư tưởng là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng, là hoạt động của cấp ủy đảng và cơ quan tuyên giáo các cấp hướng vào thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Trung ương và địa phương nhằm góp phần bổ sung hoàn thiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chính sách của Đảng.

Công tác kiểm tra của Đảng là sự tác động sâu sắc, có hệ thống, có định hướng của tổ chức đảng có thẩm quyền vào hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Công tác kiểm tra của Đảng đối với công tác tư tưởng là một khâu quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực công tác tư tưởng. Đảng lãnh đạo lĩnh vực này bằng Cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược, chương trình công tác, bằng các quyết định và bằng công tác kiểm tra. Kiểm tra công tác tư tưởng là phương tiện tác động nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng và từng bước bổ sung, hoàn thiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và đường lối, chính sách của Đảng.

2. Vị trí, vai trò của kiểm tra công tác tư tưởng

Trong mỗi thời kỳ cách mạng, công tác tư tưởng luôn có sứ mệnh quan trọng. Công tác tư tưởng góp phần xây dựng và cổ vũ việc thực hiện Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng. Để thực hiện Cương lĩnh, đường lối, Đảng ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, các chuyên đề về công tác tư tưởng, đồng thời, kiểm tra việc thực hiện chúng trong thực tiễn. Việc kiểm tra nắm tình hình thực tiễn, phát hiện những khuynh hướng tư tưởng, tâm trạng và dư luận xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Kết quả kiểm tra là "thước đo" đánh giá tính đúng đắn, tính khả thi và cả những bất cập của một nghị quyết, một quyết định, hay một chỉ thị, thông qua đó để hoàn thiện, bổ sung, hình thành đường lối, chính sách mới cho phù hợp thực tiễn, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Kiểm tra sẽ tạo ra cơ sở khoa học để đổi mới nội dung, hình thức phương pháp công tác tư tưởng và kiện toàn bộ máy các cơ quan làm công tác tư tưởng. Kiểm tra không chỉ nhằm mục đích phát hiện sai sót mà còn nhằm phát hiện các mặt tốt, các kinh nghiệm hay tìm ra các nguyên nhân cần giải quyết để thúc đẩy việc triển khai có chất lượng và hiệu quả các nghị quyết, quyết định của Đảng.

Lãnh đạo và kiểm tra trong công tác tư tưởng là hai yếu tố quyết định hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng. Do vậy, kiểm tra công tác tư tưởng là một trong những khâu không thể thiếu được trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực tư tưởng. Theo V.I.Lênin, đối với Đảng Cộng sản cầm quyền lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị và các lĩnh vực của đời sống xã hội, sau khi đường lối, chính sách đã được xác định, phương hướng đã được thông qua thì nhiệm vụ tổ chức thực hiện phải đặt lên hàng đầu, và trọng tâm của sự lãnh đạo phải chuyển "từ việc soạn thảo các sắc lệnh và mệnh lệnh sang việc lựa chọn người và kiểm tra sự thực hiện"(2), coi đó là vấn đề then chốt. Người nhấn mạnh: lựa chọn người, thiết lập chế độ trách nhiệm cá nhân đối với công việc đang làm, kiểm tra công việc thực tế, mấu chốt của toàn bộ công tác, của toàn bộ chính sách hiện nay là ở đấy, vẫn ở đấy và chỉ có ở đấy. Nếu như các cán bộ lãnh đạo và các cơ quan của Đảng và Nhà nước chỉ "bù đầu, bù tai" vào những công việc vụn vặt, chìm đắm trong "cái biển" giấy tờ và cái vũng lầy chủ nghĩa quan liêu mà quên mất nhiệm vụ trọng tâm: lựa chọn cán bộ, kiểm tra, kiểm soát, phát triển kinh tế, thì tất cả mệnh lệnh và quyết định chỉ là mớ giấy lộn.

V.I.Lênin luôn coi công tác kiểm tra, kiểm soát là một công cụ hữu hiệu và là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng đối với cơ quan, tổ chức đảng. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đã đề ra thì những người cộng sản nắm chắc công cụ kiểm tra, kiểm soát, coi đó như là những nhiệm vụ đã trở thành tự nhiên đối với những người xã hội chủ nghĩa sau khi đã giành được chính quyền. Để biến lời nói thành hành động thì không thể thiếu được việc tổ chức kiểm tra trong thực tiễn. Người chỉ rõ: "Nhưng ý kiến và lời chỉ dẫn là một việc, mà tổ chức thực tiễn việc kiểm kê và kiểm soát lại là một việc khác"(3).

Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận của V.I.Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Theo Người: "Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích"... "Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời"(4).

Trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác tư tưởng nói riêng, Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra, coi đó là một nguyên tắc, một khâu quan trọng của quy trình lãnh đạo và công tác xây dựng Đảng. Đảng thường xuyên quan tâm đến khâu mấu chốt là kiểm tra thực hiện và kiểm tra sự chấp hành; đồng thời xác định kiểm tra "là một chức năng lãnh đạo chủ yếu của Đảng", lãnh đạo mà buông lỏng việc kiểm tra, thì cũng bằng không, coi như không có lãnh đạo; cấp ủy, cơ quan cấp trên buông lỏng kiểm tra là đã để mất công cụ quan trọng giúp mình trong công tác lãnh đạo.

3. Chức năng và nhiệm vụ chủ yếu của kiểm tra công tác tư tưởng

Kiểm tra công tác tư tưởng là một trong những nội dung quan trọng trong công tác kiểm tra của Đảng. Kiểm tra công tác tư tưởng bao gồm những chức năng chủ yếu sau:

- Chức năng chính trị:

Trong điều kiện Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội, Đảng lãnh đạo chính trị không chỉ bằng Cương lĩnh, đường lối, chính sách, bằng công tác tư tưởng mà còn bằng tổ chức và kiểm tra. Đích cuối cùng của sự lãnh đạo đó là tập hợp, tổ chức quần chúng thực hiện thắng lợi cương lĩnh, đường lối của Đảng. Tăng cường kiểm tra công tác tư tưởng không có gì khác ngoài mục đích thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng và góp phần bổ sung, hoàn thiện đường lối của Đảng. Chính vì vậy, chức năng chính trị là chức năng quan trọng hàng đầu của kiểm tra công tác tư tưởng.

- Chức năng tâm lý và giáo dục:

Thông qua kiểm tra để phát hiện kịp thời những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến làm tốt công tác tư tưởng. Kết quả kiểm tra là những tư liệu sống để tuyên truyền, nhân điển hình tiên tiến tạo phong trào thi đua sôi nổi trong ngành, trong từng lĩnh vực, cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, sẽ tạo bầu không khí tâm lý tự tin, hứng khởi, thôi thúc cá nhân, tổ chức làm việc đạt chất lượng và hiệu quả tốt hơn. Mặt khác, công tác kiểm tra được tiến hành thường xuyên sẽ góp phần phát hiện những tồn tại, yếu kém về công tác tư tưởng, và điều đó trở thành nhân tố quan trọng để nhắc nhở, khơi dậy tính tự giác, ý chí vươn lên hoàn thiện nhiệm vụ của cấp ủy, cơ quan, đơn vị làm công tác tư tưởng.

- Chức năng thông tin:

Thông qua kiểm tra, chủ thể kiểm tra (cấp ủy, cơ quan tuyên giáo...) có được những thông tin cần thiết để tham mưu cho cấp ủy điều chỉnh, có quyết định đúng, kịp thời. Cơ quan tuyên giáo có cơ sở để đổi mới nội dung, hình thức phương pháp công tác tư tưởng phù hợp. Đồng thời, kết quả kiểm tra sẽ giúp cho mỗi cấp ủy, cơ quan đơn vị, cá nhân tự mình nhìn nhận đánh giá ưu, khuyết điểm, phấn đấu sửa chữa để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng.

- Chức năng tổ chức:

Đây là một trong những chức năng quan trọng của kiểm tra công tác tư tưởng. Không có kiểm tra sẽ không có bộ máy tốt và cán bộ tốt, không có sự chấp hành nhất quán, triệt để từ trên xuống dưới, tổ chức bộ máy của ngành trở nên lỏng lẻo, kỷ luật thiếu nghiêm minh, các quyết định sẽ xa rời thực tiễn. Mặt khác, kết quả kiểm tra, nắm tình hình tư tưởng và điều tra dư luận xã hội sẽ phát hiện thái độ, ý thức chính trị của các giai cấp trong xã hội. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn để đổi mới hình thức vận động, thuyết phục, tập hợp quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Về nhiệm vụ công tác kiểm tra của Đảng trong lĩnh vực tư tưởng có hai bộ phận chủ yếu: công tác kiểm tra của cấp ủy và công tác kiểm tra của cơ quan tuyên giáo. Mỗi bộ phận có đối tượng và nhiệm vụ kiểm tra cụ thể, trong đó cơ quan tuyên giáo các cấp là cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch, nội dung và tổ chức kiểm tra. Nhiệm vụ bao trùm, cơ bản của cấp ủy và cơ quan tuyên giáo là kiểm tra tình hình thực hiện nghị quyết, quyết định về công tác tư tưởng; kiểm tra tình hình tư tưởng, kiểm tra chất lượng và hiệu quả các biện pháp, các lực lượng làm công tác tư tưởng một cách thường xuyên.

Nhiệm vụ kiểm tra cụ thể như sau:

Cấp Trung ương

Căn cứ Quyết định số 80-QĐ/TW, ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Bộ Chính trị (khóa X), Ban Tuyên giáo Trung ương có nhiệm vụ kiểm tra như sau:

Một là, chủ trì, phối hợp kiểm tra việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng đối với các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Hai là, chủ trì, phối hợp kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công.

Ba là, kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương về nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ngoài đối tượng thuộc hệ thống trường chính trị - hành chính của Trung ương, của các tỉnh ủy, thành ủy; kiểm tra về phương hướng chính trị, tư tưởng trong giảng dạy lý luận chính trị, khoa học xã hội - nhân văn trong hệ thống trường chính trị - hành chính, hệ thống giáo dục quốc dân và hệ thống các trường ngành, đoàn thể.

Ba là, kiểm tra, định hướng nội dung tuyên truyền và bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động cho hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, hệ thống cộng tác viên dư luận xã hội từ Trung ương đến cơ sở.

Bốn là, kiểm tra, định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, các cơ quan thông tin, tuyên truyền đối ngoại ở Trung ương và địa phương. Khi cần thiết chủ trì hoặc phối hợp kiểm tra về mặt quan điểm chính trị, tư tưởng các công trình nghiên cứu khoa học; các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản...

Năm là, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng về lĩnh vực tư tưởng, lý luận, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học - con người, môi trường, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao...

Ngoài các nhiệm vụ trên, Ban Tuyên giáo Trung ương còn phối hợp với các tỉnh, thành ủy kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy.

 Cấp tỉnh, thành phố

Hướng dẫn số 2613-HDLB/TTVH-KG-TC, ngày 24 tháng 01 năm 2003 của Ban Tư tưởng - Văn hóa, Ban Khoa giáo và Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy giúp Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy:

Thứ nhất, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng về lĩnh vực công tác tuyên giáo đối với các huyện, thị ủy, các đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh.

Thứ hai, kiểm tra nội dung thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản do tỉnh quản lý.

Thứ ba, kiểm tra việc thực hiện các chương trình học tập lý luận chính trị theo quy định của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) và sự chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy ở các Trường chính trị tỉnh, Ban Tuyên giáo huyện, quận ủy, trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện.

Thứ tư, kiểm tra nội dung chính trị tư tưởng của công tác giáo dục lý luận chính trị ở các trường chính trị tỉnh, thành ủy, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố; các đoàn thể chính trị, lực lượng vũ trang; trong hệ thống giáo dục quốc dân; các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện ở địa phương;

Thứ năm, kiểm tra các hoạt động văn hóa, văn nghệ cả về ấn phẩm, nội dung sáng tác và biểu diễn của Sở Văn hóa - Thông tin, các ban, ngành của tỉnh, thành phố; phòng văn hóa, thể dục thể thao quận, huyện, các công ty xuất, nhập khẩu sách báo, băng đĩa CD;

Thứ sáu, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện chức năng tham mưu về công tác tuyên giáo của Ban Tuyên giáo các huyện, thị ủy và các đảng ủy trực thuộc tỉnh, thành ủy.

Cấp quận, huyện

Về nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo quận, huyện ủy, Hướng dẫn số 877 ngày 28-9-1991 và Văn bản số 75, ngày 13-2-1993 của liên Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nêu rõ: "Ban Tuyên giáo huyện ủy là một ban tham mưu có chức năng giống như chức năng của hệ thống ban tuyên giáo các cấp, đó là: tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra. Sự khác nhau chỉ là ở cấp độ, tức là việc xác định cụ thể để thực hiện chức năng ấy trong hoàn cảnh cụ thể của cấp mình"(5).

Về nhiệm vụ cụ thể, Ban Tuyên giáo quận, huyện tham mưu cho Ban Thường vụ quận, huyện ủy:

Thứ nhất, kiểm tra các tổ chức, cơ sở đảng trên địa bàn huyện trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh ủy, huyện ủy về các lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, văn nghệ.

Thứ hai, kiểm tra công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động của đảng ủy, ban tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc huyện.

Thứ ba, kiểm tra tình hình thực hiện lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên.

Thứ tư, kiểm tra nội dung chính trị tư tưởng công tác giáo dục lý luận chính trị của trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, các đoàn thể chính trị, lực lượng vũ trang; các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn huyện.

Thứ năm, kiểm tra các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện.

Thứ sáu, kiểm tra việc thực hiện, chức năng, nhiệm vụ của ban tuyêngiáo đảng ủy xã, phường, thị trấn trên địa bàn quận, huyện./.

Trần Doãn Tiến

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.62.

2. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.44, tr.450.

3. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, t.35, tr.242 - 243.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.520

5. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu bồi dưỡng cán bộ tư tưởng - văn hóa cấp huyện, Hà Nội, 2000, tr.177

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất