Tại lễ khai mạc, chương trình nghệ thuật sân khấu hóa thể
hiện hào khí anh hùng, bất khuất của cả dân tộc Việt Nam nói chung và đất Nam bộ
thành đồng nói riêng trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng
phát triển đất nước; tưởng nhớ công đức anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và
ngợi ca quê hương Kiên Giang hôm nay.
Hình tượng người anh hùng dân tộc
Nguyễn Trung Trực yêu nước, kiên trung xuất thân từ dân chài áo vải được tái
hiện qua các ca khúc, ca cảnh cải lương, hình tượng hóa trên sân khấu của các
nghệ sỹ phác họa đậm nét cuộc đời trung dũng, kiên cường, khẳng khái và sự hy
sinh quả cảm, cao đẹp vì nước, vì dân. Ông đã trở thành biểu tượng của lòng yêu
nước, căm thù giặc sâu sắc, tinh thần quật cường, ý chí bất khuất trong đấu
tranh chống giặc ngoại xâm của cả dân tộc Việt Nam.
Lễ hội truyền thống
kỷ niệm 145 năm ngày hy sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực năm nay diễn
ra trong ba ngày, từ 30/9-2/10 (tức ngày 26-28/8 âm lịch), với nhiều hoạt động
phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc và nét văn hóa vùng đất phương Nam.
Tại đình Nguyễn Trung Trực và Công viên mang tên Cụ Nguyễn, thành phố
Rạch Giá tổ chức phần lễ, với các nghi thức truyền thống như đặt bàn hương án,
thượng đại kỳ, dâng hương, tế đàn cả, hậu phối.
Phần hội, ngoài lễ khai
mạc trang trọng còn có các hoạt động, gồm: Triển lãm ảnh ngoài trời với chủ đề
“Biên giới, biển đảo quê hương”; tổ chức chợ phiên; Hội chợ triển lãm Thương
mại-Du lịch Kiên Giang 2013; ẩm thực Nam bộ; trưng bày và hội thi sinh vật cảnh;
Hội thi Văn nghệ-Thể thao Người cao tuổi; “Không gian đờn ca tài tử Nam bộ” và
chương trình nghệ thuật “Sắc màu Kiên Giang;” thi cộ hoa; biểu diễn văn nghệ
quần chúng và chiếu phim màn ảnh rộng; biểu diễn Lân-Sư-Rồng.
Anh hùng
dân tộc Nguyễn Trung Trực sinh trưởng tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Khi
quân Pháp nổ súng vào các tỉnh duyên hải miền Trung, Nguyễn Trung Trực cùng gia
đình phiêu bạt vào Nam tại Phủ Tân An (tỉnh Long An bây giờ).
Thực dân
Pháp tấn công thành Gia Định, ông theo Nguyễn Tri Phương, dưới quyền Trương Định
kháng Pháp. Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông trở về Tân An lập nên chiến
công hiển hách, với trận đốt tàu Pháp trên sông Nhật Tảo.
Sau Hòa ước
Nhâm Tuất năm 1862, Nguyễn Trung Trực nhận chức Hà Tiên Thành Thủ úy, tuy nhiên
lại cải mệnh triều đình về Hòn Chông (Kiên Hải-Kiên Giang bây giờ) lập căn cứ,
chiêu mộ nghĩa quân khắp nơi kháng Pháp.
Năm 1868, ông cùng nghĩa quân
đánh úp đồn Rạch Giá-Kiên Giang làm chủ tình hình trong năm ngày trước khi rút
quân ra đảo Phú Quốc.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực rơi vào tay
giặc vào ngày 27/10/1868 và bị quân Pháp hành hình tại chợ nhà lồng Rạch
Giá.
Ông ra đi để lại cho đời sau tấm gương yêu nước anh dũng và câu nói
khẳng khái, bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam
đánh Tây”./.
Lê Huy Hải
(TTXVN)