(TG)-Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang vừa tổ chức hội nghị tổng kết Đề án phục dựng các khu di tích căn cứ Tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến. Đồng chí Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phục dự các khu di tích Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Qua 6 năm (2009-2015) thực hiện Đề án phục dựng các khu di tích căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến đã xây dựng hoàn thành 6 nhà bia lưu niệm tại nơi thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh ở ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận); tại ấp Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc (Vĩnh Thuận); tại ấp Thạnh Thới, xã Thạnh Lộc (Giồng Riềng); tại ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao); tại ấp Cạn Ngọn, xã Thạnh Yên (U Minh Thượng); tại ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hoàn (U Minh Thượng). Đối với việc phục dựng khu di tích căn cứ Tỉnh ủy chính ở U Minh Thượng đã triển khai đầu tư xây cầu, đường vào tổng diện tích chiều dài 5.015 m, tổng vốn đầu tư trên 24 tỷ đồng; đến nay, công trình hoàn thành giai đoạn 1, đang thi công giai đoạn 2.
Các địa phương quan tâm phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân ở các vùng căn cứ kháng chiến. Đến nay, các địa phương xây dựng 87 cầu, 36 cống và trên 86 km đường giao thông nông thôn; xây dựng mới 3 trường học, 59 phòng học và hàng rào, sân chơi của 21 điểm trường… với tổng kinh phí đầu tư trên 273 tỷ đồng; xây dựng và bàn giao 1.893 căn nhà cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị một số sở, ngành, địa phương tích cực đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cầu, đường vào khu di tích căn cứ Tỉnh ủy chính ở huyện U Minh Thượng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho khu di tích chính; hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử 4 nhà bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy tại hai huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng… Dịp này, hội nghị thông qua thiết kế nhà đón tiếp- trưng bày nằm trong hạng mục của công trình xây dựng khu di tích căn cứ Tỉnh ủy ở U Minh Thượng giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); ý tưởng nội dung hai bức phù điêu đặt hai bên tượng đài trong khu di tích căn cứ Tỉnh ủy ở U Minh Thượng./.
Kim Thư