Trong tổng số 5.350 TTHC được rà soát, Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng đã kiến nghị đơn giản hóa trung bình khoảng 91% TTHC, cao hơn tỷ lệ trung bình mà các Bộ, ngành đề xuất (81%).
Ngày 20/7, Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp giao ban thường kỳ về công tác đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30).
Đơn giản hóa TTHC gắn với giảm tối đa chi phí
TS. Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách cho hay, trên cơ sở các phương án đơn giản hóa của các Bộ ngành, địa phương và Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, Tổ công tác chuyên trách đã cùng chuyên gia, luật sư xây dựng phương án đơn giản hóa TTHC độc lập gửi các Bộ, ngành nghiên cứu để hoàn thiện và nâng cao chất lượng phương án đơn giản hóa theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cắt giảm tối đa chi phí nhưng vẫn bảo đảm được mục tiêu quản lý.
Xuất phát từ mục tiêu đó, trong số 5.350 TTHC được rà soát, Tổ công tác chuyên trách đã nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung 4.132 TTHC, bãi bỏ 588 TTHC, kiến nghị thay thế 165 TTHC, đạt tỷ lệ đơn giản hóa trung bình là 91%, cao hơn tỷ lệ trung bình mà các Bộ, ngành đề xuất là 81%.
Quan trọng hơn, các phương án do Tổ công tác chuyên trách đề xuất gắn liền với việc cắt giảm chi phí cho nhân dân, bảo đảm chỉ tiêu cắt giảm được 30% chi phí tuân thủ TTHC do Thủ tướng giao.
Trong quá trình thực hiện, nhiều Bộ, ngành đã có cách làm hay, như phối hợp với Tổ công tác chuyên trách và các Cục, Vụ có TTHC cùng tham vấn, thảo luận các phương án đơn giản hóa sâu hơn như Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng... Đặc biệt, Bộ Công Thương tính toán cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC lúc đầu là 47 tỷ đồng, nhưng qua tham vấn sâu đã cắt giảm được trên 90 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các Bộ, ngành cần đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên cũng như chuẩn bị kế hoạch cho việc thành lập cơ quan kiểm soát TTHC tại Văn phòng các Bộ ngành, tỉnh thành phố theo Nghị định 63/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm bảo đảm cho quá trình vận hành liên tục đối với quá trình đơn giản hóa TTHC theo phương châm kiểm soát TTHC ngày từ khâu soạn thảo văn bản cũng như việc xây dựng cơ chế tiếp nhận các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về TTHC.
“Vừa qua, vẫn còn một Bộ, ngành soạn thảo văn bản pháp quy có chứa khoảng 8 TTHC. Qua kiểm tra, chúng tôi đã kiến nghị đơn giản hóa sâu hơn 5 TTHC, 2 TTHC dẫn chiếu chung chung và 1 TTHC kiến nghị hủy bỏ”, ông Phan dẫn chứng.
Ông Ngô Hải Phan cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới, đó là, vẫn còn một số Bộ, ngành mới tiếp thu ý kiến của Tổ công tác chuyên trách chứ chưa chủ động tham vấn sâu các ý kiến chuyên gia cũng như ý kiến của các đối tượng bị điều chỉnh.
Ông Ngô Hải Phan đề nghị Tổ công tác của các Bộ, ngành phải bảo đảm việc cắt giảm phải đi vào thực chất hơn nữa theo nguyên tắc cái gì có lợi cho dân thì sớm đưa vào phương án đơn giản hóa chứ không làm hình thức, đối phó.
Còn 4 Bộ không nộp phương án đơn giản hóa đúng tiến độ
Kiểm điểm chế độ báo cáo, ông Phan cho biết, đến thời điểm này mới có 20/24 Bộ, ngành gửi phương án đơn giản hóa về Tổ công tác chuyên trách. Có 4 Bộ chưa nộp báo cáo về phương án đơn giản hóa TTHC đúng hạn là Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, một số Tổ công tác các Bộ, ngành đã không thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính (như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ) do không có cán bộ tham gia cuộc họp thường kỳ hôm nay của Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng.
“Việc này, chúng tôi sẽ báo cáo cụ thể với Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP kiêm Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách của Thủ tướng về những Bộ, ngành không chấp hành nghiêm túc kỷ luật hành chính”, ông Phan nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đặng Công Khai, Tổ phó Tổ thực hiện Đề án 30 của Bộ Tài chính cho biết, quá trình thực hiện Nghị quyết 25/NQ-CP có một số vướng mắc và kiến nghị lùi thời gian thực hiện một số TTHC ưu tiên liên quan đến lĩnh vực hải quan.
Ông Cao Cảnh Giác, Tổ phó Tổ Đề án 30 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẳng thắn cho biết chưa được lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo sát sao, nhân lực ít lại có sự biến động, một số công việc lại giao cho bộ phận khác nên việc hoàn thành công việc còn gặp khó khăn.
Đại diện Tổ công tác Đề án 30 một số Bộ ngành khác cũng bày tỏ băn khoăn về tiến độ thời gian cũng như kiến nghị sớm có hướng dẫn về kỹ thuật lập pháp đối với hình thức dùng “một văn bản sửa nhiều văn bản” khi triển khai thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC.
Thay mặt Tổ công tác chuyên trách, ông Nguyễn Minh Mẫn, Tổ phó Tổ công tác chuyên trách nêu rõ, không lùi thời gian mà Thủ tướng đã đặt ra. Do đó, với 4 Bộ ngành chưa nộp phương án đơn giản hóa TTHC, hạn cuối cùng phải hoàn thành là ngày 25/7/2010 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Với những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện, ông Nguyễn Minh Mẫn đề nghị lãnh đạo Tổ công tác các Bộ ngành cần sớm báo cáo, kiến nghị với Tổ công tác chuyên trách để tháo gỡ./.
(Theo: chinhphu.vn)