Thứ Ba, 1/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 3/8/2011 21:26'(GMT+7)

Kinh nghiệm sau một năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" ở Khánh Hòa

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Quy chế tổ chức và hoạt động; Tổ chức hội nghị quán triệt Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở; hội viên các đoàn thể từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn và tuyên truyền đến đông đảo nhân dân ở thôn, xóm.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, đoàn thể, cơ sở dạy nghề, các chính sách, giải pháp và hoạt động của Đề án được tiến hành đồng bộ, đúng hướng và đạt được kết quả bước đầu. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được tăng cường; chương trình đào tạo được xây dựng phù hợp với thực tiễn của địa phương; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề ngày một phát triển về số lượng và được nâng cao về chất lượng. Một số mô hình sản xuất chuyên canh, làng nghề được hình thành và mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, Đề án đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng được mối quan hệ gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp trong việc dạy nghề, giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm. Nhiều địa phương đã và đang xây dựng đề án cấp huyện, trong đó có xác định cụ thể mục tiêu, quy mô, ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Qua điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong toàn tỉnh cho thấy: hiện có 31.085 người có nhu cầu đào tạo nghề, trong đó nhóm nghề nông-lâm-ngư nghiệp là 14.985 người; công nghiệp-xây dựng là 4.100 người; dịch vụ-du lịch là 12.000 người; bước đầu đã xác định được 40 nghề cần đào tạo tại địa phương; 370 cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo và 100% các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh có nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo và tuyển dụng giáo viên dạy nghề…

Sau một năm thực hiện Đề án, công tác đào tạo, dạy nghề của tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét, góp phần tích cực trong việc định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho lực lượng lao động ở khu vực nông thôn. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2011, các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh đã mở được 43 lớp đào tạo nghề cho 1.423 người, với kinh phí 2,7 tỷ đồng, đạt 62,21% kế hoạch kinh phí được giao; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đào tạo và cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá cho 140 người, với kinh phí 280 triệu đồng. Hai huyện Vạn Ninh và Diên Khánh được chọn làm điểm thực hiện Đề án, đã đào tạo được 93 học viên nghề may, 35 học viên nghề bóc tách hạt điều và 100% số học viên sau học nghề đều được các công ty nhận vào làm, thu nhập ổn định từ 1,8 triệu đồng đến 2,2 triệu đồng/tháng. Đào tạo được 70 học viên học nghề nuôi gà thả vườn, 35 học viên nghề trồng nấm Bào ngư trên rơm, các học viên này đều tự tạo được việc làm và sản phẩm của họ làm ra được các doanh nghiệp chấp nhận và đặt hàng bao tiêu sản phẩm. Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới Trường Trung cấp nghề huyện Cam Lâm và Trường Trung cấp nghề huyện Vạn Ninh, với tổng kinh phí 23 tỷ đồng; tổ chức 04 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng dạy nghề cho 80 giáo viên; 03 khóa bồi dưỡng cho 89 người về nghiệp vụ quản lý dạy nghề và tư vấn nghề; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động chính sách xã hội, người khuyết tật, người nghèo trên địa bàn tỉnh cho 2.698 người, với tổng kinh phí 2,25 tỷ đồng.

Bước vào năm 2011, với không ít khó khăn, thách thức đặt ra, nhất là tình hình kinh tế - xã hội có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, lạm phát tăng cao… làm cho đời sống của người dân tiếp tục bị ảnh hưởng, nhiều lao động ở nông thôn không có việc làm do thu hẹp sản xuất, trong khi phần lớn lực lượng này chưa qua đào tạo nghề… Trước tình hình đó, cùng với sự quyết tâm, phấn đấu thực hiện thành công Đề án, góp phần thực hiện thắng lợi công tác đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, Khánh Hòa đã quan tâm, huy động nhiều nguồn lực để triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động thôn thôn, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai với những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, thiết thực, có sự phân công rõ ràng, cụ thể cho từng ngành và với những bước đi, lộ trình triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Theo đó, năm 2011, tỉnh sẽ tuyển mới và dạy nghề cho 24.000 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 15.750 người; hỗ trợ và đặt hàng dạy nghề cho 8.510 lao động nông thôn theo chính sách của Đề án; phấn đấu có ít nhất 70% học viên có việc làm sau khi được đào tạo nghề; nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 37,5%. Tiếp tục triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, mà tập trung ở các xã điểm mô hình xây dựng nông thôn mới, các huyện điểm thực hiện Đề án, để từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh; đồng thời tổ chức một số lớp thí điểm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách và cán bộ thuộc 7 chức danh chuyên môn cấp xã…

Có thể nói, mặc dù là năm đầu tiên thực hiện Đề án, với không ít khó khăn, tồn tại, vướng mắc, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề… công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Khánh Hòa đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tạo được cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai các hoạt động của Đề án, có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với việc phát triển nguồn nhân lực của địa phương, tạo nền tảng cơ bản cho việc triển khai Đề án đạt hiệu quả trong những năm tiếp theo, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Khánh Hòa.

Qua một năm triển khai, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án của tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm bước đầu như sau:

Một là, địa phương, đơn vị nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và huy động được cả hệ thống chính trị tham gia, đồng thời có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan và có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện thì nơi đó các chính sách, hoạt động của Đề án được triển khai nhanh và đạt hiệu quả.

Hai là, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn học nghề phải đi trước một bước; cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm vững thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động. Vì chỉ khi nào người dân hiểu rõ, nhận thức đúng về học nghề trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình thì họ mới tích cực tham gia học nghề.

Ba là, kế hoạch đào tạo, dạy nghề phải căn cứ vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nội dung chương trình dạy nghề phải bao gồm cả kiến thức về kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, để người lao động sau học nghề biết huy động nguồn vốn, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.

Bốn là, để thực hiện Đề án có hiệu quả, phải huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của các sở ngành có liên quan, nhất là trong việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đào tạo nghề; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm…

Năm là, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học nghề từ khâu xác định nhu cầu, tổ chức đào tạo đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm.

Sáu là, cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề các cấp phải có đủ năng lực và điều kiện để triển khai hoạt động của Đề án, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dạy nghề, cán bộ chuyên trách đào tạo nghề từ cấp huyện đến cấp tỉnh; tăng cường cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu ở các cơ sở dạy nghề cả về số lượng và chất lượng.

Bảy là, việc triển khai Đề án phải được lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời phải căn cứ, bám sát vào nhiệm vụ, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch cơ cấu lao động của địa phương theo từng ngành, lĩnh vực.

Tám là, công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động dạy nghề phải được thực hiện thường xuyên, liên tục ở tất cả các khâu, các ngành, các cấp và nhất thiết phải xây dựng được bộ tiêu chí giám sát, đánh giá tình hình triển khai Đề án./.



Lương Nguyễn Quốc Phong ,
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất