Năm 2016, tăng trưởng kinh tế chưa có sự bứt phá, song vẫn duy trì được
sự tăng trưởng khá cao và ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn
được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Kết quả này được cho là thành công trong quản lý điều hành của Chính phủ, nỗ lực của toàn bộ nền kinh tế.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết, những ngành, lĩnh vực nào khởi sắc trong năm qua giúp cho kinh tế Việt Nam đạt được sự tăng trưởng?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tăng trưởng kinh tế năm 2016
đạt thấp hơn mức kế hoạch đề ra là 6,7%, song với mức tăng trưởng GDP
đạt 6,21% là kết quả sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và
chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ.
Năm 2016, kinh tế thế giới tiếp tục gặp những khó khăn, tốc độ tăng
trưởng giảm sút, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế và giá dầu biến
động khó lường; hiện tượng El Nino mạnh xảy ra trên nhiều quốc gia.
Trong nước tình hình rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc, tình trạng
hạn hán, bão lũ tại nhiều tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở
Đồng bằng sông Cửu Long; ô nhiễm môi trường biển tại bốn tỉnh miền
Trung... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong
năm 2016.
Trong bối cảnh bất lợi đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản,
song trong năm 2016 kinh tế nước ta có nhiều điểm sáng, nhiều ngành tăng
trưởng tốt, khởi sắc giúp kinh tế Việt Nam đạt được kết quả tương đối
cao. Đó là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp sản xuất
và phân phối điện; hoạt động xây dựng; hoạt động thương mại; hoạt động
du lịch và các ngành dịch vụ khác.
Nhìn chung, chăn nuôi năm 2016 đang diễn ra theo hướng tích cực. Dịch
bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được khống chế; giá bán sản phẩm chăn
nuôi vẫn duy trì ở mức có lợi cho người chăn nuôi. Chăn nuôi hộ nhỏ lẻ
đang có xu hướng giảm dần, quy mô trang trại, gia trại tăng ở tất cả các
loại vật nuôi.
Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, nhiều ngành có chỉ số sản
xuất năm 2016 tăng cao so với năm 2015. Hoạt động du lịch có sự khởi sắc
trong những tháng cuối năm, đạt mức kỷ lục 10,01 triệu lượt khách du
lịch quốc tế.
Môi trường kinh doanh được cải thiện, trong năm, cả nước có 110.100
doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 891 nghìn tỷ đồng, tăng
16,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với
năm 2015. Đây là số doanh nghiệp tăng cao kỷ lục từ trước đến nay, lần
đầu tiên nước ta có trên 100.000 doanh nghiệp thành lập trong một năm.
Tôi cho rằng năm 2016, tăng trưởng kinh tế chưa có sự bứt phá, song vẫn
duy trì được sự tăng trưởng khá cao và ổn định là một thành công trong
quản lý điều hành của Chính phủ, nỗ lực của toàn bộ nền kinh tế, các cân
đối lớn của nền kinh tế vẫn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức
thấp.
- Thưa ông, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những thách
thức tác động tới tăng trưởng. Ông nhận định về tình hình này như thế
nào?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Bên cạnh những kết quả đã đạt
được, tình hình kinh tế-xã hội trong năm 2016 vẫn còn nhiều khó khăn,
thách thức. Đó là năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp tuy
đã được cải thiện trong những năm gần đây song vẫn còn ở mức thấp, điều
đó ảnh hưởng khá nhiều đến tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.
Tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào yếu tố vốn và lao động. Trong khi giai
đoạn tới, nguồn vốn cho đầu tư, nhất là vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước
sẽ hạn chế, do giới hạn về tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ
sẽ khó thúc đẩy tăng trưởng nhanh.
Mặc dù, môi trường đầu tư, kinh doanh đã được hoàn thiện đáng kể, nhưng
vẫn còn rào cản và các điều kiện kinh doanh bất hợp lý gây cản trở hoạt
động của doanh nghiệp; năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện
nhiều.
Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại
Nhà nước, các ngân hàng cổ phần, liên doanh khá cao, nếu không được xử
lý kịp thời có thể làm giảm tăng trưởng GDP hàng năm của nước ta tới 2%.
Vấn đề nợ công cao cũng ngăn cản nguồn vốn đầu tư rất quan trọng của
đất nước.
Bên cạnh đó, năng suất lao động tăng cao trong năm 2016, song vẫn ở mức
thấp trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lao động tăng chủ yếu vẫn
dựa vào thay đổi cơ cấu ngành kinh tế, trong khi năng suất của từng
ngành vẫn ở mức thấp và tăng chậm; năng suất các nhân tố tổng hợp đóng
góp vào tăng trưởng còn hạn chế, tốc độ tăng còn chậm.
Ngoài ra, độ mở cửa nền kinh tế cao, năm sau cao hơn năm trước thể hiện
tăng trưởng kinh tế của nước ta phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu của thị
trường thế giới; tuy vậy, trong những năm tới xu hướng bảo hộ mậu dịch
của một số nền kinh tế lớn; đồng thời, với việc thực thi các hiệp định
thương mại đã có hiệu lực, nền kinh tế nước ta sẽ có những thuận lợi
đồng thời cũng phải xử lý không ít những khó khăn. Đặc biệt khu vực
doanh nghiệp trong nước phải năng động, linh hoạt và đổi mới để tránh
việc thua ngay trên sân nhà.
- Với những thách thức, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn tồn tại,
theo ông cần phải có những giải pháp gì để tăng trưởng bền vững trong
năm 2017?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, trước tiên,
chúng ta phải tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô
hình tăng trưởng. Việc thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi
mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020 đã được triển khai và thực hiện
bước đầu, song còn chậm; đồng thời, cần đẩy nhanh tái cấu trúc và chuyển
đổi mô hình tăng trưởng nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ
mô; cải thiện tính minh bạch trong đầu tư công, giúp nâng cao năng suất
lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần tập trung thực hiện cơ cấu lại nông
nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế, nhu
cầu thị trường, thích nghi với biến đổi khí hậu. Đặc biệt đối với các
tỉnh bị xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu long và các tỉnh thường xuyên
bị hạn hán cần quy hoạch lại cơ cấu sản xuất các ngành, nhất là trong
sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng thành các vùng
chuyên canh quy mô lớn…
Ngoài ra, cần có chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh sản
xuất phục vụ thị trường trong nước để chia sẻ “gánh nặng” tăng trưởng
nhờ xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có lợi
thế, có giá trị gia tăng cao, như du lịch, viễn thông, công nghệ thông
tin, tài chính, ngân hàng...
Tôi cũng cho rằng Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản
xuất, thay đổi công nghệ, sắp xếp lại tổ chức sản xuất nhằm nâng cao
năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời, hoàn thiện
môi trường kinh doanh, tạo thông thoáng hơn cho đầu tư, mở rộng sản xuất
nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.
- Những kết quả đạt được trong năm 2016 có vai trò như thế nào trong kế
hoạch thực hiện kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, thưa ông?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tôi cho rằng tăng
trưởng kinh tế năm 2016 tuy không đạt mục kế hoạch đề ra, điều này có
ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 song
không nhiều, đây mới chỉ là năm đầu tiên của giai đoạn 5 năm tới.
Với quan điểm, mục tiêu và thực tế hành động của một Chính phủ kiến tạo,
liêm chính đã và đang tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh
thông thoáng, minh bạch, tạo niềm tin và sự hứng khởi cho cộng đồng
doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua kết quả trong năm 2016, số
doanh nghiệp mới được thành lập và quay trở lại sản xuất đạt “kỷ lục” sẽ
là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những
năm 2017 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, nhiều hiệp định thương
mại song phương, đa phương đã được ký kết và có hiệu lực, thị trường đã
được mở rộng cũng là cơ hội cho nền kinh tế nước ta phát triển.
Sau chu kỳ khó khăn, nền kinh tế thế giới sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng
mới; độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, chịu tác động lớn
của nền kinh tế thế giới, đây cũng là cơ hội để kinh tế Việt Nam đạt mức
tăng trưởng cao hơn những năm gần đây.
- Xin cám ơn ông./.
Thúy Hiền (TTXVN)