Có thể nhìn thấy chuyển động mới ngay trong cuộc họp của Chính phủ với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố suốt 2 ngày qua!
Rõ
ràng, phải “soi lại” chính mình, mổ xẻ chính mình xem những gì còn hạn
chế yếu kém. Rõ ràng, không thể “dĩ hòa vi quý”, càng không thể “tung
hứng” lời hay, mỹ từ để ngợi khen, làm vừa lòng nhau. Dường như, từ Thủ
tướng, các Phó Thủ tướng, tư lệnh các bộ, ngành, người đứng đầu các
tỉnh, thành phố đang phải đối diện với câu hỏi của đất nước: Làm gì để
kinh tế bền vững?
Vì sao dư luận bức
xúc trước tham nhũng, vụ lợi, thao túng quyền lực, cậy quyền, cậy uy,
“sân sau, sân trước”? Chính phủ “kiến tạo, liêm chính” thì vai trò cấu
trúc bộ máy, thiết kế chính sách đã bắt trúng thực tiễn chưa?
Nói
“liêm chính” là người đứng đầu phải trong sạch, phải công minh. Ngồi
ghế bộ trưởng, hay giữ trọng trách đứng đầu các tỉnh, huyện mà còn vướng
chuyện “sân sau” của thân hữu, của vợ con, sao có thể nói mạnh, làm
mạnh được? Rồi chỉ đạo của Ban Bí thư cũng như ý kiến của Thủ tướng yêu
cầu các tỉnh, thành phố không kéo về Hà Nội chúc Tết lãnh đạo liệu có
được thực hiện nghiêm?
Mừng với con
số kiềm chế lạm phát dưới 5%! Mừng với thu ngân sách trong cam go tứ bề
vẫn vượt lên con số 100,7%. Vui với hơn 110.000 doanh nghiệp (DN) thành
lập mới là điểm tựa cho đất nước đi mạnh vào khởi nghiệp.
Vẫn nóng bỏng chuyện Bộ Tài chính phải
lo cân đối ngân sách, khi nợ công vút cao, bội chi phình to, cản lại
cách gì? Nóng với hàng loạt dự án nhà máy nghìn tỷ đầu tư lãng phí đang
chềnh ềnh giữa “thanh thiên” làm nặng vai đất nước, làm chệch hướng
trong đầu tư, xô lệch nền kinh tế. Nóng với những vụ việc đôn ghế, ban
quyền, xếp chỗ cho thân hữu người nhà, trong những DN “sân trước sân
sau”, lùm xùm ở Bộ Công thương trong đề bạt bố trí cán bộ không chuẩn
chỉ, làm méo mó quy trình, quy chế…
Một
năm đi qua, cả nước nhận thấy một QH mạnh mẽ trong giám sát trên mọi
lĩnh vực, một Chính phủ chịu đến với dân, với các DN, một Chính phủ lắng
nghe và biết nghe!
Vấn đề không chỉ
dừng ở những chuyển động từ vĩ mô? Phải nhìn xem các bộ, ngành, 63 tỉnh,
thành phố đã chuyển động, bứt phá đến đâu.
Đất nước phải tăng trưởng, nhưng không vì tăng trưởng mà đánh đổi môi trường, mà làm méo mó kỷ cương, làm chệch hướng kinh tế.
Đất
nước muốn bứt phá phải nhìn lại ngay dưới chân còn gì vướng víu? DN
khởi nghiệp thành lập mới tăng nhanh, phải có chính sách cụ thể thế nào
để hội nhập, lớn nhanh. Các bộ, ngành phải nhìn vào con số hơn 62.000 DN
gục ngã, liệu có nguyên nhân “gục” về cơ chế, “ngã” vì chính sách ban
ra chưa chuẩn không?
Phía trước đè
nặng vẫn là nợ xấu ngân hàng và nợ công còn lớn, sẽ tháo gỡ cách gì?
Phía trước là năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế còn yếu, các chính
sách từ vĩ mô phải làm sao đừng để các DN yếu non thêm. Không thể không
suy nghĩ phí vận chuyển của các DN trên những cung đường trong nước cao
hơn cả vận tải bằng đường biển sang trời Âu, đất Mỹ, có hay các trạm thu
phí giăng ra như “mắt lưới”?
Nhìn
tổng thể phải tái cơ cấu toàn diện kinh tế đất nước, sao chỉ có Bộ Công
thương “đột phá”? Thu hồi các quyết định đề bạt sai, sắp xếp, cấu trúc
lại các cục, vụ, viện gọn nhẹ hơn. Còn các bộ, ngành khác thế nào? Rõ
ràng phải vượt qua lợi ích cục bộ, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ mới có
thể mở cửa đi vào tái cơ cấu kinh tế được!
Nói
mạnh càng phải làm mạnh hơn! Hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
cứ kêu nghẽn tắc, đổ bao nhiêu bạc tiền, hết mở đường chui, cầu vượt,
xe buýt nhanh… mà tháo gỡ chưa ra. Nhưng gỡ cách gì, khi cứ cấp phép xây
dựng cao ốc vút cao 40 - 50 tầng, thì nghẽn tắc ở ngay đó chứ đâu xa?
Cứ nói nghe dân, trọng dân mà đây đó dân phản đối, các nhà khoa học phản
đối, vẫn cứ cố “ném tiền” ra làm, sao nói “nghe dân, trọng dân” được?
Trung
ương chuyển động, các tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường, xã càng
phải chuyển động quyết liệt, đồng bộ, mới mong đất nước đột phá đi lên!
Hà Phương (daibieunhandan)