Tôn giáo, tín ngưỡng là một bộ phận quan trọng cấu thành nên đời
sống văn hóa tinh thần. Khảo sát nhu cầu hưởng thụ văn hóa do Sở
VH,TT&DL và Viện Gia đình và giới thực hiện đối với 1.211 hộ gia
đình mới đây tại Hà Nội cho thấy, những giá trị truyền thống tốt đẹp
trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở Hà Nội vẫn được duy trì, tuy
nhiên cũng nảy sinh không ít bất cập.
Hoạt động tín ngưỡng gia tăng
Theo Thạc sỹ Lê Ngọc Lân (Viện Gia đình và giới), khảo sát cho thấy,
trong hoạt động lễ chùa, 48,1% người được hỏi tham dự các dịp lễ chính
(ngày Tết, rằm tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chạp), con số
này là 20,9% vào ngày rằm, mồng một hàng tháng. 7,3% chỉ thỉnh thoảng
đến chùa nhân dịp đi công tác, du lịch và 23,4% hoàn toàn không đi lễ
chùa. Trên thực tế, việc người dân tham gia lễ chùa gia tăng một phần do
cuộc sống được cải thiện, các cơ sở thờ cúng được tôn tạo, đầu tư nhiều
hơn. Một người dân ở ngoại thành cho biết: "Trước kia điều kiện kinh tế
khó khăn, chỉ lo đi làm, giờ thì có thể nghỉ làm để đi lễ một buổi cho
thoải mái". Với những việc được thực hiện khi đi lễ chùa thì đặt lễ công
đức "giọt dầu" cho nhà chùa chiếm tỷ lệ cao nhất (97,5%).
Một biểu hiện khác thể hiện nhu cầu văn hóa tâm linh là việc thờ cúng
tại gia. Xem xét mức độ thờ cúng, cầu nguyện tại gia trong khoảng thời
gian 12 tháng cho thấy, trong số 1.211 người trả lời có 3,7% không thực
hiện nghi lễ này lần nào, 4,1% cúng lễ 1-2 lần trong năm và 2,6% thực
hiện vài lần trong năm. Chiếm tỷ lệ cao nhất là những người thực hiện
việc thờ cúng 1-2 lần trong tháng (83,2%). Số liệu khảo sát cho thấy 94%
số hộ có thờ cúng ông bà, tổ tiên, 8,8% có thờ Đức Phật, 46,1% thờ Ông
Địa và 10,9% thờ Thần Tài. Một người dân chia sẻ: "Tôi năm nay đã hơn 60
tuổi, bố mẹ tôi khi còn sống, do mải làm nuôi các con nên chẳng biết
ngày mồng một, ngày rằm là gì, nhưng chúng tôi biết mua cân hoa quả thắp
hương để tỏ lòng thành kính". Tìm hiểu ý nghĩa của việc hành lễ, thờ
cúng tại gia đối với các gia đình Hà Nội hiện nay, 70,4% khẳng định đó
là phong tục tập quán tốt, cần được giữ gìn, 48,6% cho rằng đây là những
dịp để con cháu tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, 6,8% nêu tác
dụng của việc thờ cúng tiền nhân, thần Phật là dịp để giáo dục con cái
trong gia đình.
Tham gia lễ hội truyền thống tại các địa phương cũng được coi là một
tiêu chí về sinh hoạt cộng đồng trên khía cạnh văn hóa. Hiện nay, chính
quyền các cấp đã tham gia cùng với cộng đồng trong việc quản lý và tổ
chức các hoạt động văn hóa, lễ hội ở địa phương, cùng với chính sách tự
do tín ngưỡng và xã hội hóa nguồn đầu tư, những năm gần đây, các sinh
hoạt lễ hội truyền thống càng trở nên phong phú. Số liệu khảo sát cho
thấy có 64,2% người được hỏi đã từng tham gia các hoạt động lễ hội trong
năm. Đánh giá ý nghĩa của việc tổ chức các lễ hội truyền thống, 22,8%
số người tham gia cho rằng đó là dịp sinh hoạt có tác dụng gắn bó các
thành viên trong cộng đồng. 73,5% cho rằng tổ chức lễ hội truyền thống
có tác dụng giữ gìn truyền thống văn hóa cộng đồng. Như vậy có thể nói,
tính cộng đồng là dòng chủ đạo, là bản chất của các hoạt động lễ hội
truyền thống.
Còn không ít hủ tục
Thực tế khảo sát còn cho thấy, khi đi lễ chùa, một số hành vi mang tính
mê tín vẫn diễn ra, chẳng hạn như đốt vàng mã (36,9%), rút thẻ (14,5%),
xin bùa (3,7%)… Đáng chú ý, có tới 77,4% thuộc độ tuổi vị thành niên đi
lễ chùa để cầu phúc, cầu tài lộc, cầu tình. Tại các lễ hội, nạn cờ bạc
trá hình vẫn diễn ra, từ các trò chơi ăn tiền, vui chơi có thưởng đến
các sới bạc to, nhỏ. Việc tổ chức thiếu các nội dung vui chơi, giải trí
lành mạnh để người dân tham gia cũng khiến nhiều người tìm đến những trò
đỏ đen tự phát.
Thạc sỹ Lê Ngọc Lân nhận định, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở Hà
Nội đang phát triển phong phú, tuy nhiên, nhiều biểu hiện dị đoan cũng
nhân cơ hội "phục hồi", ảnh hưởng đến môi trường văn hóa chung và gây
tổn hại về kinh tế. Điển hình là những trung tâm tìm mộ, áp vong, ngoại
cảm xuất hiện khắp nơi. Đáng lo ngại hơn, các trung tâm chữa "bệnh âm"
đang mọc lên như nấm sau mưa khắp cả nước. Hễ bị bệnh, người ta lại đổ
cho bị ma nhập, ma hành… và thế là không đi bệnh viện mà gặp thầy cúng,
pháp sư, "nhà ngoại cảm" để trị bệnh, đuổi tà.
Để người dân có cuộc sống, tư tưởng, văn hóa tín ngưỡng lành mạnh hơn,
đòi hỏi cơ quan quản lý phải nắm được thực trạng đời sống tinh thần của
người dân. Và việc phác họa lên một bức tranh tương đối đầy đủ về đời
sống tôn giáo, tín ngưỡng của các nhà khoa học sẽ góp phần giúp các cơ
quan quản lý xây dựng chính sách văn hóa phù hợp, bảo đảm cho người dân
có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, văn minh.
Lâm Vũ/Hà Nội Mới