(TCTG)-Thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum vừa ban hành Kế hoạch số 20-KH/TU nhằm cụ thể hóa phù hợp điều kiện đặc thù của tỉnh.
Kế hoạch số 20-KH/TU nhấn mạnh mục đích của công tác phổ cập giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ em 5 tuổi, PCGD tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở gắn với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao; xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh hợp lý cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do đó Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với công tác PCGD nhằm tạo một nền dân trí vững chắc, đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, HĐND, UBND các cấp trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng, mục tiêu, đối tượng PCGD. Nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể trong việc chăm lo đến sự nghiệp giáo dục, đặc biệt giáo dục tiểu học và trung học cơ sở… nhằm phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào học mẫu giáo đạt 80%-85%. Phấn đấu đến năm 2020, huy động được 99,9% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, tỷ lệ lưu ban và bỏ học ở tiểu học và THCS ở mức 1%. Công tác PCGD tiểu học đúng độ tuổi đạt mức độ 2. Tỉ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99%, đối với những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đạt tỷ lệ từ 97% trở lên; phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề; xóa mù chữ cho độ tuổi 36-45 đạt tỷ lệ 99,5% và độ tuổi 46-60 đạt tỷ lệ 90,5%.
Để thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đề ra nhiệm vụ và giải pháp là bên cạnh tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị về “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn” nhằm nâng cao nhận thức cần tăng cường hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về công tác PCGD, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn, góp phần tạo sự phát triển toàn diện về giáo dục một cách đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý và bảo đảm các điều kiện cần thiết hỗ trợ bậc mầm non phát triển bền vững; nâng dần tỉ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi được học mẫu giáo, thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày; hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào năm 2015.
Giữ vững thành quả kết quả PCGD đã đạt được; hoàn thành PCGD trung học cơ sở, PCGD tiểu học đúng độ tuổi ở những huyện, xã chưa đạt chuẩn. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cảvề số lượng và chất lượng, có chính sách thỏa đáng thu hút sinh viên khá, giỏi về công tác tại những địa bàn khó khăn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cấp học. Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học; hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy bổ túc văn hóa trung học phổ thông gắn với dạy nghề; khuyến khích các cơ sở tuyển dụng học sinh sau trung học cơ sở qua đào tạo nghề nhằm thực hiện việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng tăng nhanh tỉ lệ học sinh vào học ở trường trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia sự nghiệp phát triển giáo dục; tổ chức lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư cho phát triển giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phục vụ thiết thực công tác PCGD, đồng thời tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác xóa mù chữ và PCGD. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về PCGD ở các cấp học. Kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt ở những đơn vị, địa phương thực hiện tốt việc PCGD đúng độ tuổi.
Phi Em